“Nhập khẩu lạm phát” nếu phá giá tiền đồng
Rất nhiều chuyên gia khẳng định nếu phá giá tiền đồng (VND), Việt Nam có thể gặp phải tình trạng "nhập khẩu lạm phát".
Xung quanh những bất ổn trên thị trường tiền tệ toàn cầu khiến tỷ giá trong nước trở thành vấn đề nóng của nền kinh tế hiện nay. Đã có những ý kiến trái chiều về việc có nên phá giá VND.
Hiện nay, VND đang chịu nhiều áp lực nhưng vẫn được xem là đồng tiền ổn định nhất trong khu vực. Tính từ đầu năm, tỷ giá trung tâm USD/ VND đã tăng gần 3%, so với USD, VND mất giá gần bằng 1/3 của Nhân dân tệ (NDT).
Chịu nhiều áp lực
Thời gian qua, sự mất giá của NDT đã kích thích dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh rủi ro tỷ giá. Ngay cả các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tăng mạnh đầu tư vào Việt Nam trước sự ổn định của VND, cũng như tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết gần đây, đặc biệt là để tránh các hàng rào thuế quan trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra.
Thống kê cho thấy, tính chung trong 9 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 25,37 tỷ USD, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Trung Quốc đã vươn lên xếp thứ 6 trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, trong thời gian tới, tỷ giá vẫn chịu nhiều sức ép tăng mạnh trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế bộc lộ những lo ngại khi cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung leo thang, việc giữ VND neo giá theo đồng USD khi NDT mất giá mạnh sẽ khiến cán cân thương mại của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường nội địa.
Do đó, tại Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III vừa qua, một số chuyên gia đã gợi ý một chính sách giảm giá VND đối với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá của NDT so với USD để tận dụng những lợi thế khi nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Không phá giá tiền đồng
Trước đề xuất trên, nhiều ý kiến cho rằng dòng tiền này có thể chững lại nếu như VND không thể duy trì sự ổn định. Ngược lại, có ý kiến cho rằng phá giá VND có thể mang lại những kết quả nhất định, trong thời gian ngắn hạn.
Tuy nhiên, về dài hạn, phá giá VND phải trả lại quá nhiều và khó đoán định, vượt hơn những lợi ích mang lại và có thể đưa Việt Nam rơi vào vòng xoáy cuộc chiến tiền tệ đang manh nha xuất hiện.
Theo một số chuyên gia, hiện nay vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ để ổn định tiền đồng, vậy tại sao Việt Nam không tận dụng những lợi thế đó.
Thứ nhất, dự trữ ngoại hối hiện ước đạt mức 64 – 65 tỷ USD sẽ hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kịp thời ứng phó khi tỷ giá có những biến động mạnh.
Thứ hai, việc thặng dư thương mại lập kỷ lục tạo triển vọng tích cực cho cán cân vãng lai, từ đó củng cố khả năng chống chọi của Việt Nam trước các rủi ro bên ngoài.
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/10, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 372,87 tỷ USD, tăng 13,9% (tương ứng tăng 45,4 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.
Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến nay thặng dư 6,33 tỷ USD. Cùng kỳ năm 2017, mức thặng dư thương mại hàng hóa chỉ là 1,09 tỷ USD.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định: "Cán cân thương mại trở nên tích cực hơn sẽ nâng cao khả năng kháng cự của Việt Nam đối với những chấn động bên ngoài".
Các chuyên gia cho rằng nếu biết tận dụng những yếu tố trên cùng với việc cắt giảm tối đa các điều kiện kinh doanh để giảm chi phí cho doanh nghiệp, quyết liệt cải cách thể chế, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng cứng và mềm trong những ngành nghề liên quan đến xuất khẩu để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, Việt Nam sẽ biến những rủi ro thành cơ hội.
Giải trình trước Quốc hội tại cuối phiên thảo luận kinh tế – xã hội ngày 27/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ nhất quán coi ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu và sẽ củng cố nền tảng vĩ mô và tăng khả năng chống chọi của hệ thống ngân hàng trước những biến động kinh tế.
Tuy nhiên, với độ mở kinh tế lớn, lên tới 200% GDP, trong khi tình hình thế giới có diễn biến bất thường, như chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) làm giá USD tăng lên có thể gây áp lực trong điều hành vĩ mô của Chính phủ.
Dù vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh "chưa bao giờ và không bao giờ Chính phủ có chủ trương phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu. Chính phủ cũng không có động thái nới lỏng lạm phát".