Nhận định tích cực về khả năng phục hồi của Việt Nam
Chuyên gia kinh tế cao cấp của Văn phòng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Hà Nội Dorsati Madani nhận định, từ cuối quý III năm 2021, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ phục hồi mạnh mẽ, giống như sự phục hồi sau khi lệnh phong tỏa áp đặt hồi tháng 4/2020 được dỡ bỏ.
TTXVN dẫn nhận định của chuyên gia WB nhấn mạnh, gặp nhiều rủi ro do tác động của đại dịch COVID-19, song nền kinh tế Việt Nam đã được chứng minh "rất bền bỉ và năng động".
Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Đóng góp phục hồi kinh tế Việt Nam có các thị trường xuất khẩu chính, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Liên hiệp châu Âu (EU) và đều là các nền kinh tế đang trên đà phục hồi.
Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans cho rằng, "không quốc gia nào làm tốt hơn Việt Nam" khi gặp khó khăn, trở ngại; điều này đã được thực tế kiểm chứng. Tin tưởng vào viễn cảnh tích cực của nền kinh tế Việt Nam, lãnh đạo HSBC Việt Nam dự báo, với kịch bản tích cực nhất, tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 5% - 5,5% năm 2021, tăng lên 6,8% năm 2022.
Tuy nhiên, trong một kịch bản khác, GDP chỉ tăng trưởng ở mức 3,5% - 4%, nếu chương trình tiêm vắc-xin được triển khai không nhanh, thời gian giãn cách kéo dài, có thể khiến nền kinh tế chịu thêm tác động nặng nề và gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, Chủ tịch Quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments Ltd (VEIL) Stanley Chou nhận định, dịch COVID-19 không thể ngăn được sức bật của nền kinh tế Việt Nam. Theo ông Chou, kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2021 tăng trưởng 5,6% bất chấp các đợt lây nhiễm COVID-19 mới. Điều này cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam.