Nhà đầu tư cá nhân chưa đủ niềm tin với dịch vụ quản lý tài sản trên nền tảng số

Thu Dịu

Theo các chuyên gia, phần lớn nhà đầu tư cá nhân vẫn đang “tự lo” cho hành trình tài chính của mình mà thiếu sự hỗ trợ chuyên sâu. Đặc biệt, chưa đủ niềm tim với dịch vụ quản lý tài sản, nhất là các dịch vụ quản lý tài sản trên nền tảng số.

Các diễn giả chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: T.D
Các diễn giả chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: T.D

Tầng lớp trung và thượng lưu gia tăng

Thông tin tại Hội nghị Đầu tư 2025: Tích lũy & Quản lý Tài sản, do Vietnam Business Review phối hợp cùng Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) tổ chức ngày 8/7 tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện Ban Tổ chức cho biết, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 3/2025, người dân đang gửi gần 7,47 triệu tỉ đồng tại các tổ chức tín dụng, tăng 5,73% so với cuối năm 2024, tương đương khoảng 404.900 tỉ đồng được bổ sung thêm chỉ trong ba tháng.

Trong khi đó, giá vàng SJC và vàng nhẫn tăng lần lượt hơn 39% và 35,8% từ đầu năm đến giữa tháng 6/2025, khẳng định vị thế của vàng như một “kênh trú ẩn" trong thời kỳ địa chính trị bất ổn. Báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cũng cho biết các Ngân hàng Trung ương toàn cầu đã mua ròng 244 tấn vàng trong quý 1/2025, nối dài chuỗi 16 năm tăng tích lũy kim loại quý này.

Ông Trần Vinh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM) chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: T.D
Ông Trần Vinh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM) chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: T.D

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân. Tính đến ngày 31/5/2025, tổng số tài khoản giao dịch trong nước đã vượt mốc 10,02 triệu tài khoản, trong đó hơn 771.900 tài khoản được mở mới chỉ trong 5 tháng đầu năm. Thanh khoản cũng đạt mức cao, với khối lượng giao dịch bình quân trên sàn HOSE hơn 924 triệu cổ phiếu/ngày, tương đương giá trị giao dịch hơn 21.656 tỉ đồng/ngày.

Tất cả những dữ liệu trên cho thấy người Việt đang tích cực tích lũy và tìm kiếm kênh đầu tư, nhưng đồng thời cũng đối diện với nhu cầu cấp bách về kiến thức tài chính, chiến lược quản lý rủi ro, và tư duy phân bổ tài sản dài hạn.

Đáng chú ý, Báo cáo Thịnh vượng Toàn cầu của Knight Frank cho biết, Việt Nam hiện có 5.459 cá nhân sở hữu tài sản ròng trên 10 triệu USD, chiếm khoảng 0,2% tổng số người giàu toàn cầu. Dự báo đến năm 2028, con số này sẽ tăng lên 978 cá nhân siêu giàu (tài sản trên 30 triệu USD), tương đương mức tăng 30% so với năm 2023.

Trong khi đó, châu Á được dự báo sẽ dẫn đầu thế giới về tốc độ gia tăng của giới siêu giàu, với mức tăng trưởng lên tới 38,3%, phản ánh xu thế chuyển dịch trung tâm tài sản toàn cầu về phương Đông.

Trước làn sóng thịnh vượng mới này, nhu cầu xây dựng một hệ sinh thái quản lý tài sản toàn diện - chuyên nghiệp - bền vững đang nổi lên như một ưu tiên cấp thiết, không chỉ với giới đầu tư mà còn với tầng lớp trung lưu đang ngày càng mở rộng.

Kênh đầu tư truyền thống chiếm ưu thế

Chia sẻ về thực trạng và nhu cầu đầu tư của người Việt, ông Bùi Thành Trung, Tổng Giám đốc cấp cao Chứng khoán Thiên Việt (TVS) cho biết, qua khảo sát cho thấy phần lớn nhà đầu tư vẫn đang “tự lo” cho hành trình tài chính của mình mà thiếu sự hỗ trợ chuyên sâu, được dẫn chứng bởi 77% nhà đầu tư chia sẻ gặp khó khăn khi tự quản lý tài sản. Trong đó, 51% bị cảm xúc chi phối khi ra quyết định và 48% thiếu kiến thức chuyên môn, khiến họ dễ bị cuốn theo xu hướng ngắn hạn hoặc đầu tư không hiệu quả.

