Nhật Bản áp dụng lãi suất âm: Con dao hai lưỡi
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vừa công bố lãi suất âm, trong khi tiếp tục bơm tiền kỷ lục vào nền kinh tế với kỳ vọng vào một cú kích thích tăng trưởng ngoạn mục. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo, biện pháp này của Chính phủ Nhật Bản có thể phản pháo.
Mục tiêu tăng trưởng
Trong phiên họp đầu năm kéo dài 2 ngày, ban lãnh đạo Ngân hàng BOJ đã thông qua mức lãi suất -0,1% đối với các tài khoản vãng lai, có hiệu lực từ ngày 16.2. Việc giảm lãi suất thấp ở mức thấp kỷ lục này nhằm giúp Nhật Bản duy trì lạm phát ở ngưỡng mục tiêu một cách bền vững. Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho biết, quyết định này nhằm giúp Nhật Bản tránh những rủi ro từ Trung Quốc và những nền kinh tế mới nổi, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Ông Kuroda còn cho hay, bằng việc áp dụng lãi suất âm, BOJ nhắm tới mục tiêu kích thích tiêu dùng và hoạt động đầu tư, khi khuyến khích các tổ chức tài chính và ngân hàng thương mại tăng cường cho vay, cũng như sử dụng tiền một cách hiệu quả.
Song song với hạ lãi suất dưới 0%, BOJ tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế, khi giữ nguyên chính sách tăng tiền cơ sở ở mức 80.000 tỷ yen (tương đương 677 tỷ USD) mỗi năm. Việc bơm tiền chủ yếu được thực hiện thông qua việc mua trái phiếu Chính phủ Nhật, cổ phiếu của Quỹ Giao dịch hoán đổi (ETF) và các quỹ đầu tư bất động sản. BOJ còn lùi thời hạn đạt mục tiêu lạm phát 2%, sau khi ngân hàng này hạ mục tiêu lạm phát trong năm tài chính tới, sẽ bắt đầu từ tháng 4, từ mức 1,4% xuống còn 0,9%.
Đây là lần thứ ba trong vòng chưa đầy 3 năm qua, BOJ nới lỏng chính sách tiền tệ một cách khá quyết liệt. Quyết định của BOJ cho thấy quyết tâm của Ngân hàng Trung ương trong việc cứu vãn tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát bền vững. Động thái của BOJ được đưa ra trong bối cảnh mục tiêu lạm phát ở mức 2% mà Chính phủ Nhật đề ra vẫn khó đạt được, một phần do giá dầu thế giới giảm sâu và trong bối cảnh tiền lương tăng chậm.
Theo thống kê mới nhất, lạm phát của Nhật Bản giảm từ mức 0,3% trong tháng 11 xuống 0,2% trong tháng 12.2015. Dự báo riêng của BOJ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng trong năm tài chính tới sẽ chỉ tăng 0,8%. Lạm phát thấp đặt ra nguy cơ giảm phát, khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu với kỳ vọng giá cả còn giảm thêm, khiến tăng trưởng của nền kinh tế trở nên trì trệ. Một số chuyên gia kinh tế dự báo, BOJ sẽ bổ sung các biện pháp kích cầu trong năm 2016.
Vòng luẩn quẩn
Chiến lược gia cao cấp của Công ty Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities Naomi Hasegawa nhận định, động thái của BOJ gây bất ngờ cho thị trường. Sau khi BOJ thông báo về việc nới lỏng thêm chính sách tiền tệ, chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản đã tăng vọt 3%. Trong khi đó, lợi tức trái phiếu chính phủ giảm 1% điểm xuống mức thấp kỷ lục 0,185% và đồng yen bị giảm 2% so với đồng USD của Mỹ.
Chốt phiên ngày 29.1 tại thị trường New York, đồng USD tăng mạnh so với đồng yen lên 121,14 JPY/USD, mức cao nhất trong vòng 6 tuần qua. Động thái của BOJ gây tổn hại đến vị thế “hầm trú an toàn” của đồng yen. Nhiều nhà đầu tư tin rằng, BOJ sẽ không còn khả năng kháng cự đồng nội tệ mạnh khi đang phải vật lộn với việc giữ cho kinh tế không rơi vào suy thoái.
Các nhà phân tích cho biết, việc BOJ áp dụng lãi suất âm còn khiến dòng tiền chảy khỏi Nhật Bản và đổ vào Mỹ nhiều hơn, khi tài sản định giá bằng USD được dự đoán tăng lên trong những năm tới. Đây là sự khác biệt giữa Mỹ và các nền kinh tế khác trên thế giới có nội tệ đang suy yếu, lãi suất giảm và ngân hàng trung ương liên tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Sự khác biệt này đã giúp USD tăng hơn 20% so với đồng tiền của các đối tác thương mại chủ chốt. Trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất ổn định trong phiên họp chính sách tháng 1, thì động thái của BOJ cho thấy quyết tâm của các ngân hàng trung ương khác trong việc đưa ra hành động để thúc đẩy tăng trưởng cũng như sự dễ tổn thương của thị trường trước những nỗ lực này.
Việc áp dụng chính sách tỷ giá tiêu cực có thể giúp Nhật Bản cách ly khỏi những ảnh hưởng xấu do biến động trên thị trường thế giới, do giá dầu thế giới giảm và những lo ngại về suy thoái kinh tế của Trung Quốc gây ra. Tuy nhiên, động thái này sẽ gây khó khăn hơn cho các nước khác, đặc biệt Trung Quốc, trong việc ổn định đồng tiền riêng của họ. Xét ở góc độ này, việc BOJ đưa ra lãi suất dưới 0% có thể làm tăng thêm sự hỗn loạn trên thị trường, trong khi đó chính là nguyên nhân khiến BOJ đưa ra động thái này, tạo nên một “vòng luẩn quẩn” về chính sách.