Nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%

Theo Minh Châu/daibieunhandan.vn

Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được coi như “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh. Tuy nhiên, sau gần hai tháng có hiệu lực, việc triển khai vẫn rất chậm.

Nhiều đơn vị chưa được thụ hưởng

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Bình Trương Thanh Sơn cho biết, toàn tỉnh có 460 HTX, trong đó 344 HTX nông nghiệp, còn lại là các lĩnh vực khác.

Do tác động của dịch COVID-19, hầu hết các HTX trên địa bàn rơi vào cảnh khó khăn trong sản xuất (phải thực hiện giãn cách xã hội), đầu ra bị thu hẹp, doanh thu, lợi nhuận đều sụt giảm. Từ cuối năm ngoái, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các HTX cũng dần khôi phục hoạt động song khó vẫn tiếp tục chồng khó.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ để triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ để triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Cụ thể, giá phân bón, xăng dầu cùng các vật tư đầu vào khác liên tục tăng cao, trong khi HTX chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nên chịu tác động nặng nề. Các HTX đều có nhu cầu vay vốn để hoạt động song gần như không dễ tiếp cận.

“Hơn 50% HTX trên địa bàn phải nhờ trụ sở của UBND xã, không có đất riêng đồng nghĩa không có tài sản cầm cố. Trong khi đó, để vay vốn ngân hàng đều đòi hỏi phải có tài sản thế chấp, do đó các HTX này hầu như không thể vay vốn”, ông Sơn xác nhận.

Khi thông tin Chính phủ ban hành Nghị quyết số 31/2022/NĐ-CP ngày 20.5.2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh (Nghị định 31), Ngân hàng Nhà nước cũng kịp thời ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, “chúng tôi rất vui mừng và trông chờ”. Tuy vậy, đến nay sau gần 2 tháng có hiệu lực, chính sách hỗ trợ này vẫn “chưa thấy đâu cả”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Bình cho biết.

Công ty Cổ phần Tiếp vận hàng không Ngôi Sao Việt nằm trong nhóm doanh nghiệp được nhận hỗ trợ lãi suất 2% (vận tải kho bãi). Chủ tịch HĐQT Dương Văn Tĩnh cho biết, cũng giống như nhiều doanh nghiệp vận tải khác, dịch bệnh COVID-19 đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp khiến doanh thu, lợi nhuận sụt giảm.

Đáng nói là từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục lập đỉnh khiến giá cước tăng, số lượng đơn hàng vận chuyển của công ty liên tục giảm. “Nếu như trước đây, bình quân mỗi ngày công ty chạy 2 xe đầu kéo chuyến Bắc – Nam thì nay, với 60 đầu xe, mỗi tháng chỉ chạy tầm 20 chuyến”, ông Tĩnh thông tin.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối tượng được hỗ trợ lãi suất là các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh có mục đích vay vốn thuộc 2 nhóm.

Nhóm 1 là các ngành hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục - đào tạo; nông - lâm nghiệp - thủy sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản.

Nhóm 2 là thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ (danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp từ UBND tỉnh, thành phố và công bố bằng văn bản, trên cổng thông tin điện tử của Bộ).

Mức lãi suất hỗ trợ là 2%/năm. Các khoản vay được hỗ trợ lãi suất đáp ứng các điều kiện vay vốn thông thường, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2022 - 31.12.2023, sử dụng vốn đúng mục đích, chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.

Việc hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, HTX theo tinh thần Nghị định 31 trong bối cảnh đó là “hết sức tích cực”. Tuy vậy, doanh nghiệp này cũng chỉ mới “nghe đến thông tin trên báo chí”.

Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam Đỗ Thị Thúy Hương xác nhận, đến nay, chưa có doanh nghiệp nào được hưởng chính sách tín dụng. Hầu hết đều đòi hỏi thế chấp nhà xưởng. “Chúng tôi rất mong có doanh nghiệp nào được tiếp cận chính sách hỗ trợ tín dụng để làm hình mẫu, nhưng không có”, bà Hương nêu.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ

Tại hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 31 do Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hiện, các ngân hàng thương mại đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất.

Ngân hàng Nhà nước đã tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 (gần 16.035 tỷ đồng), bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023 (trên 23.965 tỷ đồng). Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng ngân hàng thương mại để triển khai sớm chính sách.

Để hỗ trợ các ngân hàng thương mại sớm triển khai chính sách, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận, tổng hợp, giải đáp tất cả các câu hỏi, thắc mắc nhận được dưới mọi hình thức, cả bằng văn bản và qua trao đổi trực tiếp, trao đổi qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử. Riêng đối với các câu hỏi liên quan đến đối tượng được hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã tổng hợp và có các văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng giải đáp cho các ngân hàng thương mại.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, để chương trình hỗ trợ lãi suất 2% có hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa đến toàn nền kinh tế cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương, các ngân hàng thương mại, khách hàng. Đồng thời, công tác truyền thông cũng sẽ được đẩy mạnh để giúp cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh hiểu rõ và sớm tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước cũng chú trọng công tác thanh tra, giám sát việc cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại, bảo đảm chính sách được triển khai đến đúng đối tượng.

Theo các doanh nghiệp, HTX, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thực sự là “phao cứu sinh” sau hai năm vật lộn với đại dịch COVID-19. Tuy vậy, nếu triển khai chậm, không những không giúp ích cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh mà còn làm giảm niềm tin vào chính sách của Nhà nước. Vì thế, cùng với việc đôn đốc các ngân hàng thương mại triển khai thực hiện, các điều kiện ràng buộc cũng cần thiết kế cho phù hợp từng lĩnh vực. Bởi nói như Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Bình, với những HTX phải đi nhờ trụ sở, nếu đòi tài sản thế chấp, các HTX này sẽ mãi đứng ngoài cuộc. Và bởi thế, chính sách sẽ không thực sự hiệu quả.

Cùng với chính sách hỗ trợ lãi suất, ông Dương Văn Tĩnh cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng cao, nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vận tải sẽ có xu hướng thu hẹp, không dám tiếp tục đầu tư. Như thế, chính sách hỗ trợ lãi suất sẽ không có tác dụng vì doanh nghiệp không vay vốn. “Chính sách hỗ trợ lãi suất là rất tốt, nhưng cần đồng bộ với các giải pháp khác, đặc biệt là kiểm soát giá xăng dầu”, đại diện doanh nghiệp đề xuất.