Một điểm đáng chú ý, nhiều nhà đầu tư đánh giá quá cao khả năng tự xử lý tài chính của bản thân, đặc biệt ở nhóm chưa từng thua lỗ. Có đến 58% trong nhóm này cho rằng họ không gặp khó khăn khi đầu tư, trong khi ở nhóm đã từng thua lỗ, tỷ lệ này chỉ là 10%. Vòng lặp tâm lý này khiến họ dễ bỏ qua vai trò của việc tham vấn chuyên gia và các công cụ hỗ trợ minh bạch.

Bên cạnh yếu tố chủ quan, nhiều người còn do dự vì thói quen tự quyết định, lo ngại chi phí cao hoặc không rõ ràng, hoặc cảm thấy tài sản chưa đủ lớn để sử dụng dịch vụ chuyên biệt. Không ít người cũng cho biết họ chưa hiểu rõ cách thức vận hành của các giải pháp quản lý tài sản, hoặc thiếu niềm tin vào đội ngũ tư vấn.

Đáng chú ý, mặc dù trong bối cảnh công nghệ tài chính phát triển nhanh, nhưng dịch vụ quản lý tài sản trên nền tảng số vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Chỉ 36% nhà đầu tư biết đến dịch vụ quản lý tài sản biết đến hình thức quản lý tài sản số, và trong số này, chỉ 16% từng sử dụng – một con số rất thấp so với tiềm năng phát triển của thị trường trong tương lai gần.

Ngay cả trong nhóm đã biết đến dịch vụ, phần lớn vẫn chưa sẵn sàng sử dụng. 41% nhà đầu tư cho rằng họ thích tự quản lý tài sản hơn, 34% lo ngại chi phí không minh bạch, 30% lo về rủi ro bảo mật, và 27% vẫn mong muốn được gặp chuyên gia tư vấn trực tiếp. Một trong những lý do chính khiến nhà đầu tư chưa tin tưởng hoàn toàn vào nền tảng số là mong muốn được tự quyết định hành trình tài chính của bản thân và sự thiếu vắng yếu tố con người trong các giải pháp công nghệ hiện tại.

Mặt khác, khoảng cách giữa kỳ vọng sinh lời, hành vi tài chính và nhu cầu thực sự của nhà đầu tư cá nhân đang mở ra dư địa rất lớn cho thị trường quản lý tài sản – đặc biệt khi tầng lớp trung lưu và người tiêu dùng cao cấp đang tăng trưởng nhanh chóng cả về quy mô và kỳ vọng. Do đó, để thu hẹp khoảng cách này, các định chế tài chính bao gồm cả công ty chứng khoán và các quỹ đầu tư cần đóng vai trò hướng dẫn, đồng hành và chuẩn hóa dịch vụ quản lý tài sản theo chuẩn mực quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng, khi khu vực tư nhân trở thành trụ cột phát triển của nền kinh tế, việc nâng cao năng lực tài chính và quản trị tài sản của các chủ doanh nghiệp không còn là lựa chọn, mà là một yêu cầu tất yếu. Các đơn vị quản lý gia sản với vai trò trung gian tài chính chuyên nghiệp, không chỉ đóng góp vào việc khai thông dòng vốn, mà còn là đối tác chiến lược giúp doanh nghiệp và doanh nhân bảo vệ và phát triển tài sản, một nền tảng quan trọng để kinh tế tư nhân có thể bứt phá mạnh mẽ trong kỷ nguyên vươn mình của quốc gia.

Khi ấy, các chuyên gia quản lý gia sản đóng vai trò như một “kiến trúc sư tài chính” cho chủ doanh nghiệp, những người không chỉ nắm giữ khối tài sản lớn mà còn đối mặt với yêu cầu ngày càng cao về bảo toàn, tăng trưởng và chuyển giao tài sản một cách hiệu quả qua nhiều thế hệ.