Nguyên nhân khiến thương mại toàn cầu sụt giảm
Một nguyên nhân đáng kể ảnh hưởng đến sự sụt giảm của dòng thương mại đó là xu hướng gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại mà đỉnh điểm là căng thẳng thương chiến Mỹ - Trung đã diễn ra liên tục trong 2 năm qua.
Số liệu thống kê mới công bố từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy tăng trưởng thương mại toàn cầu đã chậm lại từ mức 5,7% năm 2017 xuống còn 3,6% trong năm 2018 và tiếp tục giảm xuống chỉ còn 1% trong nửa đầu năm 2019. Với diễn biến như vậy, dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2019 sẽ chỉ đạt 1,2% - mức tăng trưởng thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 2012.
Sự giảm sút trong tăng trưởng thương mại trong 2 năm gần đây được lý giải chủ yếu do 2 lý do. Trước hết, xu hướng chững lại của tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã khiến nhu cầu giảm sút trên toàn thế giới là nguyên nhân đầu tiên lý giải cho sự sụt giảm của dòng chảy thương mại.
Số liệu thống kê từ các tổ chức quốc tế cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã chậm lại kể từ nửa cuối năm 2018 trở lại đây, theo đó tốc độ tăng trưởng đã giảm từ mức 3,8% năm 2017 xuống còn 3,6% năm 2018. Xu hướng suy giảm này được dự báo tiếp tục diễn ra trong năm 2019 với tốc độ tăng trưởng năm 2019 chỉ đạt 3% - mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Diễn biến tăng trưởng chậm lại được ghi nhận ở cả hai nhóm nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Dự báo năm 2019, tốc độ tăng trưởng tại nhóm các nền kinh tế phát triển chỉ ước đạt 1,7% trong khi nhóm các nền kinh tế mới nổi chỉ đạt 3,9%, đây đều là những mức tăng trưởng thấp nhất được ghi nhận tại các nhóm nước từ sau khủng hoảng 2008 đến nay.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân đáng kể khác cũng ảnh hưởng đến sự sụt giảm của dòng thương mại đó là xu hướng gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại mà đỉnh điểm là căng thẳng thương chiến Mỹ - Trung đã diễn ra liên tục trong 2 năm qua.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu từ ngày 20/4/2017 khi Mỹ tiến hành điều tra xác định liệu thép nhập khẩu từ Trung Quốc và một số nước khác có đe dọa an ninh quốc gia hay không. Ngày 6/7/2018, chính quyền Mỹ chính thức “khai hỏa” chiến tranh thương mại với Trung Quốc bằng việc áp thuế quan 25% đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc thiết bị điện tử và công nghệ cao. Phía Trung Quốc đã lập tức đáp trả bằng cách áp thuế tương ứng 34 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, chủ yếu là các mặt hàng nông sản. Tiếp theo đó là một loạt các đợt áp thuế và trả đũa đến từ cả hai bên. Động thái này đã gây căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu.
Cùng với sự gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại trong khuôn khổ của WTO, đặc biệt là Vòng đàm phán Đôha bị đình trệ và vướng phải nhiều nút thắt khó gỡ nhiều năm qua, các thành viên của WTO tỏ ra không còn mặn mà với các cuộc đàm phán đa phương do khó đạt đồng thuận đối với những vấn đề nhạy cảm và có xu hướng chuyển sang đàm phán, ký kết các thỏa thuận thương mại tự do song phương hoặc nhiều bên (RTA/FTA).
Điều này dẫn tới sự phân cực hoặc co cụm thương mại giữa các khu vực và quốc gia trên thế giới, đồng thời làm gia tăng sự phân biệt đối xử trong thương mại quốc tế.
Nghiên cứu mới đây của WTO cho thấy, thời gian qua, các biện pháp hạn chế/bảo hộ thương mại được các thành viên WTO áp dụng đã gia tăng một cách kỷ lục. Đơn cử, chỉ trong giai đoạn từ tháng 10/2018 đến tháng 10/2019, tổng giá trị thương mại bị ảnh hưởng do việc áp dụng các biện pháp này dự tính khoảng 747 tỷ USD. Đây là con số lớn nhất được ghi nhận kể từ tháng 10/2012 tới nay, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ năm ngoái (ở mức 588 tỷ USD). Điều này khiến cho căng thẳng trong quan hệ giao thương và sự bất ổn trong thương mại quốc tế ngày càng gia tăng.
Báo cáo của Cơ quan rà soát chính sách thương mại của WTO cho thấy, trong quá trình rà soát, 102 biện pháp bảo hộ thương mại mới đang được áp dụng bởi các thành viên WTO, bao gồm các biện pháp tăng thuế, tăng các hạn chế định lượng, thắt chặt các thủ tục hải quan, tăng thuế nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa. Những mặt hàng chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế nhập khẩu mới này tập trung vào: khoáng sản và dầu đốt (17,7%); máy móc thiết bị cơ khí (13%); máy móc, bộ phận điện (11,7%) và kim loại quý (6%).
Cơ quan rà soát chính sách thương mại của WTO cũng cho rằng, tình hình tăng lên của các chính sách và biện pháp bảo hộ thương mại này cần nhận được sự quan tâm đúng mức của các thành viên WTO cũng như cộng đồng quốc tế, bởi chúng đang có những tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng thương mại, công ăn việc làm và sức mua của các nước.
Trong tình hình ngày càng gia tăng của các biện pháp hạn chế thương mại được áp dụng, Tổng giám đốc WTO Roberto Azevêdo tại buổi họp của Cơ quan rà soát chính sách thương mại của WTO nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự hợp tác và nỗ lực của các thành viên trong việc giảm bớt các biện pháp này nhằm tăng cường sự bền vững của hệ thống thương mại và góp phần tích cực cho thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế.