Nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của công ty phi tài chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Nghiên cứu này tìm hiểu các nhân tố tác động lên cấu trúc vốn của công ty phi tài chính qua việc sử dụng dữ liệu bảng được thu thập từ 428 công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong khoảng thời gian 6 năm (từ 2013 đến 2021) do FiinGroup JSC cung cấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhân tố tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản có ảnh hưởng nghịch chiều với đòn bẩy tài chính, điều này hợp lý khi kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp sẽ có xu hướng giảm nợ.
Đặt vấn đề
Cấu trúc vốn (hay cơ cấu vốn) là một số liệu tài chính phản ánh tỷ lệ giữa vốn vay và vốn chủ sở hữu mà doanh nghiệp (DN) sử dụng. Theo lý thuyết của Modiglinali và Miller (1958), giá trị của DN được tác động tích cực bởi cấu trúc vốn của DN do ảnh hưởng từ lá chắn thuế. Ngoài ra, còn nhiều lý thuyết khác về vấn đề cấu trúc vốn như lý thuyết cân bằng, lý thuyết trật tự phân hạng... Từ các lý thuyết đó có thể nhận thấy, có nhiều tác nhân ảnh hưởng đến cấu trúc vốn.
Các nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn ở Việt Nam cũng khá đa dạng, nhưng thường tập trung vào một mảng ngành nghề hoặc một nhóm quy mô DN, chưa nghiên cứu lên các nhóm quy mô công ty khác nhau và các ngành nghề khác nhau. Các nghiên cứu thường sử dụng mô hình REM và mô hình FEM, nhưng thường cho nhiều kết quả trái ngược nhau. Hơn nữa các bài nghiên cứu ở Việt Nam cũng ít nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn theo mô hình GMM. Do đó, nghiên cứu này sử dụng phương pháp kiểm định theo mô hình GMM để tìm ra các tác nhân ảnh hưởng đến cấu trúc vốn là cần thiết.
Tổng quan lý thuyết về cấu trúc vốn
Lý thuyết của Modigliani và Miller (M&M)
Theo như mệnh đề Modigliani và Miller 1, tất cả sự kết hợp giữa vốn chủ sở hữu và nợ phải trả là như nhau trong môi trường cạnh tranh hoàn hảo. Theo một cách diễn đạt khác thì giá trị của một DN chỉ phụ thuộc vào lượng tài sản mà DN đó có chứ không phụ thuộc vào lượng cổ phần được phát hành. Theo Brealey và cộng sự (1984), với bất kỳ lựa chọn tài chính như thế nào thì giá trị của DN là không thay đổi.
Lý thuyết cân bằng (Trade-off Theory)
Lý thuyết này được dựa trên các lý thuyết của Modigliani và Miller và được xem là lý thuyết kế thừa lý thuyết của Miller. Theo lý thuyết cân bằng, các DN có mục tiêu tối đa hóa được lợi ích bằng cách cấu trúc tỷ số nợ và nguồn vốn. Họ sẽ cố gắng để hướng đến việc gia tăng sử dụng nợ. Tuy nhiên, việc gia tăng sử dụng nợ cũng có nhược điểm khi giá trị hiện tại của các chi phí phá sản có thể gia tăng và triệt tiêu phần thuế tiết kiệm do việc vay nợ (Wald, 1999). Ban đầu, việc sử dụng nợ sẽ giúp DN hưởng lợi ích từ lá chắn thuế nhưng trong tương lai khi có quá nhiều nợ thì DN sẽ đối mặt với rủi ro việc hoàn trả các khoản nợ. Khi các DN không có khả năng chi trả sẽ phá sản.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Breadley và các cộng sự (1984), DN có thể bị ảnh hưởng bởi chi phí phá sản bao gồm: chi phí liên quan tới bên thứ ba khi phải làm thủ tục giải thể, trong trường hợp bị mất thanh khoản DN sẽ dễ bị thiếu hụt chi phí và chí phí mất mát liên quan đến thuế. Mặc dù vậy, trên thực tế vẫn có trường hợp DN vẫn đạt kết quả kinh doanh tốt trong trường hợp đòn bẩy tài chính thấp. Trường hợp này đi ngược với lý thuyết cân bằng, khi lý thuyết này cho rằng tại một điểm cân bằng, DN có thể tối đa hóa lợi nhuận bằng cách sử dụng đòn bẩy tài chính. Do đó, sự xuất hiện của lý thuyết trật tự phân hạng có thể giải quyết vấn đề này.
