Nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá du lịch
Thông tư số 12/2022/TT-BTC ngày 22/2/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn rõ các nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch.
Cụ thể, Điều 2 Thông tư số 12/2022/TT-BTC nêu rõ 5 nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí gồm:
Một là, kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ chỉ được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch; không được sử dụng để chi hoạt động quản lý bộ máy của Quỹ và chi cho các mục đích khác.
Hai là, các khoản chi xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi theo quy định tại Thông tư này và các quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu ngân sách nhà nước. Quỹ và các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được Quỹ hỗ trợ kinh phí, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý và sử dụng kinh phí đúng quy định, tiết kiệm và hiệu quả.
Ba là, ngân sách nhà nước bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước giao. Trường hợp các nhiệm vụ hỗ trợ đủ điều kiện đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ còng sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và các quy định hiện hành về chi tiêu ngân sách nhà nước.
Bốn là, nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ chi được sử dụng để hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thực hiện nhiệm vụ do các tổ chức, doanh nghiệp về du lịch chủ trì, đề xuất (hỗ trợ tối đa 01 hoạt động và 01 lần trong năm);
Mức kinh phí hỗ trợ cụ thể đối với từng tổ chức, doanh nghiệp căn cứ theo dự toán kinh phí xây dựng nhiệm vụ do Chủ tịch Quỹ quyết định sau khi có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bảo đảm phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch và dự toán ngân sách được giao hàng năm. Việc bố trí nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ căn cứ theo cơ cấu tỷ lệ với các nguồn kinh phí huy động của doanh nghiệp, tổ chức theo nhiệm vụ được phê duyệt.
Trong quá trình thực hiện, trường hợp các nguồn đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp không bảo đảm cơ cấu và tổng mức quy định tại Quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền hoặc theo hợp đồng đã ký, Chủ tịch Quỹ có trách nhiệm dừng hoặc giảm tỷ lệ giải ngân kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tương ứng với phần giảm tỷ lệ đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp; hoặc có biện pháp thu hồi phần kinh phí đã hỗ trợ trong trường hợp tỷ lệ giải ngân kinh phí hỗ trợ cao hơn tỷ lệ đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp theo Quyết định phê duyệt hoặc hợp đồng đã ký ban đầu.
Năm là, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí đúng mục đích; mở sổ kế toán để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí; lưu giữ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán; quyết toán với Quỹ về việc sử dụng số kinh phí được hỗ trợ.