Nhà đầu tư Hàn Quốc ồ ạt đổ vốn vào ngân hàng Việt
Không phải ngẫu nhiên mà KEB Hana Bank kiên trì đàm phán mua cổ phần của BIDV. Thắng lợi của nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam cũng như tiềm năng hấp dẫn của thị trường ngân hàng bán lẻ Việt đang khiến nhà đầu tư từ xứ sở kim chi ồ ạt tìm cửa đổ vốn.
Đầu tư lớn
Hàn Quốc đang là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của ngành ngân hàng Việt Nam. Ngoài thương vụ KEB Hana Bank sắp rót hơn 880 triệu USD vào BIDV, trước đó, hàng loạt nhà đầu tư Hàn Quốc đã nhanh chân hiện diện.
Trong 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở nước ta, có tới 2 ngân đến từ Hàn Quốc là Shinhan Bank và Woori Bank. Ngoài ra, thị trường còn có gần chục chi nhánh, 6 văn phòng đại diện và 2 công ty cho thuê tài chính đến từ xứ sở kim chi.
Năm ngoái, thị trường xuất hiện thêm 2 công ty tài chính tiêu dùng thuộc về nhà đầu tư Hàn Quốc sau hai thương vụ M&A đình đám: Shinhan Card mua lại Prudential Finance và Lotter Card mua lại Techcombank Finance. Trước đó, Tập đoàn UTC Investment của Hàn Quốc mua lại hơn 62% cổ phần của VNPT Pay - một fintech lớn ở Việt Nam.
Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhà đầu tư tài chính Hàn Quốc, bởi quy mô dân số lớn, tỷ lệ người dân tiếp cận dịch vụ tài chính còn hạn chế, kinh tế tăng trưởng tốt, số người dùng điện thoại thông minh, mạng Internet phát triển nhanh… Đặc biệt, kênh bán lẻ và ngân hàng số, mobile banking phát triển mạnh ở Việt Nam rất phù hợp với thế mạnh của nhà đầu tư Hàn Quốc.
Hiện tổng tài sản của các ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam ước tính trên dưới 6 tỷ USD, trong đó riêng Shinhan Bank Việt Nam chiếm hơn một nửa (khoảng 3,6 tỷ USD). Con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, khi ngày càng nhiều nhà đầu tư muốn thâm nhập thị trường.
Ông Michael Dc Choi, Phó tổng giám đốc KOTRA Hà Nội, Trung tâm M&A toàn cầu KOTRA (Hàn Quốc) tiết lộ, hiện có 4 ngân hàng thương mại khác ở Hàn Quốc rất quan tâm việc mua cổ phần các ngân hàng nước ngoài, trong đó thị trường Việt Nam được đặc biệt quan tâm.
Lợi nhuận khủng
Sự kinh doanh phát đạt của các “đồng hương” ở thị trường Việt Nam là yếu tố chính kích thích làn sóng Hàn Quốc đầu tư vào ngân hàng Việt. Trong đó, Shinhan Bank Việt Nam là một ví dụ điển hình. Báo cáo tài chính của Ngân hàng cho thấy, năm 2018, lãi trước thuế là 2.100 tỷ đồng, tăng mạnh so với hơn 1.600 tỷ đồng năm 2017, gần 1.300 tỷ đồng năm 2016, 1.170 tỷ đồng năm 2015.
Nếu tính tổng lợi nhuận của các ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam, thì theo số liệu của Dịch vụ giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS), con số đạt tới 6,43 tỷ USD năm 2018. Đây là mức cao kỷ lục từng được ghi nhận (năm 2017 là 5,72 tỷ USD).
Chia sẻ với các “đồng hương” về việc đầu tư tại Việt Nam, ông Shin Dong Min, CEO Shinhan Bank Việt Nam khẳng định: “Mảng bán lẻ ở Việt Nam có rất nhiều cơ hội, bắt nhịp nhanh với kỹ thuật số”.
Trong khi đó, đại diện Woori Bank cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam nỗ lực tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn II, áp dụng Basel II mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội.
Làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc, cùng với sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN đang chứng kiến sự thay đổi khẩu vị của các nhà đầu tư ngoại với ngân hàng Việt Nam. Trong khi nhiều nhà đầu tư đến từ châu Âu chốt lời, thoái vốn thì các nhà đầu tư đến từ khu vực châu Á lại hăm hở lao vào, một phần do sự tương đồng về văn hóa.
Việc dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào ngân hàng Việt đã bổ sung nguồn lực quan trọng, giúp nhiều ngân hàng nội thay đổi công nghệ, năng lực quản trị, điều hành, tăng sức cạnh tranh, đẩy nhanh tái cơ cấu.
Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, thị trường chứng khoán phục hồi, nhu cầu tăng vốn mạnh mẽ để đáp ứng chuẩn Basel II của các ngân hàng Việt sẽ khiến các thương vụ M&A ngân hàng sôi động hơn.