Nhà đầu tư thích BT hơn khi đầu tư dự án cơ sở hạ tầng?
Khi các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức BOT không còn hấp dẫn thì nhà đầu tư sẽ lựa chọn hình thức nào, BT hay BOT?
Liên quan đến câu chuyện thu hút các nhà đầu tư vào dự án cao tốc Bắc – Nam theo hình thức xây dựng -kinh doanh- chuyển giao (BOT), có ý kiến cho rằng, dự án không đủ hấp dẫn nhà đầu tư lớn. Lý do được đưa ra đó là hình thức BOT đã không còn hấp dẫn nhà đầu tư.
BOT không còn "gà đẻ trứng vàng"?
Cụ thể, theo chia sẻ của một nhà đầu tư giấu tên, đã từng tham gia đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng: các quy định về BOT hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Như, chi phí đầu tư xây dựng dự án cao song chỉ được đổi bằng thời gian thu phí. Thời gian này dù đã được xác định trong hợp đồng (đã ký kết) nhưng lại chịu nhiều yếu tố tác động rủi ro như lưu lượng giao thông ổn định hoặc không ổn định, khung pháp lý điều chỉnh phí đường bộ BOT chưa có, lại có khả năng bị thay đổi một cách thường xuyên.
Thực tế, thời gian qua, nhiều dự án BOT đã phải đóng trạm và bị phản đối việc thu phí, cắt giảm thời gian thu phí… theo đó, cái khó bị đẩy về phía nhà đầu tư khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro.
Chính vì vậy, “việc bỏ hàng ngàn tỉ đồng một lúc để thu hồi vốn trong vòng 15-20 năm theo kiểu “thu tiền lẻ” kèm theo những rủi ro khiến cho các dự án BOT mới không còn sức hấp dẫn”, vị này cho biết thêm.
Một minh chứng khác rõ hơn, cho thấy việc nhà đầu tư không còn “mặn mà” do BOT không còn là “gà đẻ trứng vàng”.
Cụ thể, theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2019, Công ty Cổ phần Tasco (HUT), lợi nhuận sau thuế của Tasco âm 13,6 tỷ đồng, trong khi doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng gần 5% lên gần 320 tỷ đồng.
Theo đó, trong các mảng kinh doanh, chỉ có doanh thu từ xây dựng tăng, còn doanh thu từ hoạt động thu phí trên các con đường xây dựng BOT giảm. Doanh thu từ bất động sản và các dịch vụ liên quan cũng giảm. Nguyên nhân được Tasco đưa ra khiến doanh thu giảm là vì chưa bàn giao hết sản phẩm bất động sản cho khách hàng và công ty chuyển đổi định hướng sản xuất kinh doanh từ hoạt động xây lắp sang lĩnh vực đầu tư. Do đó, lợi nhuận sau thuế giảm theo.
Trước kết quả lợi nhuận và doanh thu giảm, Tasco đã cũng chia tay dự án BOT, bởi các chỉ số tài chính cho thấy kinh doanh BOT không còn mấy hấp dẫn.
BT hấp dẫn hơn?
Trong khi đó, các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) dưới hình thức "đổi đất lấy hạ tầng" được các địa phương lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh chào mời nhà đầu tư có tiềm lực hấp dẫn hơn nhiều.
Như tại Hà Nội, Tập đoàn Vingroup đăng ký đầu tư dự án Đường vành đai 2 trên cao nối từ cầu Vĩnh Tuy đến nút giao Ngã Tư Sở dài 5 km.
Dự án được khởi công từ tháng 4/2018, dự kiến hoàn thành vào cuối 2019. Được biết, tổng mức đầu tư 8.375 tỉ đồng, trong đó 4.000 tỷ đồng dành để giải phóng mặt bằng. Để có được dự án này, Hà Nội đã chấp thuận đổi cho Vingroup tổng cộng 3 quỹ đất có tổng diện tích 517 héc ta ở ba địa điểm khác nhau. Trong đó, 96 ha thuộc quy hoạch chi tiết khu đô thị công viên công nghệ phần mềm Hà Nội (Long Biên), 130 ha tại Đan Phượng và 291 ha ngoài đê sông Đuống (Long Biên).
Rõ ràng nếu so sánh về cách hoàn vốn thì dự án theo hình thức BT “tiền tươi thóc thật” hơn so với việc gom “tiền lẻ” theo hình thức BOT. Về phía nhà nước, dự án được hoàn thành sớm, nguời dân sớm được hưởng lợi, tránh được tình trạng đội vốn, chậm hoàn thiện…
Ngoài ra, các nhà đầu tư nội khác như Tập đoàn Sun Goup, Tập đoàn Xuân Thành, Liên doanh Tổng công ty Licogi hay thậm chí Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cũng nhắm đến những dự án đường sắt đô thị, tàu điện ngầm... theo hình thức BT.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều dự án được Hà Nội triển khai theo hình thức BT. Cụ thể, tính đến hết năm 2017, Hà Nội đã công bố 12 dự án giao thông theo hình thức BT có tổng giá trị đầu tư 136.000 tỉ đồng. Nhà đầu tư đăng ký làm dự án nào sẽ được đổi lấy quỹ đất có giá trị tương đương (hoặc hơn/kém thì nộp tiền bù ngân sách). Với quỹ đất có giá trị lớn ở thủ đô hay các địa phương lớn, nhà đầu tư làm các dự án nhà ở thương mại, bán ra thì việc thu hồi vốn nhanh và ít rủi ro hơn so với việc “thu tiền lẻ” ở dự án BOT như cao tốc Bắc-Nam.
Nhận định về những ưu điểm của dự án thực hiện theo hình thức BT so với BOT, chuyên gia Bùi Trinh cho rằng, với BOT doanh nghiệp không phải chờ hàng chục năm thu phí mà ngay khi dự án hoàn thành doanh nghiệp được hưởng quỹ đất đối ứng có thể đầu tư BĐS, xây dựng chung cư, trung tâm thương mại, thậm chí bán và thu ngay được vốn đầu tư.
Tuy nhiên, chuyên gia Bùi Trinh cũng khuyến nghị: “Nếu áp dụng phải minh bạch đảm bảo nguyên tắc ngang giá, bù trừ chênh lệch giữa giá trị dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán. Ngoài ra, quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư được áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê”.