Nguồn tiền mới cho bất động sản năm 2020

Theo Quang Huy/plo.vn

Nguồn vốn cho thị trường bất động sản năm 2020 không thiếu hụt nhưng sẽ giảm hơn so với những năm trước đây.

 Nguồn vốn ngoại sẽ tiếp sức đắc lực cho thị trường bất động sản Việt Nam. Ảnh minh họa: Q.HUY
Nguồn vốn ngoại sẽ tiếp sức đắc lực cho thị trường bất động sản Việt Nam. Ảnh minh họa: Q.HUY

Sau khi Thông tư số 22/2019 do Ngân hàng Nhà nước ban hành chính thức có hiệu lực, van tín dụng đổ vào bất động sản (BĐS) đã bắt đầu siết chặt từ đầu năm 2020. Do đó các doanh nghiệp buộc phải tìm vốn bằng nhiều cách để tiếp tục phát triển kinh doanh bền vững.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa, gợi ý: “Để có thể thu hút được nhiều dòng vốn đầu tư, các doanh nghiệp cần nỗ lực để uy tín và minh bạch hơn; tiếp tục tăng vốn chủ sở hữu, chuyển đổi mô hình từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần và tiến tới niêm yết trên sàn. Ngoài ra, phát triển trái phiếu cũng là một giải pháp cần tính tới”.

Đáng chú ý, theo các chuyên gia phân tích, năm 2020 dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy vào BĐS Việt Nam nhiều hơn năm qua. Ông Quang nhận định vốn ngoại vẫn lựa chọn thị trường Việt Nam vì còn nhiều tiềm năng và số người nước ngoài mua nhà tại đây ngày càng nhiều.

Một số doanh nghiệp đã thành công khi tìm kiếm cơ hội với vốn ngoại. Đơn cử như quỹ đầu tư Creed Group đến từ Nhật Bản được xem là “bà đỡ” của Công ty Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia khi công ty này chuyển mình từ một đơn vị môi giới sang vai trò là chủ đầu tư trong năm năm qua. Ngoài Creed Group đầu tư 200 triệu USD với tỉ lệ sở hữu 21%, An Gia còn được nhiều quỹ đầu tư nước ngoài khác rót vốn hoặc đầu tư cho dự án như quỹ KIM (Hàn Quốc), Actis (Anh Quốc), Hoosiers (Nhật).

Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc An Gia, cho biết nhà thầu hàng đầu là Coteccons Group cũng vừa góp vốn đầu tư vào các dự án của An Gia. Điều này giúp đảm bảo nghiêm ngặt chất lượng và tiến độ thi công các công trình của công ty.

Mỗi doanh nghiệp phải trải qua quá trình cơ bản là mua đất, xây dựng và bán hàng. Hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành bại của dự án là vốn và đối tác thi công. Vì vậy An Gia đã từng bước hoàn thiện các yếu tố đòn bẩy với nguồn vốn từ Creed Group và đối tác thi công Coteccons phụ trách xây dựng.

“Điều này giúp An Gia không phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng, chi phí vốn không quá cao và không lo dự án chậm tiến độ. Mới đây, An Gia chính thức niêm yết 75 triệu cổ phiếu AGG lên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) trong năm 2020. Điều này giúp công ty đa dạng thêm nhiều nguồn tài chính để chuẩn bị tốt cho những dự án tiếp theo” - ông Sáng chia sẻ.

Là đơn vị thu hút được nguồn vốn ngoại từ Nhật Bản và đạt được hiệu quả nhiều năm qua, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long Group, cho biết dòng vốn đầu tư từ đối tác Nhật Bản rất dồi dào. Đối tác ngoại còn chuyển giao công nghệ xây dựng, vật liệu xây dựng và các quy trình để quản lý dự án; đồng thời tích cực giới thiệu thêm nhiều đối tác có kinh nghiệm đa dạng đồng hành cùng doanh nghiệp, củng cố chuỗi giá trị BĐS qua các khâu từ quy hoạch, thiết kế đến xây dựng, quản lý, bán hàng và dịch vụ hậu mãi.

“Điểm quan trọng là để thu hút được dòng vốn ngoại thì khâu quản lý doanh nghiệp và dự án đều phải theo chuẩn mực quốc tế, đòi hỏi công khai, minh bạch” - ông Quang nói.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra thêm một cái lợi cho người mua nhà là khi đầu tư vào các sản phẩm có sự tham gia của đối tác ngoại, khách hàng thường được hỗ trợ tốt hơn. Điều kiện, phương thức thanh toán cạnh tranh nên dễ dàng được tiêu thụ và tăng vòng quay vốn.

Dự đoán năm 2020, ông Trần Khánh Quang cho rằng sẽ có thêm nhiều tân binh là những doanh nghiệp khác ngành nhảy vào đầu tư BĐS. Đây cũng chính là nguồn vốn mới thúc đẩy thị trường. Cạnh đó, lời khuyên cho các nhà đầu tư cá nhân, người mua nhà rằng nếu năm 2018 có thể vay tới 60%-70% giá trị BĐS, đến năm 2019 chỉ nên vay 50%, còn năm 2020 thì chỉ nên vay khoảng 40%-50% để tránh rủi ro về năng lực tài chính.