Nhân tố tác động đến hoạt động của cơ quan hải quan trong bối cảnh mới

Trần Vũ Minh - Tổng cục Hải quan

Hải quan Việt Nam có vai trò là “người gác cửa nền kinh tế”, thực hiện bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia. Bối cảnh hội nhập, phát triển mới đòi hỏi ngành Hải quan phải tiếp tục cải cách, đổi mới. Nghiên cứu này xác định và đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan Hải quan Việt Nam; đưa ra các kết luận và hàm ý chính sách để tăng cường hiệu quả hoạt động hải quan trong quản lý nhà nước. Bằng phương pháp thống kê mô tả, đánh giá độ tin cậy Cronbachs Alpha, kỹ thuật phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích hồi quy, nghiên cứu chỉ ra rằng, hoạt động hải quan hiện nay chịu ảnh hưởng bởi 4 nhóm yếu tố, gồm: Điều kiện tự nhiên; Bối cảnh quốc tế; Bối cảnh trong nước; Các yếu tố đặc thù của hải quan.

Cơ sở lý thuyết

Đầu thế kỷ XX, lý thuyết “Quản lý theo khoa học” của F.W. Taylor được coi là mở đầu của khoa học quản lý hay quản trị hiện đại ở Mỹ và trên thế giới. Ảnh hưởng, hiệu quả của thuyết “Quản lý theo khoa học” trong hai thập niên đầu thế kỷ trước đã đem lại cho nước Mỹ một nền công nghiệp tiên tiến nhất và vượt ra ngoài nước Mỹ, đến cả các nước có thể chế chính trị khác nhau. Muốn thực hiện quản lý khoa học, phải có nghiên cứu toàn diện về hoạt động của tổ chức, trong đó có việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức, nhằm đưa ra quy trình quản lý hiệu quả nhất.

Hoạt động hải quan hiện nay sẽ bao gồm các hoạt động như: hoạt động kiểm tra, kiểm soát hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải và hành khách xuất nhập cảnh, thu thuế xuất nhập khẩu, điều tra chống buôn lậu cũng như nhiều hoạt động khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Các hoạt động này nhằm mục đích chính là để bảo hộ, phục vụ, thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, từ đó góp phần bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia, an ninh kinh tế, an toàn xã hội,

Các cơ quan hải quan sẽ thực hiện chức năng hải quan, phụ trách việc kiểm tra, giám sát hải quan, đánh thuế hải quan, làm thủ tục xuất nhập cảnh. Luật hải quan của các quốc gia cũng có có quy định cụ thể về cơ quan hải quan công chức hải quan, lực lượng hải quan, hệ thống tổ chức cơ quan hải quan.

Địa bàn hoạt động hải quan sẽ bao gồm các khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng biển quốc tế, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, khu chế xuất, kho ngoại quan, kho bảo thuế, khu vực ưu đãi hải quan, bưu điện quốc tế, các địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong lãnh thổ và trên vùng biển thực hiện quyền chủ quyền của Việt Nam, trụ sở doanh nghiệp khi tiến hành kiểm tra sau thông quan và các địa bàn hoạt động hải quan khác theo quy định của pháp luật.

Trong địa bàn hoạt động của hải quan, cơ quan hải quan sẽ cần phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hoá, phương tiện vận tải.

Trong lĩnh vực hải quan, thực hiện các hoạt động quản lý hải quan hiện đại sẽ đảm bảo kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu; đồng thời, đảm bảo tạo thuận lợi thương mại. Thêm vào đó, bối cảnh quốc tế và trong nước mới với các yếu tố cụ thể đặc trưng nhất gồm đại dịch COVID-19, xung đột vũ lực quốc tế (làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu), xu hướng chuyển đổi số, Hải quan xanh, Cách mạng công nghiệp 4.0 đều có ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan hải quan bất cứ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam.

Nghiên cứu đưa ra giả thuyết các nhân tố tác động (biến độc lập) đến hoạt động của cơ quan Hải quan Việt Nam trong bối cảnh hiện nay (biến phụ thuộc), gồm: (i) Điều kiện tự nhiên, khí hậu, vị trí địa lý; (ii) Bối cảnh quốc tế hiện nay; (iii) Bối cảnh trong nước; (iv) Các yếu tố đặc thù của hải quan.

Từ kết quả tổng hợp lý thuyết và các nghiên cứu liên quan, khung lý thuyết nghiên cứu được xây dựng như mô tả ở Hình 1.

Phương pháp nghiên cứu

Công cụ thu thập số liệu là bảng câu hỏi khảo sát. Bảng câu hỏi khảo sát được xây dựng dựa trên các quy định pháp luật và thực tiễn tiến hành hoạt động hải quan. Trong nghiên cứu, sử dụng thang đo Likert (từ 1-5) từ hoàn toàn không đồng ý đến hoàn toàn đồng ý.

Đối tượng tham gia khảo sát gồm lãnh đạo và công chức làm công tác định hướng và công tác cải cách hiện đại hóa tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan. Thời điểm khảo sát là tháng 11/2022. Số lượng khảo sát đảm bảo được cỡ mẫu tối thiểu (gấp hơn 5 lần số quan sát là 41 quan sát). Số đơn vị tham gia điều tra là 51 đơn vị, tổng số phiếu phát ra 579, tổng số phiếu thu về 548 phiếu, có 534 phiếu hợp lệ đã được làm sạch (tỷ lệ 92,2% số phiếu phát ra). Trong đó, công chức 165 phiếu, lãnh đạo 369 phiếu.

Dữ liệu sau thu thập được làm sạch bằng cách loại bỏ các trả lời không phù hợp, thiếu, trả lời như nhau cho mọi trường hợp. Sau đó dữ liệu được ghi nhận và xử lý bằng phần mềm xử lý số liệu SPSS, sử dụng các công cụ thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy thang đo, phân tích nhân tố khám phá, phân tích hồi quy OLS.

Bảng 1: Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo bằng hệ số Cronbach's Alpha

STT

Nhóm biến

Số biến quan sát

Hệ số Cronbach's Alpha

 

Biến phụ thuộc: hoạt động của Hải quan Việt Nam hiện nay

8

0,910

1

Điều kiện tự nhiên, khí hậu, vị trí địa lý

4

0,797

2

Bối cảnh quốc tế hiện nay

7

0,903

3

Bối cảnh trong nước hiện nay

4

0,836

4

Các yếu tố đặc thù của hải quan

9

0,905

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Kết quả phân tích dữ liệu

Thang đo biến phụ thuộc thể hiện phản ánh một cách tập trung các ý kiến trả lời với hệ số Cronbach’s alpha = 0,827 (>0,8 mức rất tốt) và các hệ số tương quan biến - tổng về cơ bản đều >0,3, nên thang đo đạt được độ tin cậy.

Mô hình nghiên cứu gồm 5 nhân tố với 24 biến quan sát của biến độc lập. Sau khi kiểm định thang đo chính thức, hệ số của Cronbach’s Alpha của các biến tổng đều lớn hơn 0,6 (mức chấp nhận phổ biến). Kết quả các hệ số tương quan của biến tổng và các biến thành phần đều lớn hơn 0,3. Do vậy các thang đo này đạt được độ tin cậy.

Kiểm định các nhân tố khám phá EFA

Để nhận diện các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động điều tra trong kiểm tra sau thông quan, nghiên cứu sử dụng kỹ thuật phân tích khám phá nhân tố EFA. Phương pháp phân tích khám phá nhân tố nhằm giúp rút gọn từ nhiều biến quan sát về ít biến hơn mà vẫn chứa đựng những thông tin chính của toàn bộ dữ liệu. Có nhiều cách trích nhân tố, cách trích nhân tố sử dụng trong nghiên cứu này là phương pháp trích thành phần chính (Principal Components) với phép quay vuông góc (Varimax). Số lượng nhân tố được trích ra dừng lại ở giá trị Eigenvalues lớn hơn 1.

Kết quả phân tích đối với biến phụ thuộc từ dữ liệu nghiên cứu cho thấy hệ số KMO lớn hơn 0,5 (0,914), Sig. Bartlett's Test = 0,000 < 0,05, giá trị Eigenvalues = 4,962 > 1 và trích được 1 nhân tố mang ý nghĩa tóm tắt thông tin tốt nhất, phương sai trích lớn hơn 50% (62,021%). Như vậy, 1 nhân tố được trích cô đọng được 62,021% biến thiên các biến quan sát. Điều đó cho thấy sử dụng phân tích khám phá nhân tố là phù hợp, biến phụ thuộc là một thang đo đơn hướng.

Bảng 2: Phân tích khám phá EFA cho biến phụ thuộc

KMO and Bartlett's Test

Kaiser-Meyer-Olkin Measure of Sampling Adequacy.

.914

Bartlett's Test of Sphericity

Approx. Chi-Square

2491.175

df

28

Sig.

