Nhận diện cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là nhằm triển khai các hoạt động GDNN trên môi trường điện tử, môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả công tác quản lý, hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá... Đây là xu thế tất yếu. Vậy trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, chuyển đổi số quốc gia thì những cơ hội và thách thức gì sẽ đặt ra đối với GDNN?
Nền tảng chuyển đổi số trong GDNN đang được hình thành
Quá trình chuyển đổi số là xu thế tất yếu và sẽ tác động thay đổi cốt lõi hoạt động GDNN. Chương trình Chuyển đổi số trong GDNN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã cho thấy rõ những mục tiêu, định hướng chuyển đổi số nhằm triển khai các hoạt động GDNN trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá...
Trước yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số góp phần thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đóng góp tích cực vào phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Tổng cục GDNN đã chỉ đạo và triển khai các biện pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thực hiện thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, đặc biệt là đảm bảo kết nối hoạt động quản lý, hoạt động dạy và học.
Các cơ sở GDNN hiện nay đã ứng dụng công nghệ và học liệu số trong việc dạy. Đặc biệt là các khối ngành kỹ thuật, có một số ngành như cơ điện, ô tô... ứng dụng các chương trình mô phỏng, và học liệu điện tử của các hãng lớn hoặc được tài trợ vào dạy học. Nhiều cơ sở GDNN đã thực hiện số hóa học liệu, một số trường đã hợp tác với các tổ chức bên ngoài để sử dụng thư viện số song số lượng này còn ít. Xét trên yếu tố tương tác qua lại giữa người dạy và người học, phần lớn các công nghệ sử dụng chỉ mang tích chất một chiều.
Tổng cục GDNN nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi số sẽ tác động thay đổi cốt lõi hoạt động GDNN. Đồng thời tác động trực tiếp đến các đối tượng tham gia hoạt động GDNN, thay đổi cách quản lý hoạt động GDNN, cách dạy của giáo viên.
Bên cạnh đó là cách học, cách thực hành kỹ năng nghề của học sinh, sinh viên tại các cơ sở GDNN từ môi trường truyền thống lên môi trường số. Ngoài ra, quá trình vận động xã hội khi chuyển đổi số sẽ tạo ra nhiều ngành nghề, lĩnh vực mới. Đây là thị trường mới tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức đối với hoạt động GDNN.
Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, quy định về giãn cách xã hội được thực hiện, nhiều giáo viên đã sử dụng Internet để giảng bài, giao bài từ xa. Vì vậy, không ít người quan niệm việc sử dụng các bài giảng trực tuyến đã là chuyển đổi số trong GDNN.
Trong khi đó, đội ngũ nhà giáo còn áp dụng phương pháp cũ. Nhà giáo thiếu, thậm chí không có các kỹ năng liên quan đến phát triển chương trình, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chuyển đổi số... Đặc biệt thiếu kỹ năng liên quan đến phương pháp giảng dạy mới.
Thực tế, đào tạo trực tuyến phải là một hệ thống thống nhất đồng bộ từ quản lý nội dung, quản lý học tập, kiểm tra đánh giá kết quả học tập. Vì vậy, GDNN cần đẩy mạnh việc đảm bảo chất lượng đối với việc dạy học trực tuyến kết hợp triển khai đánh giá kết quả học tập, đánh giá kỹ năng nghề trên môi trường số; Tăng cường vận động sự ủng hộ từ các tổ chức quốc tế.
Theo Tổng cục GDNN, việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số và tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tầm quan trọng của nguồn nhân lực có kỹ năng số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cần thiết.
Nhìn nhận rõ cơ hội và thách thức trong bối cảnh chuyển đổi số
Bất kỳ một bối cảnh nào cũng đều đặt ra những cơ hội và thách thức mà mọi chủ thể trong đó cần nhìn nhận cụ thể, GDNN trong bối cảnh chuyển đổi số cũng không ngoại lệ.
Về cơ hội, đầu tiên phải kể đến là sự phát triển mang tính đột phá của công nghệ, khi chúng ta có một sự chuẩn bị kỹ về kỹ năng cho lực lượng lao động, đặc biệt là lao động trẻ nhằm tận dụng những công nghệ mới hứa hẹn sẽ làm thay đổi một cách toàn diện mọi mặt đời sống xã hội trong tương lai như trí tuệ nhân tạo, in 3D, vật liệu tiên tiến và công nghệ nano, internet vạn vật, điện toán đám mây…
Tiếp đó là các mô hình quản lý GDNN được nghiên cứu phát triển, mang lại lợi ích, động lực để thay đổi về nội dung, cách thức dạy và học. Đặc biệt, đối với GDNN, nơi mà yếu tố học lý thuyết, kỹ năng lại gắn kết chặt chẽ với việc thực hành, làm việc. Việc rút ngắn khoảng cách nói trên đồng nghĩa với việc gia tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí cho cả bên đào tạo – lực lượng lao động và bên sử dụng lao động.
