Nhà đồng sáng lập Apple đến Việt Nam
Nếu vị CEO quá cố của Apple Steve Jobs được nhớ đến là người đã đưa Apple vươn tầm thế giới, thì Steve Wozniak chính là bộ óc kỹ thuật vĩ đại giúp Apple tạo ra chiếc máy tính đầu tiên, khởi đầu cho mọi thành công về sau. Steve Wozniak sẽ tham dự Hội thảo SMAC 2015: Kết nối giá trị - Khơi dậy tiềm năng, cùng 400 doanh nhân Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 2/12 tới.
Trong khi xu hướng công nghệ đang thay đổi hàng ngày, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam lúng túng với việc áp dụng công nghệ trong kinh doanh. Được tổ chức bởi Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Hội thảo SMAC 2015: Kết nối giá trị - Khơi dậy tiềm năng, diễn ra ngày 2/12 tại TP. HCM với sự tham dự của Steve Wozniak và nhiều lãnh đạo tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, là cơ hội để cộng đồng doanh nhân cập nhật các xu hướng phát triển công nghệ trên toàn thế giới, cũng như gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong quản trị và kinh doanh.
Tham dự sự kiện lần này, Steve Wozniak sẽ mang tới những thông tin về công nghệ tương lai (như Big Data, Cloud) đầy thú vị, với lối tư duy cởi mở và những câu chuyện sáng tạo trong kinh doanh công nghệ có một không hai đầy cảm hứng.
Hội thảo SMAC 2015: Kết nối giá trị - Khơi dậy tiềm năng dự kiến có sự tham dự của 400 doanh nhân được xem sự kiện lớn nhất trong năm 2015 dành cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Hội thảo lần này được kỳ vọng sẽ mở đầu cho nhiều sự kiện thường niên trong tương lai, nơi cộng đồng doanh nhân Việt Nam gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư cùng với các nhà phát triển công nghệ, nhà kinh doanh, nhà đầu tư công nghệ hàng đầu thế giới.
Steve Wozniak - cha đẻ của máy tính Apple
Năm 1976, Steve Wozniak hợp tác với Steve Jobs thành lập Công ty máy tính Apple (Apple Computer Inc.), với sản phẩm đầu tiên là máy tính cá nhân Apple I do chính Wozniak thiết kế. Một năm sau đó, Steve Wozniak tiếp tục giới thiệu máy tính cá nhân Apple II với đồ họa đẹp mắt. Apple II đã trở thành một phần không thể thiếu, đóng vai trò cách mạng, đưa ngành công nghiệp máy tính cá nhân sang một trang mới. Không hề tự mãn và ngủ quên trên thành công, Steve Wozniak vẫn trở lại theo học tại Đại học UC Berkeley và hoàn thành bằng đại học chuyên ngành kỹ sư điện tử và khoa học máy tính.
Cho tới nay, khi đã ở tuổi 65, Steve Wozniak vẫn miệt mài khơi dậy và truyền ngọn lửa đam mê toán học và điện tử cho học sinh và giáo viên trung học tại Mỹ và trên toàn thế giới. Trong nhiều năm liền, ông là một nhân tố tích cực trong không ít các dự án kinh doanh và từ thiện thúc đẩy việc sử dụng máy tính trong trường học, nhấn mạnh việc học tập chủ động thông qua thực hành và khuyến khích sự sáng tạo của học sinh.
Đầu tư đáng kể cả thời gian và sức lực của mình cho các hoạt động giáo dục, ông tài trợ nhiều trang thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ giảng dạy và học tập cho sinh viên và giáo viên các trường học tại bang California. Ông cũng đã thành lập Quỹ Electronic Frontier và là nhà tài trợ sáng lập của Bảo tàng Công nghệ, Nhà hát Ballet Thung lũng Silicon và Bảo tàng Khám phá dành cho trẻ em của Thành phố San Jose.
Với tư cách là nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực dữ liệu sơ cấp, ông là tác giả cuốn tự truyện bán chạy nhất của New York Times, “iWoz: Từ con nghiện máy tính tới biểu tượng được sùng bái” (NXB Norton).
Bên cạnh việc tập trung vào sự nghiệp khoa học và từ thiện, Wozniak cũng nhận lời phỏng vấn và tham gia diễn thuyết về công nghệ điện tử, giúp giới kinh doanh và công chúng khắp nơi trên thế giới hiểu hơn về công nghệ và ứng dụng công nghệ mới trong cuộc sống. Trong vài trò này, ông là một diễn giả tài năng với những câu chuyện thành công từ chính những bài học trong quá trình vươn lên mạnh mẽ của Apple.
Với những thành tựu nổi bật của mình tại Apple, Wozniak đã được trao tặng nhiều huân chương danh giá như Hoover - huân chương dành cho các kỹ sư có cống hiến vì nhân loại, Huân chương Quốc gia của Tổng thống Mỹ cho các nhân vật xuất chúng trong lĩnh vực công nghệ, vinh dự lớn nhất dành cho những nhà sáng tạo hàng đầu của Mỹ. Ông cũng được lưu tên tại Hall of Fame trong lĩnh vực sáng chế và nhận Giải thưởng Heinz danh giá trong lĩnh vực công nghệ.