Lý thuyết trật tự phân hạng
Theo Myers và Majluf (1984), nguồn vốn nội tại DN sẽ là ưu tiên hàng đầu cho nguồn tài chính của DN, nguồn vốn tiếp cận từ việc vay nợ sẽ là sự lựa chọn tiếp theo và cuối cùng là tiếp cận vốn bằng việc phát hành cổ phiếu. Thực tế chứng minh rằng, các nhà quản lý DN là người hiểu rõ tình hình tài chính nội tại của DN hơn các nhà đầu tư từ bên ngoài. Hơn nữa, việc phát hành thêm cổ phiếu có thể khiến cổ phiếu bị rớt giá. Thay vì phải phát hành thêm cổ phiếu thì DN nên tận dụng nguồn lợi nhuận giữ lại để làm gia tăng nguồn vốn cho DN của mình (Donaldson,1961). Myers và Majluf (1984) đồng tình với quan điểm trên và tiếp tục phát triển nghiên cứu của Donaldson thành lý thuyết trật tự phân hạng. Theo lý thuyết này, việc vay nợ sẽ là không phải là ưu tiên hàng đầu và phát hành cổ phiếu sẽ là lựa chọn cuối cùng để tăng nguồn vốn.
Các nghiên cứu trước
Bảng 1: Kết quả thống kê mô tả |
|||||
Tên biến |
Số lượng quan sát |
Giá trị trung bình |
Độ lệch chuẩn |
Giá trị nhỏ nhất |
Max |
tlev |
5,136 |
0.5193327 |
0.2082945 |
0.0074916 |
1.294471 |
ltlev |
5,136 |
0.3996675 |
0.2093752 |
0.0031815 |
1.246841 |
stlev |
5,136 |
0.1223767 |
0.1453631 |
7.33e-06 |
0.7872828 |
roa |
5,136 |
0.8341557 |
1.172012 |
-0.1451325 |
45.79005 |
roe |
5,136 |
2.256038 |
3.284566 |
-3.787275 |
48.22753 |
size |
5,136 |
27.57667 |
1.558725 |
22.58688 |
33.69104 |
tang |
5,136 |
0.2612843 |
0.2205875 |
0.0000567 |
0.9697497 |
growth |
5,136 |
0.2132682 |
5.688993 |
-0.674221 |
406.3115 |
gdp |
5,136 |
0.0571667 |
0.0143726 |
0.0258 |
0.0708 |
Nguồn: Nghiên cứu của tác giả
Từ các lý thuyết về cấu trúc vốn, đã có nhiều nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng tới cấu trúc vốn. Có thể kể đến bài nghiên cứu về cấu trúc vốn của tác giả Rajan và Zingale năm 2002 nghiên cứu trên 822 công ty ở Anh. Kết quả chỉ ra rằng, các yếu tố ngắn hạn khác nhau có mối tương quan nghịch với tài sản hữu hình, trong khi các yếu tố dài hạn thể hiện mối tương quan dương, cung cấp bằng chứng về sự phù hợp với kỳ hạn. Ngoài ra, qui mô DN được tìm thấy có mối tương quan nghịch đáng kể với khoản vay ngân hàng ngắn hạn và tương quan dương với tất cả các hình thức nợ dài hạn và nợ ngắn hạn. Kết quả còn cho thấy, các công ty có cơ hội tăng trưởng cao (được phản ánh qua tỷ lệ thị trường trên sổ sách cao) có mức nợ cao hơn so với các công ty có tỷ lệ thị trường trên sổ sách thấp.
Ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, có nghiên cứu của Deesomsak và cộng sự (2004). Các tác giả chỉ ra rằng, khả năng sinh lời, tốc độ phát triển, quy mô công ty, tài sản cố định hữu hình, tấm chắn thuế, rủi ro kinh doanh là các nhân tố ảnh hưởng tới cấu trúc vốn. Trong đó, nghiên cứu nhấn mạnh, các công ty với quy mô nhỏ sẽ sử dụng nợ ngắn hạn nhiều hơn so với các công ty có quy mô lớn hơn. Ngoài ra, một nghiên cứu khác năm 2006 đã nghiên cứu với mẫu hơn 1000 DN niêm yết trên thị trường chứng khoán của Trung Quốc của hai tác giả Huang và Song cho thấy, lá chắn thuế, quy mô DN và tài sản cố định có tác động cùng chiều với tỷ lệ nợ. Nghiên cứu gần đây là vào năm 2020 của Panda và cộng sự về các công ty của Ấn Độ giai đoạn 2007-2017 trên tám lĩnh vực sản xuất khác nhau kết luận rằng, DN ở các lĩnh vực sản xuất đều có những yếu tố quyết định cơ cấu vốn riêng.
Ở Việt Nam, hiện có một số bài nghiên cứu về chủ đề này. Nghiên cứu được thực hiện năm 2006 của Nguyen và Ramachandran cho các DN vừa và nhỏ trong giai đoạn 1998-2001 tại Việt Nam chỉ ra rằng, các DN vừa và nhỏ chủ yếu sử dụng nợ ngắn hạn làm nguồn tài chính cho các hoạt động của mình. Cấu trúc vốn của các DN này tỷ lệ thuận với quy mô DN, rủi ro kinh doanh, tăng trưởng và mối quan hệ với ngân hàng. Ở một nghiên cứu khác về các DN ngành xi măng niêm yết trên thị trường chứng khoán trong thời kỳ năm 2007-2013 của Lê Thị Minh Nguyên cho thấy, quy mô DN và tỷ lệ nợ dài hạn có mối quan hệ cùng chiều. Kết quả chỉ ra mối quan nghịch chiều của khả năng sinh lợi và lá chắn thuế khấu hao với cấu trúc vốn. Kết quả này cũng được khẳng định trong nghiên cứu của Đặng Thị Quỳnh Anh và Quách Thị Hải Yến năm 2014 nghiên cứu trên các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán kiểm định theo mô hình FEM thì khả năng sinh lời có mối quan hệ nghịch chiều với tỷ lệ nợ của DN. Trong một nghiên cứu khác của Nguyễn Minh Nguyệt và Trần Kiên Trung năm 2020 về các yếu tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của các DN trong ngành xây dựng có niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội đã cho kết quả về tốc độ phát triển và quy mô công ty có ảnh hưởng cùng chiều với tỷ lệ nợ. Trong khi đó tỷ số lợi nhuận được đo lường bằng lợi nhuận trên tổng tài sản và lợi nhuận trước thuế và lãi vay lại cho kết quả tỷ lệ nghịch với tỷ lệ nợ. Bài nghiên cứu sử dụng mô hình kiểm định POLS, FEM và REM.
Có thể thấy, đã có nhiều nghiên cứu về các nhân tố tác động đến cấu trúc vốn của DN, tuy nhiên, các kết quả còn nhiều sự khác biệt và trái ngược nhau. Hơn nữa, các nghiên cứu trước đó chủ yếu sử dụng mô hình kiểm định FEM và REM và rất ít nghiên cứu dùng mô hình kiểm định GMM để nghiên cứu các nhân tố tác động lên cấu trúc vốn của DN. Các nghiên cứu thường chỉ tập trung vào một mảng ngành hoặc một nhóm đối tượng theo quy mô công ty, ít có nghiên cứu với mẫu nghiên cứu đa dạng ngành nghề và quy mô DN. Chính vì thế, tác giả chọn nghiên cứu các nhân tố có thể tác động đến cấu trúc vốn của DN phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán theo mô hình kiểm định GMM.
Phương pháp nghiên cứu
Mô tả dữ liệu nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng được thu thập từ 428 công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán trong khoảng thời gian 6 năm kể từ 2013 đến 2021 do FiinGroup JSC cung cấp. Dữ liệu nghiên cứu được trích xuất từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán của các công ty này.
Các biến nghiên cứu, phương pháp đo lường các biến và mô hình tổng thể
Biến phụ thuộc chính là một tỷ lệ nợ trên tổng nguồn vốn của DN. Nợ kể trên bao gồm cả nợ ngắn hạn và nợ dài hạn.