.000

Giá trị Eigenvalues

4.962

Phương sai trích

62.021%

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Kết quả ma trận xoay Bảng 2 cho thấy, chỉ có một nhân tố duy nhất được trích điều này là hợp lý, hệ số Factor loading đều lớn hơn 0,5, các biến quan sát hội tụ về một nhân tố duy nhất.

Bảng 3: Phân tích khám phá EFA cho biến độc lập

KMO and Bartlett's Test

Kaiser-Meyer-Olkin Measure of Sampling Adequacy.

.960

Bartlett's Test of Sphericity

Approx. Chi-Square

8673.084

 

df

276

 

Sig.

.000

Giá trị Eigenvalues

 

1.069

Phương sai trích

 

61.507%

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Bảng 3 cho thấy 0,5 < KMO = 0,960 < 1, phân tích nhân tố là phù hợp và hợp lý với tập dữ liệu nghiên cứu. Sig Bartlett's Test = 0,000 < 0,05 chứng tỏ là các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể. Bảng 3 thể hiện trích được 3 nhân tố mang ý nghĩa tóm tắt thông tin tốt nhất. Tổng phương sai trích = 61,507% > 50% cho thấy, mô hình EFA là phù hợp. Như vậy, 3 nhân tố được trích cô đọng được 61,507% biến thiên các biến quan sát.

Bảng 4: Kết quả phân tích hồi quy bội

Model Summaryb

Model

R

R Square

Adjusted R Square

Std. Error of the Estimate

Durbin-

Watson

1

.618a

.382

.379

.43678

1.686

a. Predictors: (Constant), X3, X2, X1

b. Dependent Variable: Y

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Kết quả ma trận xoay cho thấy, 24 biến quan sát được gom thành 3 nhóm mới (ký hiệu là X1, X2, X3), loại 2 biến Q20 và Q31 có hệ số tải nhân tố nhỏ hơn 0,5. 22 biến quan sát còn lại đều có hệ số tải nhân tố Factor Loading lớn hơn 0,5.

Kết quả phân tích EFA cho thấy nhóm nhân tố mới là: Nhóm 1 gồm các nhân tố Q15, Q16, Q17, Q18, Q21, Q22, Q26, Q28 (8 biến), ký hiệu là X1; Nhóm 2 gồm các nhân tố Q33, Q35, Q36, Q37, Q38, Q39, Q40, Q41 (8 biến), ký hiệu là X2; Nhóm 3 gồm các nhân tố Q23, Q24, Q25, Q29, Q30, Q34 (6 biến), ký hiệu là X3;

Dựa vào kết quả phân tích EFA, các nhân tố trích ra của các giả thuyết nghiên cứu chính đều đạt yêu cầu. Do đó, mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan Hải quan Việt Nam trong bối cảnh mới vẫn giữ được 4 yếu tố kỳ vọng ban đầu: (i) Điều kiện tự nhiên, khí hậu, vị trí địa lý, (ii) Bối cảnh quốc tế, (iii) Bối cảnh trong nước, (iv) Các yếu tố đặc thù của hải quan.

Phân tích hồi quy bội

Để kiểm tra quan hệ giữa biến độc lập và biến phụ thuộc, nghiên cứu sử dụng phân tích bằng hồi quy bội với phương pháp tổng bình phương nhỏ nhất OLS. Kết quả phân tích từ dữ liệu nghiên cứu cụ thể như Bảng 4.

Giá trị R2 hiệu chỉnh bằng 0,379. Giá trị R2 hiệu chỉnh đủ tin cậy và chấp nhận được để phân tích và đánh giá. Hệ số Durbin-Watson = 1,686 nằm trong khoảng 1,5 đến 2,5 nên không có hiện tượng tự tương quan chuỗi bậc nhất xảy ra. Sig kiểm định F bằng 0,000 < 0,05, như vậy mô hình hồi quy tuyến tính bội phù hợp với tập dữ liệu và có thể sử dụng được.

Bảng 5: Kiểm định phương sai ANOVA

ANOVAa

Model

Sum of Squares

df

Mean Square

F

Sig.

 

1

Regression

62.519

3

20.840

109.237

.000b

 

Residual

101.111

530

.191

   
 

Total

163.630

533

     

a. Dependent Variable: Y

b. Predictors: (Constant), X3, X2, X1                     Nguồn: Tác giả tổng hợp

 

Bảng 5 cho thấy Sig kiểm định F bằng 0,000 < 0,05, như vậy mô hình hồi quy tuyến tính bội phù hợp với tập dữ liệu và có thể sử dụng được. Hệ số VIF của các biến độc lập đều nhỏ hơn 10 do vậy, không có đa cộng tuyến xảy ra. Các nhân tố X1, X2, X3 trong mô hình phân tích đều phù hợp ở mức ý nghĩa Sig tương đối nhỏ (< 0,05) trừ X3 có thể chấp nhận được (0,598) và không vi phạm hiện tượng đa cộng tuyến.

