Nhập nhèm nguồn gốc thực phẩm hữu cơ Organic

Theo phapluatplus.vn

Được nhiều người tin dùng về độ an toàn nhưng thực tế nhiều của hàng đã làm nhái các sản phẩm hữu cơ mà người tiêu dùng không hay biết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Không thuốc bảo vệ thực vật, không chất bảo quản, không biến đổi gen…là những ưu Việt của thực phẩm hữu cơ organic.Vì lẽ đó, hiện sản phẩm này đang được nhiều ưu tiên lựa chọn để đảm bảo sức khỏe.

Quá trình trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch được đảm bảo an toàn nên sản phẩm hữu cơ có giá cao từ 3- 4 lần so với sản phẩm thường.

Tại nhiều cửa hàng, siêu thị trên các tuyến phố Hà Nội như: Trần Thái Tông, Hoàng Đạo Thúy, Thái Hà, Nguyễn Trãi…sản phẩm rau cải ngọt, rau dền, mồng tơi 32.000 đồng/kg, mướp Nhật 70.000 đồng/kg, thịt lợn từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, thịt gà 230.000 đồng/kg, sữa đậu nành cho bé loại 900g giá 480.000 đồng, rau sống được trải qua 36 quy trình, người mua có thể bày ra đĩa ăn luôn…

Chị Chi ở Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) chia sẻ, thị trường tràn ngập thực phẩm bẩn, các cơ sở sản xuất rau hữu cơ đang được nhiều bà nội trợ tin dùng.

“Rau hữu cơ còn đắt hơn cả thịt nhưng trong thời điểm này, các loại rau thông thường sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, chất bảo quản nên thực phẩm hữu cơ luôn là lựa chọn hàng đầu”, chị Chi nói.

Theo chị Thùy ở quận Bắc Từ Liêm, thông tin về độ an toàn của thực phẩm hữu cơ đều thể hiện rõ trên bao bì. Tuy nhiên, làm thế nào đề nhận biết đó có phải là 100% sản phẩm hữu cơ.

“Người tiêu dùng chúng tôi không thể thẩm định được sản phẩm đó có phải là hữu cơ hay không? Được đơn vị nào cấp chứng nhận, cơ sở đó có đủ năng lực sản xuất hay không?...”, chị Vân lo ngại.

Bà Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Hà Nội (dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ) cho biết, hiện nay, tại thị trường phía bắc mới có 3 khu vực là Lương Sơn (Hòa Bình), Sóc Sơn (Hà Nội), Duy Tiên (Hà Nam) được công nhận là rau hữu cơ. Còn tại miền Nam, hiện đã có Hội An (Quảng Nam), Bến Tre là 2 điểm mới được công nhận rau hữu cơ đạt chuẩn PGS.

Theo bà Nhung, với từng ấy đơn vị sản xuất thì hiện nguồn cung không đủ cầu. Quá trình quản lý còn chưa chuyên nghiệp, thiếu sự hợp tác từ phía người trồng, sự liên kết giữa các sản phẩm,doanh nghiệp với nhau. Vì thế, việc sản phẩm rau hữu cơ bị làm “nhái”, mạo danh hoàn toàn có thể xảy ra.

Mới đây, hệ thống cửa hàng Mr Sạch hay cửa hàng Emart (Linh Đàm) vừa bị bị Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, hệ thống đảm bảo rau hữu cơ PGS đình chỉ tư cách thành viên một năm do sử dụng rau theo phương pháp hữu cơ nhưng chưa được chứng nhận, đồng thời sử dụng bao bì có logo của PGS tiêu thụ.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh cho hay, không thể phân biệt thực phẩm hữu cơ bằng mắt thường mà phải được chứng nhận tùy theo quy định của từng quốc gia. Muốn biết sản phẩm có phải là hữu cơ hay không thì phải xem nhãn hiệu bao bì. Có 3 mức độ công bố một sản phẩm là organic trên nhãn:

- 100% Organic: Là thực phẩm hoàn toàn là organic hoặc được làm từ các nguyên liệu organic.

- Organic: Thực phẩm có trên 95% nguyên liệu là organic.

- Made with Organic Ingredients (hoặc “Made with x% Organic Ingredients, với x nằm trong khoảng 70-95%): sản phẩm có ít nhất 70% thành phần nguyên liệu là organic.

Trường hợp có dưới 70% thành phần là organic thì không được công bố “Organic” trên mặt trước của nhãn mà chỉ được ghi “organic” trên danh mục thành phần nguyên liệu (ở mặt bên của sản phẩm) để cho biết thành phần nguyên liệu nào là organic.