TLEV – Đòn bẩy tài chính: Tỷ lệ cuả tổng nợ trên tổng nguồn vốn.
LTLEV – Đòn bẩy dài hạn: Tỷ lệ của nợ dài hạn trên tổng nguồn vốn.
STLEV – Đòn bẩy ngắn hạn: Tỷ lệ của nợ ngắn hạn trên tổng nguồn vốn.
Các biến giải thích về cấu trúc vốn của DN được sử dụng trong bài nghiên cứu này gồm các nhân tố sau: Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA), Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), Quy mô doanh nghiệp (SIZE), Tỷ trọng tài sản cố định (TANG), Tốc độ tăng trưởng (GROW), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
Bài nghiên cứu có ba tỷ lệ nợ trên tổng nguồn vốn sẽ được tính đến cho nên mô hình hồi quy nghiên cứu sẽ được khai triển thành ba mô hình hồi quy cụ thể:
(MH1): TLEV = a0 + a1.ROA + + a2.ROE + a3.SIZE + a4.TANG + a5.GROW + a6.GDP
(MH2): LTLEV = b0 + b1.ROA + b2.ROE + b3.SIZE + b4.TANG + b5.GROW + b6.GDP
(MH3): STLEV = b0 + b1.ROA + + b2.ROE + b3.SIZE + b4.TANG + b5.GROW + b6.GDP
Dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu này là dữ liệu dạng bảng, do đó để đo các yếu tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của các công ty, tác giả sử dụng một số mô hình chính là mô hình OLS (mô hình hồi quy), REM mô hình hiệu ứng ngẫu nhiên), mô hình FEM (mô hình hiệu ứng cố định) và mô hình GMM (khắc phục nội sinh). Sau đó, tác giả kiểm tra lại mô hình phù hợp bằng việc kiểm định Hausma.
Kết quả nghiên cứu
Bảng 2: Bảng tổng hợp các kết quả hồi quy GMM của 3 biến phụ thuộc bằng mô hình GMM |
|||
(1) tlev |
(2) ltlev |
(3) stlev |
|
L.tlev |
0.718*** [9.48] |
||
roa |
-0.0196*** [-3.17] |
-0.0158*** [-3.60] |
0.000525 [0.41] |
roe |
0.0101*** [3.32] |
0.0101*** [3.51] |
-0.000919** [-1.96] |
size |
0.0148*** [4.11] |
0.00874*** [2.67] |
0.00642** [2.16] |
tang |
0.0486** [2.38] |
0.0559*** [3.15] |
0.0887*** [4.05] |
growth |
0.0261* [1.77] |
0.0187* [1.72] |
0.0421** [2.15] |
gdp |
0.0823 [0.64] |
0.267 [1.47] |
-0.110 [-0.96] |
L.ltlev |
0.695*** [9.51] |
||
L.stlev |
0.891*** [13.04] |
||
_cons |
-0.227*** [-3.93] |
-0.184*** [-4.00] |
-0.135*** [-3.99] |
Nguồn: Nghiên cứu của tác giả
Kết quả thống kê mô tả
Thông qua thống kê mô tả ta có được 5,136 quan sát đối với TLEV có giá trị trung bình 0.5193327 và độ lệch chuẩn là 0.2082945. Từ đó có thể thấy, công ty sẽ có biến động xung quanh giá trị nhỏ nhất 0.0074916 cho đến giá trị lớn nhất 1.294471.
Ma trận hệ số tương quan
Ma trận tương quan có ý nghĩa ở mức 5%, cho thấy rất ít dấu hiệu của hiệu tượng đa cộng tuyến giữa các biến và không có cặp biến nào có độ tương quan cao. Tất cả biến đều phù hợp để sử dụng. Trong mô hình không có hiện tượng đa trọng tuyến nghiêm trọng.
Kết quả hồi quy
Từ Bảng 2 có thể thấy, ROA (Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản) tỷ lệ nghịch với Đòn bẩy tài chính (TLEV) và đòn bẩy tài chính dài hạn (LTLEV). Chỉ riêng đòn bẩy ngắn hạn (STLEV) mang tính cùng chiều so với lại ROA. Điều này có nghĩa là khi công ty sử dụng vốn vay nợ càng nhiều, thì tỷ suất lợi nhuận trên tài sản càng thấp và ngược lại. Và khi tỷ suất lợi nhuận càng cao họ sẽ giữ phần lợi nhuận đó để sử dụng thành vốn của công ty.