Phương trình hồi quy (từ Bảng Coefficients):

Y= 0,426X1+ 0,250X2 + 0,032X3 + ei

X là các biến độc lập (trung bình nhân tố) đại diện tương ứng với các nhân tố tác động đến hoạt động của cơ quan Hải quan Việt Nam theo phiếu khảo sát của tác giả. Y là biến phụ thuộc (trung bình nhân tố), hoạt động của cơ quan Hải quan Việt Nam hiện nay.

Kết luận và hàm ý chính sách

Qua phân tích mô hình hồi quy có thể khẳng định 4 nhân tố tác động như giả thiết (tác động dương), tuy có mức độ khác nhau, tới hoạt động của cơ quan Hải quan Việt Nam hiện nay. Đồng thời, mô hình hồi quy cũng cho thấy các nhân tố nêu trên chưa giải thích được toàn bộ sự tác động tới hoạt động hải quan, còn lại là do tác động của các nhân tố khác nằm ngoài mô hình. Các nhân tố đó có thể là: Mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp; Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động hải quan.

Bảng 6: Kiểm tra giả định Coefficients

Coefficientsa

Model

Unstandardized Coefficients

Standardized Coefficients

t

Sig.

Collinearity Statistics

   

B

Std. Error

Beta

Tolerance

VIF

1

(Constant)

.978

.181

 

5.394

.000

   
 

X1

.426

.065

.386

6.559

.000

.337

2.969

 

X2

.250

.059

.244

4.221

.000

.349

2.866

 

X3

.032

.061

.031

.528

.598

.346

2.889

        Dependent Variable: Y                                 Nguồn: Tác giả tổng hợp

 

Từ kết quả kiểm định trên, có thể đề xuất một số giải pháp để tăng cường hiệu quả hoạt động hải quan trong quản lý nhà nước, cụ thể:

Thứ nhất, cải thiện các biến quan sát của nhóm X1, đó là các biến về mô hình nghiệp vụ, điều kiện tự nhiên, quy hoạch vị trí trụ sở, môi trường hoạt động trong nước (sự ổn định về an ninh chính trị), ảnh hưởng của bối cảnh quốc tế ngắn hạn chú trọng áp dụng phương pháp quản lý tuân thủ, quản lý rủi ro, tăng cường quản lý thuế, điều tra chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan.

Thứ hai, cải thiện các biến quan sát của X2, chủ yếu là các yếu tố đặc thù của hoạt động hải quan, tập trung vào nguồn nhân lực, các phương pháp, kỹ thuật nghiệp vụ hải quan; ứng dụng công nghệ thông tin; quan hệ phối hợp, quan hệ hợp tác và mức độ tuân thủ của cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, cần nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông quan hàng hóa tự động để đơn giản hóa, minh bạch và rõ ràng các quy trình, thủ tục; tiếp tục củng cố cơ chế phối hợp với các bộ, ngành có liên quan về thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để đơn giản hóa thủ tục hành chính cho hàng hóa xuất nhập khẩu; ứng dụng các biện pháp quản lý tiên tiến khác.

Thứ ba, cải thiện các biến quan sát của nhóm X3 (nhóm có ít tác động nhất, nhưng cần được nghiên cứu dự đoán), chủ yếu là các nhân tố về bối cảnh trong nước và quốc tế, tập trung vào nhân tố cải thiện môi trường hoạt động, dự báo xu thế phát triển của quan hệ kinh tế quốc tế; hệ thống thuế quan, thương mại dịch vụ, cách mạng công nghiệp.

Thứ tư, đối với hoạt động hải quan cần tính đến hoạt động cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp và các nhân tố khác ngoài mô hình.

Tài liệu tham khảo:

  1. Phan Thị Bích Nguyệt, Phạm Dương Phương Thảo (2013), Phân tích tác động của các nhân tố kinh tế vĩ mô đến thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí Phát triển và Hội nhập Số 8 (18), Tháng 01- 02/2013, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
  2. Cao Huy Tài (2019), Đề xuất mô hình quản lý và phân tích dữ liệu cho Việt Nam, Đề tài NCKH cấp Bộ Tài chính, mã số 2019-19);
  3. Nguyễn Quyết Thắng (2017), Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của doanh nghiệp đối với dịch vụ hành chính công tại Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tạp chí Công Thương 6/2017;
  4. Hoàng Trọng - Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, NXB Thống kê.