Nhật Bản: An ninh mạng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Tháng 9/2015, Nhật Bản đã công bố chiến lược an ninh mạng mới trong 3 năm tiếp theo, thể hiện tư duy mới của lãnh đạo nước này về an ninh mạng như một trụ cột trong chính sách chấn hưng nền kinh tế.
Chiến lược an ninh mạng của Nhật Bản giai đoạn 2015 - 2018 được Nội các Nhật Bản công bố không lâu sau khi Nghị viện nước này thông qua luật quy định vai trò, thẩm quyền của Trung tâm quốc gia về sẵn sàng ứng phó sự cố và chiến lược an ninh mạng (NISC).
Theo luật này, NISC chịu trách nhiệm phát triển chiến lược quốc gia và các chính sách bảo đảm an ninh mạng của các Bộ, cơ quan chính phủ cũng như đầu mối hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Chiến lược an ninh mạng đề ra tầm nhìn về bảo đảm một không gian mạng tự do, công bằng và an toàn; đóng góp vào việc cải thiện tăng trưởng kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững; xây dựng một xã hội, trong đó, người dân sống cuộc sống an toàn và an ninh; bảo đảm hòa bình và ổn định trong cộng đồng quốc tế; đồng thời, giữ vững an ninh quốc gia.
Chiến lược an ninh mạng của Nhật Bản nhấn mạnh 5 nguyên tắc cơ bản được bảo đảm: Tự do thông tin; thượng tôn pháp luật; tính cởi mở của không gian mạng; khả năng tự trị của các bên tham gia trong không gian mạng và sự phối hợp giữa các bên liên quan trong không gian mạng.
Chiến lược này vạch ra những phương hướng chính sách về an ninh mạng như: Cải thiện sức sống kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững gắn liền với chính sách an ninh mạng (thông qua việc thiết lập hệ thống Vạn vật kết nối (IoT) an toàn; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp gắn với tư duy an toàn, an ninh mạng; cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực an ninh mạng); bảo đảm an ninh quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế về an ninh mạng, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển về an ninh mạng…
Theo “Chiến lược chấn hưng Nhật Bản” được Chính phủ Nhật Bản đề ra trước đó, an ninh mạng được thúc đẩy phát triển để trở thành một trong những ngành sản xuất quan trọng.
Theo đó, các cơ quan chính phủ liên kết chặt chẽ với tư nhân trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, tìm kiếm nhân tài, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đưa ra nhiều sáng kiến về an ninh mạng. các Quỹ của chính phủ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực này, biến an ninh mạng thành một trong các trụ cột tăng trưởng kinh tế của đất nước mặt trời mọc.
Theo tính toán của công ty điều tra chuyên về công nghệ thông tin IDC của Nhật Bản, nếu áp dụng các biện pháp siết chặt an ninh mạng, quy mô thị trường sản phẩm an ninh mạng của Nhật Bản sẽ tăng trung bình 4% mỗi năm, đạt giá trị 300 tỷ yen vào năm 2018, so với mức 258 tỷ yen của năm 2014. Nếu tính tổng cả dịch vụ và sản phẩm an ninh mạng, quy mô thị trường thế giới có thể đạt tới 10.000 tỷ yen mỗi năm.
Sự quan tâm của doanh nghiệp, cá nhân đối với an ninh mạng sẽ giúp thúc đẩy và mở rộng thị trường của ngành công nghiệp an ninh mạng như cung cấp dịch vụ quản lý hệ thống, phần mềm chống virus...
Nhật Bản cũng chủ trương tăng cường liên kết giữa chính quyền - doanh nghiệp - viện nghiên cứu, nhằm xây dựng chính sách thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp ứng dụng và sử dụng gói dữ kiện thông tin lớn (big data).