Tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân lớn dễ tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán
Các nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm tỷ trọng hơn 99% trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng thường có hành vi “đám đông” và thiếu kiến thức chuyên sâu, không có chiến lược đầu tư dài hạn.
Dữ liệu từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho thấy, tính đến ngày 31/7/2024, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước là hơn 8,31 triệu tài khoản, chiếm ưu thế tuyệt đối với tỷ lệ 99,2% tổng số lượng tài khoản đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, số lượng tài khoản của tổ chức trong nước là 17.150 tài khoản (chiếm 0,2%); số lượng tài khoản đầu tư của cá nhân và tổ chức nước ngoài là 46.749 tài khoản, chiếm 0,6% tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam. Vì vậy, đóng góp và ảnh hưởng của của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường ngày càng lớn.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo điểm lại tháng 8/2024, thị trường chứng khoán Việt Nam đang thiếu sự đa dạng về cơ cấu nhà đầu tư. Số lượng nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ lớn dễ gây tác động tiêu cực tới thị trường, do những nhà đầu tư cá nhân thường đầu tư theo cảm tính, có tâm lý chạy theo đám đông, không có đủ kiến thức chuyên sâu về cổ phiếu, thị trường và thường có tầm nhìn ngắn hạn.
Bên cạnh đó, WB đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành nguồn huy động tài chính quan trọng cho khu vực tư nhân. Hiện, thị trường chứng khoán Việt Nam có hai sàn giao dịch trong phạm vi quản lý nhà nước, bao gồm: Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tổng mức vốn hóa lên đến 4.740 nghìn tỷ đồng, tương đương 198 tỷ USD. Song song với một thị trường nữa dành cho các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCOM) khoảng 1.036 nghìn tỷ đồng, tương đương 43 tỷ USD.
WB cho rằng, vốn hóa thị trường ở mức lớn, nhưng huy động vốn trên hai sàn giao dịch trên chưa đáng kể, bình quân đạt 37.000 tỷ đồng, khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm, chủ yếu qua chào bán thứ cấp, vượt trội chào bán đại chúng lần đầu (IPO).
Các hoạt động IPO diễn ra sôi động nhất trong các năm 2017-2018 nhưng sau đó giảm mạnh. Trong năm 2023, chỉ có ba đợt IPO được thực hiện, huy động được 173 tỷ đồng, khoảng 7 triệu USD.
Theo WB, thị trường cổ phiếu của Việt Nam thuộc dạng biến động nhất trong khu vực, do sự kết hợp cả yếu tố cung và cầu. Về cung, mặc dù có đến 1.632 doanh nghiệp niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, nhưng số lượng cổ phiếu có thể đầu tư lại tương đối nhỏ.
Không chỉ quy mô các doanh nghiệp trên thị trường cổ phiếu Việt Nam nhỏ hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực, mà lượng cổ phiếu sẵn có cũng chịu ảnh hưởng bất lợi bởi giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài áp dụng cho một số ngành.
“Điều này dẫn đến biến động giá mạnh khi các nhà đầu tư muốn mua hay bán cổ phiếu”, WB nhận định.
Về cầu, thị trường thiếu sự đa dạng về nhà đầu tư, do sự chi phối của các nhà đầu tư cá nhân, chiếm phần lớn các giao dịch trong năm năm qua. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân thường có hành vi “đám đông” với tầm nhìn ngắn hạn.
Do đó, WB kỳ vọng, thị trường chứng khoán sẽ có thêm các nhà đầu tư tổ chức, sẽ giúp ổn định giá cổ phiếu.