Trong khi đó Size (Quy mô công ty) có sự tương quan tỷ lệ thuận với cả ba biến phụ thuộc đòn bẩy tài chính. Kết quả phù hợp với các nghiên cứu trước đó và phù hợp với lý thuyết cân bằng. Điều này có ý nghĩa rằng, thường rủi ro phá sản sẽ thấp ở công ty có quy mô lớn và ngược lại đối với các công ty nhỏ. Kết quả cũng cho thấy, Tang (Tỷ trọng tài sản cố định) cũng có ảnh hưởng cùng chiều với cả ba biến phụ thuộc đòn bẩy tài chính, công ty với tài sản cố định càng nhiều thì sẽ có khoản vay nợ càng nhiều. Từ bảng kết quả cho thấy, GROW (tốc độ tăng trưởng) cũng có tỷ lệ tương quan cùng chiều với đòn bẩy tài chính. Kết quả này cũng phù hợp với việc các công ty đang có mức phát triển tốt thì sẽ dễ dàng tiếp cận vốn hơn.
Kết luận
Qua kết quả hồi quy cho thấy, nhân tố tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản có ảnh hưởng nghịch chiều với đòn bẩy tài chính, điều này cũng hợp lý khi kinh doanh hiệu quả DN sẽ có xu hướng giảm nợ.
Các biến Quy mô công ty, tỷ trọng tài sản cố định, tốc độ tăng trưởng, tổng sản phẩm quốc nội đều có mối quan hệ tương quan cùng chiều với đòn bẩy tài chính. Nghiên cứu chỉ ra rằng, các DN sử dụng vốn vay càng nhiều và đặc biệt là vốn vay dài hạn thì tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản càng thấp. Các DN có quy mô lớn, tốc độ phát triển nhanh, tỷ trọng tài sản cố định cao thì lại sử dụng vốn vay cao, điều này có thể lý giải được vì DN phải gia tăng nguồn tài sản đảm bảo cho các khoản nợ vay của mình. Trong thời kỳ tổng sản phẩm quốc nội tăng trưởng cao thì tỷ lệ sử dụng vốn vay dài hạn cao. Kết quả cho thấy công ty có quy mô lớn và tỷ trọng tài sản cố định cao thì dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay nên sẽ có xu hướng sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn.
Tài liệu tham khảo:
- Anh Đ. T. Q & Yến Q. T. H(2014). Các nhân tố tác động đến cấu trúc vốn của doanh nghiệp niêm yết trên sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE). Tạp chí Phát triển và Hội nhập. 18(28). 10-24;
- Đặng Thị Quỳnh Anh và Quách Thị Hải Yến (2014), “Các nhân tố tác động đến cấu trúc vốn của doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao Dịch Chứng Khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE)”, Tạp Chí Phát Triển & Hội Nhập, Số 18 (28), Tháng 09 - 10/2014;
- Lê Thị Minh Nguyên (2016), “Các yếu tố tác động đến cấu trúc vốn: một nghiên cứu trong ngành xi măng Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Đại học Văn Hiến, số 4, 30 – 37;
- Bradley, M., Jarrell, G. A., & Kim, E. (1984). On the existence of an optimal capital structure: Theory and evidence. The journal of Finance, 39(3), 857-878;
- Donaldson, G., (1961). Corporate Debt Capacity: A Study of Corporate Debt Policy and the Determination of Corporate Debt Capacity, Harward Graduate School of Business Administration, Boston;
- Deesomsak, R., Paudyal, K., & Pescetto, G. (2004). The determinants of capital structure: evidence from the Asia Pacific region. Journal of multinational financial management, 14(4-5), 387-405;
- Guihai Huang and Frank M. Song, (2006), The determinants of capital structure: Evidence from China, China Economic Review, 17, (1), 14-36;
- Myers, S. C. (1984). The capital structure puzzle. The journal of finance, 39(3), 574-592;
- Myers, S. C., & Majluf, N. S. (1984). Corporate Financing and Investment Decisions when Firms Have Information that Investors Do Not Have. Journal of Financial Economics, 13, 187-221.