Tín dụng rốt ráo hỗ trợ ngư dân
Các ngân hàng thương mại (NHTM) cam kết sẽ tiếp tục dành khoảng 4.000 tỷ đồng để cho vay mới với ngư dân miền Trung. Đồng thời hàng nghìn hộ vay sẽ được miễn, giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ trong các tuần tới. Trong đó, riêng Agribank cũng sẽ dành ra khoảng 500 tỷ đồng với lãi suất ngắn hạn 6%/năm, trung dài hạn 8%/năm. Các khách hàng đang có dư nợ cũng sẽ được NH cho vay mới theo gói này để có vốn lưu động thực hiện các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt và khắc phục hậu quả sau hiện tượng cá chết. Ngoài ra, NH cũng sẽ ủng hộ 4 tỉnh nói trên mỗi tỉnh 5 tỷ đồng và 25 tấn gạo để chia sẻ khó khăn với người dân.
Hiện tượng cá biển chết bất thường ở các tỉnh khu vực miền Trung khiến dư luận cả nước quan tâm trong những ngày qua. Cuối tháng 4/2016, NHNN đã ban hành Công văn 3177 yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai các giải pháp gia hạn nợ và miễn giảm lãi vay đối với các khách hàng bị ảnh hưởng. Thực hiện theo chỉ đạo này, nhiều NHTM lớn đã vào cuộc bằng việc đưa ra các gói vay mới trị giá hàng nghìn tỷ đồng, đồng thời cam kết giảm lãi suất từ 1-2% cho các ngư dân và doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại.
Giảm lãi suất 2%, ngưng thu lãi 6 tháng
Theo Agribank, tính đến tháng 4/2016 tổng dư nợ của NH này đối với các khách hàng ngư dân và DN nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế là trên 27.600 tỷ đồng, trong đó có gần 850 tỷ đồng (của trên 6.800 hợp đồng vay) bị ảnh hưởng và thiệt hại do hiện tượng thủy hải sản chết hàng loạt.
Đối với các DN, ngư dân bị ảnh hưởng và thiệt hại nói trên, Agribank sẽ triển khai chính sách hỗ trợ bằng nhiều cách thức. Cụ thể, nếu hộ nào bị thiệt hại trực tiếp, NH sẽ miễn toàn bộ lãi vay với phần dư nợ bị thiệt hại. Đối với những hộ bị ảnh hưởng gián tiếp, NH sẽ miễn 1 tháng lãi vay đồng thời dừng thu lãi 3 tháng của dư nợ bị ảnh hưởng.
Agribank cũng sẽ dành ra khoảng 500 tỷ đồng với lãi suất ngắn hạn 6%/năm, trung dài hạn 8%/năm. Các khách hàng đang có dư nợ cũng sẽ được NH cho vay mới theo gói này để có vốn lưu động thực hiện các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt và khắc phục hậu quả sau hiện tượng cá chết. Ngoài ra, NH cũng sẽ ủng hộ 4 tỉnh nói trên mỗi tỉnh 5 tỷ đồng và 25 tấn gạo để chia sẻ khó khăn với người dân.
Địa phương bắt đầu triển khai hỗ trợ
Trao đổi với TBNH, ông Trần Văn Tài, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Quảng Bình cho biết, ngay sau khi xảy ra hiện tượng cá chết, ban lãnh đạo chi nhánh NHCSXH Quảng Bình đã trực tiếp xuống 18 xã trên địa bàn 6 huyện, thị xã ven biển để nắm bắt tình hình và hướng dẫn bà con ngư dân lập hồ sơ để được xử lý nợ rủi ro theo quy định.
Theo thống kê của Chi nhánh này đến thời điểm hiện nay, dư nợ của NHCSXH đối với bà con ngư dân tại Quảng Bình ước khoảng trên 20 tỷ đồng, với trên 1.500 hộ vay. Đa số các hộ vay bị ảnh hưởng là các hộ nuôi cá lồng bè hoặc kinh doanh cung cấp hậu cần nghề cá. NHCSXH Quảng Bình đã hướng dẫn bà con làm hồ sơ để được giảm lãi suất và khoanh nợ. Đồng thời NH sẽ bổ sung một nguồn vốn vay mới để các hộ sản xuất – kinh doanh hậu cần nghề cá tạm thời chuyển đổi ngành nghề sản xuất tạo thu nhập cho kinh tế gia đình trong thời gian tới.
Tại Hà Tĩnh, bà Nguyễn Thị Diên, Giám đốc chi nhánh Agribank cho hay, hiện NH này đã tổ chức hỗ trợ cấp phát 70 tấn gạo cho hơn 350 hộ dân bị ảnh hưởng. Vừa qua, chi nhánh cũng đã nhận được 5 tỷ đồng và 25 tấn gạo từ Hội sở Agribank. Đơn vị sẽ tiếp tục triển khai đưa các phần quà này tới tay người dân.
Riêng về việc hỗ trợ giảm lãi suất và khoanh nợ cho các khách hàng bị thiệt hại, bà Diên cho biết, chi nhánh thống nhất sẽ thực hiện theo chủ trương chung của Agribank. Theo đó, hộ nào bị thiệt hại từ 80-100% sẽ miễn toàn bộ lãi đối với dư nợ. Hộ nào bị ảnh hưởng gián tiếp đơn vị sẽ miễn 1 tháng tiền lãi vay và dừng thu lãi trong vòng 3 tháng.
Theo quan sát của TBNH, đến thời điểm hiện nay, sau khoảng 1 tháng từ khi bắt đầu xảy ra hiện tượng cá biển chết bất thường, hiện một số địa phương thuộc khu vực 4 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất, hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân đã bắt đầu khôi phục trở lại. Tại Hà Tĩnh, đã có khoảng 70% tàu, thuyền hoạt động trở lại. Trong khi đó, tại Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế hàng ngàn tàu, thuyền của ngư dân cũng đã ra khơi sau gần 1 tháng “nằm nghỉ”.
Hiện nay, ngoài những hỗ trợ về tín dụng của ngành NH, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT triển khai hàng loạt các biện pháp hỗ trợ DN và ngư dân tiêu thụ sản phẩm hải sản và khắc phục các hậu quả thiệt hại.
Những diễn biến này cho thấy, trong khoảng thời gian ngắn tới, khi các cơ quan chức năng chưa công bố nguyên do gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt và có biện pháp xử lý dứt điểm thì hoạt động đầu tư, khai thác thủy hải sản tại các tỉnh miền Trung sẽ trở lại bình thường và sẽ không phát sinh thêm thiệt hại mới về tài sản cũng như nguồn vốn vay từ các NHTM.