Nhà 1 tỷ đồng "mất tích", sa lầy vì đói vốn
Trên thị trường nhà ở hiện nay, nhà ở xã hội, nhà giá rẻ... giá khoảng 1 tỷ đồng ngày càng vắng bóng do doanh nghiệp không mấy mặn mà. Trong khi đó, có khoảng 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai nhưng bị chậm tiến độ.
Doanh nghiệp không mặn mà, nhà ở xã hội đắp chiếu
Tại hội thảo "Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" diễn ra vào sáng 24/9, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ xây dựng nhận định, với tình trạng số lượng công nhân ngày càng gia tăng như hiện nay, nếu không kịp thời giải quyết nhà ở cho họ thì vô cùng cấp bách. Hiện nay nhà ở cho công nhân mới chỉ đáp ứng được 28% so với nhu cầu.
Theo ông Ninh, một trong những vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn. Trong khi đó, thực tế đang có hàng trăm dự án nhà ở xã hội bị đình trệ do chủ đầu tư không mấy mặn mà.
Thống kê toàn vùng hiện có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, hầu hết đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, thậm chí có nhiều chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường thời gian gần đây rất hạn chế.
Nêu ý kiến tại hội thảo, đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng, cho biết giữa năm 2016 khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc gần như không có doanh nghiệp nào làm nhà giá rẻ trên dưới 1 tỷ đồng, nhà ở xã hội cũng không thu hút các doanh nghiệp.
Thực tế, tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay gần như không có căn hộ nào có giá khoảng 1 tỷ đồng, phải 2 - 3 tỷ đồng trở lên mới mua được căn hộ tầm trung 2 phòng ngủ.
Con số thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho thấy, hiện căn hộ giá bình dân gần như về con số 0. Năm 2018, thống kê tỷ lệ nhà giá rẻ 400 đến 500 triệu còn 2% nhưng bước sang năm 2019 thì phân khúc này gần như “tuyệt chủng”.
Đánh giá về nguồn cung nhà giá rẻ hiện tại, theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung nhà ra thị trường sụt giảm, trong đó nhà giá rẻ không có cung ứng ra thị trường. Cung không đủ cầu, mặt bằng gíá bị đẩy lên kịch trần, cơ hội tạo lập nhà ở cho người thu nhập thấp ngày càng giảm đi.
Sẽ có căn hộ giá 150 triệu đồng
Để tháo gỡ bài toán an cư cho người lao động, ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thời gian qua tổng LĐLĐ đã triển khai đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” với những căn hộ có diện tích từ 30-45m2.
“Theo tính toán ban đầu, mỗi căn hộ có diện tích từ 30-45m2 gồm phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh… có giá từ 150 triệu đồng trở lên” – ông Anh nói.
Vị Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn đưa ra tính toán, nếu mỗi cặp vợ chồng tiết kiệm 1,8-2 triệu đồng/tháng, trong khoảng 5-7 năm sẽ mua được nhà ở diện tích 30m2.
“Ðối tượng được mua nhà là đoàn viên công đoàn, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, công chức, viên chức cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn có thiết chế” - ông Anh chia sẻ.
Được biết, tháng 5/2018, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã động thổ khởi công dự án thiết chế Công đoàn đầu tiên tại khu công nghiệp Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam, khởi động cho chuỗi 50 dự án thiết chế của Công đoàn tại các địa phương. Khi hoàn thành, dự án thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam sẽ tạo chỗ ở cho khoảng 4.000 đến 4.500 đoàn viên là công nhân, người lao động tại khu công nghiệp.
Ông Phạm Xuân Trình - Tổng công ty CP Phong Phú nêu lên đề xuất hỗ trợ thanh toán bằng nhiều hình thức như đóng trước 20% đến 30%, phần còn lại trừ vào lương theo tiến độ nhiều năm để người lao động có đủ tiền vừa trả tiền nhà vừa trang trải cuộc sống. Cùng với đó, doanh nghiệp phải tìm vốn vay giá rẻ dài hạn, bảo lãnh cho công nhân vay giá rẻ dài hạn, bảo lãnh cho công nhân vay thông qua ngân hàng kéo gần giấc mơ an cư cho công nhân, người thu nhập thấp.