Kế đến, chuyển đổi số sẽ trao thêm quyền cho con người để phát triển bền vững, cung cấp giáo dục thường xuyên và công việc suốt đời, quản lý học tập mở, linh hoạt dựa trên hiệu suất với các kỹ năng cốt lõi, trình độ chuyên môn phù hợp với những thay đổi liên tục của cuộc sống.
Nhất là trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế số, phát huy mạnh mẽ giá trị con người và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao gắn với thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Như vậy, trong nội hàm của chiến lược này, GDNN có những cơ hội để thể hiện được vai trò cũng như tham gia vào việc tạo ra các giá trị công việc và lực lượng lao động lành nghề với các kỹ năng quan trọng trong thế kỷ 21.
Về mặt thách thức, trước tiên, công tác chuyển đổi số trong GDNN là phải làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, cơ sở đào tạo. Nhận thức không thể chỉ diễn ra ở cá nhân, đơn vị hoạch định chính sách, kế hoạch mà cần được diễn ra ở mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý, người học… Nhận thức đó phải trả lời cho những câu hỏi như chuyển đổi số là gì, vì sao phải chuyển đổi số, làm gì để chuyển đổi số, chiến lược chuyển đổi số...
Bên cạnh đó, công tác số hóa các dữ liệu cũng chính là thách thức lớn vì đây là đầu vào, là tiền đề mang tính quyết định của công tác chuyển đổi số. Quá trình này đòi hỏi phải có thời gian, công sức do số hồ sơ, tài liệu, chương trình, giáo trình, giáo án… dạng giấy ở gần 2000 cơ sở GDNN là một khối lượng khổng lồ. Nếu không có kế hoạch, hướng dẫn chi tiết thì rất khó để triển khai đồng bộ, hệ thống đảm bảo cho quá trình vận hành.
Đặc biệt là thách thức về nhân lực cho chuyển đổi số, vì vậy, cần thiết phải có vị trí việc làm chính thức cho lực lượng này và việc nâng cao trình độ cũng như khả năng xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển đổi số cần được quan tâm đặc biệt.
Ngoài ra, cần bàn về hạ tầng số, điều kiện đầu tư thiếu tính đồng bộ như hiện nay tại các cơ sở GDNN thì việc có được một hạ tầng số đảm bảo cho việc chuyển đổi cũng sẽ là một thách thức không nhỏ. Vì hạ tầng không đồng bộ thì từng khâu, từng bước chuyển đổi số đều bị ảnh hưởng.
Để tranh thủ, phát huy những cơ hội, cũng như đối diện và vượt qua được các thách thức, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số trong GDNN. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức chi trả cho các hoạt động phát sinh mới khi thay đổi trên môi trường không gian số trong hoạt động GDNN; huy động nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số GDNN.
Chỉnh sửa, cập nhật nội dung đào tạo các cấp trình độ GDNN phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Đồng thời, thay đổi phương pháp dạy và học các cấp trình độ GDNN; phối kết hợp hài hoà việc dạy và học trực tiếp tại trường với việc dùng các công nghệ, học liệu số, thiết bị thật, thiết bị, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo và việc đào tạo, kiểm tra đánh giá trực tuyến; cá nhân hoá việc học tập; dùng phân tích dữ liệu và AI hỗ trợ việc dạy và học.
Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng, hệ thống hạ tầng dữ liệu, hệ thống mạng, hệ thống an toàn thông tin và thiết bị ngoại vi phục vụ quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước về GDNN và các cơ sở GDNN; đầu tư xây dựng một nền tảng số, nền tảng học liệu số cho GDNN, dùng chung cho tất cả các cơ sở GDNN.
Phát triển đội ngũ nhà giáo chuyên về công nghệ thông tin, an ninh mạng và phát triển các ứng dụng số tại các cơ sở GDNN; triển khai học tập mọi lúc, mọi nơi, mọi nền tảng trong việc đào tạo, ứng dụng các công nghệ hiện đại trong việc học tập, sáng tạo của học viên.
Cùng với các giải pháp trên, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, các cơ sở GDNN, cộng đồng về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số hoạt động GDNN và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chuyển đổi số hoạt động GDNN.