Thu hút FDI: Tín hiệu sáng từ đầu năm

Theo baodautu.vn

GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho biết, ông rất lạc quan vào triển vọng thu hút vốn FDI trong năm 2016. Bởi ngay từ tháng 1, thu hút FDI đã có kết quả tích cực khi tiếp tục tăng trưởng theo xu hướng chung của năm 2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ông Mại phân tích, đây đều là thành quả có được nhờ vào các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của năm trước và nhiều hiệp định thương mại tự do mới đang dần được thực hiện.

Lợi thế và kỳ vọng

Số liệu chính thức của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 20/1cả nước có 127 dự án mới với tổng vốn đăng ký là 1,01 tỷ USD, tăng 157,9% so với cùng kỳ năm 2015; có 56 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 323,41 triệu USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2015.

Như vậy tính chung trong tháng 1/2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,33 tỷ USD, tăng 101,2% so với cùng kỳ năm 2015. Điểm sáng khác thể hiện ở vốn giải ngân tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2015, ước đạt 800 triệu USD. Đây chính là tín hiệu tích cực báo hiệu một năm thu hút FDI sẽ đạt kết quả khả quan không kém năm 2015.

Cũng theo TS. Nguyễn Mại, NĐT nước ngoài vẫn đang đánh giá tích cực về triển vọng phát triển kinh tế và môi trường đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, chúng ta ngày càng tăng cường được các lợi thế cạnh tranh để trở thành trung tâm xuất khẩu của thế giới, thu hút nhiều dòng chảy vốn FDI. Riêng tại khu vực châu Á, xu hướng mới của FDI vẫn là chuyển dịch từ Trung Quốc (hiện đứng đầu thế giới về thu hút FDI) sang các nước khác.

Trong năm 2015, trào lưu rút vốn khỏi nền kinh tế thứ hai thế giới này đã dâng lên rất cao với khoảng 1.000 tỷ USD, gấp 7 lần năm 2014. “Trong số các quốc gia được lựa chọn dịch chuyển vốn từ Trung Quốc, thì Việt Nam được nhiều tập đoàn đa quốc gia lựa chọn là phương án số 1”, ông Mại khẳng định.

“Tích tiểu thành đại”

Nhiều chuyên gia cũng dự đoán, dòng chảy chung của vốn FDI sẽ tiếp tục đều đặn vào Việt Nam trong năm 2016, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Song trong lĩnh vực này sẽ khó có đột phá từ dự án tỷ đô, mà chủ yếu là nhờ các dự án nhỏ “tích tiểu thành đại”.

Bởi hiện nay các tập đoàn đa quốc gia và NĐT lớn như Samsung, LG, Nokia – Microsoft, Formosa… đã và đang hoàn thành tổ hợp sản xuất, kéo theo các DN trong chuỗi sản xuất vào Việt Nam ngày càng nhiều.

Bên cạnh đó, các dự án nguyên phụ liệu trong lĩnh vực dệt may cũng tiếp tục đổ vào Việt Nam để hình thành chuỗi sản xuất – xuất khẩu, hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do.

Có thể thấy xu hướng này đã thể hiện khá rõ nét qua quy mô các dự án FDI trong tháng 1. Theo đó, dự án lớn nhất là 210,58 triệu USD và rơi vào lĩnh vực giải trí. Đây là dự án đầu tư mua sắm và vận hành hệ thống kỹ thuật, thiết bị, công nghệ, phần mềm và kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán do Berjaya Corporation Berhad (Malaysia) liên doanh với Công ty TNHH một thành viên Xổ số điện toán Việt Nam đầu tư tại Hà Nội.

Dự án có quy mô lớn thứ 2 là nhà máy sản xuất trang phục may mặc của Công ty TNHH Maple (Singapore) với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD tại Bắc Ninh. Cùng với dự án quy mô trăm triệu USD này, có nhiều dự án quy mô nhỏ hơn trong lĩnh vực nguyên phụ liệu dệt may đã đổ bộ vào Việt Nam ngay trong những ngày đầu năm.

Đơn cử như Avery Dennison RBIS, Tập đoàn hàng đầu thế giới về giải pháp tem nhãn mác, bao bì, phụ liệu trang trí cho sản phẩm dệt may, da giày, đã chính thức khánh thành nhà máy có vốn đầu tư 30 triệu USD tại Khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An.

Tương tự, lĩnh vực điện, điện tử cũng đã chứng kiến cuộc đổ bộ mạnh mẽ của các dự án nhỏ ngay từ những ngày đầu tháng 1. Lớn nhất trong số này là dự án nhà máy sản xuất tai nghe, dây kết nối New Wing, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD do Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology Bắc Giang đầu tư tại Bắc Giang.

Trong khi đó tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty United More SDN.Bhd (Malaysia) đã đầu tư 21 triệu USD xây dựng nhà máy chuyên sản xuất khung màn hình nhựa bóng và vỏ sau nhựa cho các loại TV thông minh, TV LCD và TV LED có độ chính xác cao.

Không khí nhộn nhịp chào đón NĐT nước ngoài cũng diễn ra tại các tỉnh thành phía Bắc khác như Hải Phòng, Vĩnh Phúc… Theo đó, rất nhiều dự án do NĐT Hàn Quốc triển khai tại các địa phương này đều nhắm đến mục tiêu cuối cùng là sản xuất linh phụ kiện cho điện thoại di động, thiết bị điện tử.

Đặt mục tiêu đưa nhà máy vào sản xuất ngay trong năm 2016, các nhà máy này đã thể hiện quyết tâm chạy hết tốc độ để kịp thời cung ứng linh phụ kiện cho các tổ hợp sản xuất đồ điện tử, thiết bị di động. Các dự án trên đều có vốn đầu tư không lớn, bởi đó đều là những dự án vệ tinh cho các “ông lớn” Samsung, Nokia-Microsoft, LG....

Đây cũng là xu thế từ năm 2015 kéo dài sang năm 2016, theo đó sẽ có nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp điện tử tìm đến địa phương nơi các tập đoàn lớn đặt cơ sở sản xuất để đón đầu cơ hội từ các NĐT này.

Mặc dù dòng vốn vào công nghiệp chế biến chế tạo có thể duy trì đều trong năm 2016, song để tạo ra chuyển biến mạnh thì vẫn phải dựa vào một số dự án tỷ đô, theo nhận định của TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài. Điểm khác biệt là trong năm tới, tâm điểm thu hút vốn lớn có thể sẽ nằm ở lĩnh vực hạ tầng. Ngay trong tháng 1, những tín hiệu đầu tiên đã xuất hiện, cho thấy triển vọng thu hút vốn đầu tư trong năm này nhiều khả năng sẽ vào ngành điện.

Điển hình là thoả thuận đầu tư Dự án nhiệt điện Nam Định giữa Công ty TNHH Điện lực Taekwang (Hàn Quốc), Công ty ACWA Power (Arab Saudi) với Bộ Công Thương, hứa hẹn sẽ có thêm 2 tỷ USD đổ vào ngành điện ngay trong năm 2016.

Bên cạnh đó, hiện dự án BOT nhiệt điện Nghi Sơn 2 có tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD cũng đã kết thúc quá trình thảo luận để hoàn thiện các tài liệu liên quan. Và với các dự án này, thì cục diện chung của vốn FDI cả năm sẽ chuyển biến vô cùng nhanh chóng.