Fed tăng lãi suất, dòng tiền vào thị trường chứng khoán vẫn gia tăng
Thị trường chứng khoán đi vào xu hướng điều chỉnh trong hơn 1 tháng gần đây khiến nhiều nhà đầu tư “đánh đồng” nguyên nhân là do khối ngoại bán ròng, chuyển vốn về Mỹ. Điểm thú vị là nhiều lãnh đạo công ty chứng khoán lớn cho rằng, dòng tiền vào chứng khoán vẫn gia tăng, VN-Index giảm vì nhiều lý do khác.
Tác động không quá lớn
Trong phiên họp thường kỳ tháng 12/2016, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,25%, đồng thời đưa ra tín hiệu về 3 đợt nâng lãi suất tiếp theo trong năm 2017. Thông tin này khiến đồng USD tăng giá, tạo áp lực lên đa số các đồng tiền trên thị trường, trong đó có VND. Xu hướng tăng giá của USD được nhiều chuyên gia dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, kết hợp với yếu tố mùa vụ cuối năm, gây nên lo ngại việc phải phá giá tiền đồng.
Nhận định về biến động tỷ giá thời gian gần đây, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang là thị trường cận biên, mang tính chất đặc thù riêng và chưa có sức ảnh hưởng đến dòng tiền của khối ngoại. Tuy nhiên, biến động tỷ giá trong thời gian gần đây một mặt sẽ tăng áp lực lên các đồng tiền khác, trong đó có VND, khiến VND bị mất giá so với USD. Mặc khác, tạo nên áp lực tăng lãi suất VND.
Mặc dù vậy, với cách thức điều hành theo tỷ giá trung tâm linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá USD/VND sẽ được điều chỉnh ở mức phù hợp và điều này sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đặc biệt, dựa trên nhiều yếu tố vĩ mô và chất lượng hàng hóa trên sàn, ông Johan nhận định, cơ hội đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2017 rất lớn. Chưa kể, quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư và thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp lớn sẽ tạo động lực, tạo nguồn cung hàng mới trên thị trường, gia tăng sự lựa chọn cho nhà đầu tư.
“Nếu chúng ta quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi, yếu tố này sẽ gia tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư rót vốn vào Việt Nam”, ông Johan nói.
Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cũng cho rằng, mặc dù tỷ giá biến động khá “chóng mặt”, nhưng cách thức điều hành tỷ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước đã giúp cung - cầu ngoại tệ trong nước khá cân bằng. Biến động tỷ giá có tác động tới dòng vốn trên thị trường chứng khoán nhưng ảnh hưởng không đáng kể.
Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là làm thế nào để thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường thông qua các chính sách cụ thể, bởi dòng vốn ngoại vẫn sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, việc hàng loạt cổ phiếu “khủng” sắp lên sàn có thể gây nên tình trạng mất cân đối cổ phiếu và dòng tiền, khiến thị trường ngày càng phân hóa rõ nét.
Dù được nhận định sẽ tác động không đáng kể tới dòng tiền trên thị trường chứng khoán, các chuyên gia vẫn khuyến nghị nhà đầu tư cần theo dõi sát sao yếu tố tỷ giá, đặc biệt khi rủi ro tỷ giá kết hợp với rủi ro hệ thống bắt nguồn từ diễn biến bất ngờ trên thị trường thế giới giai đoạn vừa qua.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên để mắt tới các nhóm ngành có vay nợ bằng ngoại tệ lớn như nhiệt điện, xi măng, vận tải biển… bởi khối doanh nghiệp này sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất khi VND bị mất giá. Cùng với đó, các nhóm ngành phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào như dược, nhựa, thép, săm lốp… cũng sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng tùy theo tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu của từng doanh nghiệp.
Lãi suất tiếp tục có xu hướng tăng
Tỷ giá và lãi suất luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Theo quan sát thực tế, thị trường chứng khoán toàn cầu và nội địa trước và sau cuộc họp của Fed không có quá nhiều biến động. Điều này cho thấy, nhà đầu tư đã đón nhận thông tin Fed tăng lãi suất với tâm lý bình tĩnh và không mấy lo ngại bởi động thái này đã sớm được dự báo.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, sau quyết định tăng lãi suất của Fed, chỉ số Dow Jones liên tục lập những mức cao kỷ lục và đang hướng tới mốc 20.000 điểm, trong khi chỉ số VN-Index gần như không chịu tác động nào đáng kể. Thậm chí, nhà đầu tư dường như được giải tỏa một nỗi lo thường trực trong suốt cả năm nay và khi mối lo ngại lớn đã qua đi, nhà đầu tư sẽ thoải mái hơn để quay trở lại với thị trường.
Tỷ giá thay đổi, áp lực về điều chỉnh lãi suất là tất yếu. Dù lộ trình tăng lãi suất của Fed đã được dự báo trước nhưng về lâu dài, diễn tiến này vẫn tiếp tục có sự ảnh hưởng mạnh tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Trước hết là tác động đến sự dịch chuyển dòng tiền từ các thị trường cận biên sang thị trường các thị trường phát triển. Điều này đã được kiểm chứng qua quan sát hoạt động của khối ngoại sau khi Fed tăng lãi suất lần đầu vào cuối năm 2015.
Theo dõi diễn biến chính trên thị trường tiền tệ hai tuần qua, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, lãi suất liên ngân hàng nhìn chung tiếp tục xu hướng tăng so với hai tuần trước và mặt bằng lãi suất huy động sẽ có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt là ở các kỳ hạn ngắn do nhu cầu tín dụng tăng mạnh vào những tháng cuối năm.
Đáng chú ý, một điều trùng hợp là thị trường đi vào xu hướng điều chỉnh trong hơn 1 tháng gần đây khiến nhiều nhà đầu tư “đánh đồng” nguyên nhân là do khối ngoại bán ròng nhằm chuyển vốn về Mỹ, nơi lãi suất đang tăng. Tuy nhiên, nhận định này là chưa có cơ sở. Có nhiều lý do để thị trường điều chỉnh, trong đó có việc nhiều tài khoản chốt lãi, nhà đầu tư lớn và khối tự doanh đảo danh mục sau một chu kỳ tăng giá khá dài tính từ đầu năm 2016.