Nhật Bản cắt giảm lãi suất để vực dậy nền kinh tế
Từ ngày 16/2, Nhật Bản sẽ chính thức áp dụng mức lãi suất âm, đồng thời duy trì chương trình mua tài sản với khối lượng kỷ lục.
Quyết định được đưa ra ngày 29/1, sau 2 ngày Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nhóm họp, cụ thể BOJ sẽ cắt giảm lãi suất trên tài khoản hiện tại mà các ngân hàng thương mại đang nắm giữ còn -0,1%, và lãi suất sẽ còn thấp hơn nữa nếu cần. Động thái này về cơ bản khiến nhà băng phải tốn tiền khi giữ tiền ở ngân hàng trung ương.
Về lý thuyết, lãi suất âm khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn và người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn tiết kiệm. Nó cũng có thể làm suy yếu nội tệ của một nước, hỗ trợ xuất khẩu. Đây là bước đi mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng nhiều ngân hàng trung ương khác đã thực hiện.
Song song với hạ lãi suất về dưới 0%, BOJ cam kết sẽ tăng thêm cơ số tiền tệ (monetary base) mỗi năm 80.000 tỷ Yen (tương đương 677 tỷ USD). Việc bơm tiền này chủ yếu thông qua mua trái phiếu chính phủ Nhật, chứng chỉ quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) và chứng chỉ các quỹ đầu tư bất động sản.
Thông báo trên là động thái bất ngờ mới nhất mà Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda đưa ra trong nỗ lực thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. “Thống đốc Kuroda đã nổi tiếng với chuyện thay đổi khi có ít mong đợi nhất, và động thái hôm nay củng cố danh tiếng này”, chuyên gia Marcel Thieliant thuộc Capital Economics nói.
Biến động thị trường tài chính đầu năm 2016 đặc biệt gây khó cho Nhật Bản. Trước khi BOJ công bố lãi suất, cổ phiếu đã giảm khoảng 10% trong tháng 1 và đồng Yen Nhật đã mạnh lên. Trong khi đó, giá cả dầu thô lao dốc khiến BOJ càng khó đạt được mức lạm phát mục tiêu 2%.
BOJ cho hay, kinh tế Nhật Bản đang ở giữa giai đoạn phục hồi vừa phải, song vẫn thể hiện quan ngại về giá dầu lao dốc và triển vọng kinh tế các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc. Hiện không rõ có bao nhiêu đợt lãi suất âm nữa sẽ đến để hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. ECB từng sử dụng biện pháp này nhưng khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu vẫn tiếp tục chật vật với giảm phát.
“Với lãi suất đã ở mức thấp kỷ lục, chúng tôi không kỳ vọng các biện pháp sẽ đem lại tác động đáng kể đến nền kinh tế thực hay lạm phát của Nhật Bản”, nhà kinh tế Izumi Devalier tại ngân hàng HSBC nhận định.
Trên thực tế, từ lâu Nhật Bản đã gặp khó với tình trạng giảm phát, giá cả trì trệ bất chấp các biện pháp kích cầu của BOJ trong những năm gần đây, bao gồm chương trình mua trái phiếu lớn. Hiện tại, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe cố gắng kích thích kinh tế bằng cách tăng chi tiêu và thúc đẩy cải cách. Trong các bài phát biểu mấy tháng gần đây, ông Kuroda liên tục nhắc đi nhắc lại rằng BOJ quyết tâm “làm bất cứ việc gì” để đạt mục tiêu lạm phát. Tuyên bố này của ông sẽ bị thử thách nếu triển vọng lạm phát và tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tiếp tục xấu đi trong thời gian tới.
Thách thức mà BOJ đang phải đối mặt có nhiều điểm tương đồng với khó khăn mà các ngân hàng trung ương ở các quốc gia phát triển khác đang gặp phải. Lạm phát tại các nước này đều ở mức thấp dưới mục tiêu, một phần vì giá dầu thế giới giảm sâu.
Theo số liệu thống kê công bố sáng 29/1, lạm phát tháng 12 của Nhật Bản là 0,2%, giảm từ mức 0,3% trong tháng 11, so với mục tiêu 2% mà BOJ đề ra. Lạm phát thấp đặt ra nguy cơ giảm phát, khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu với kỳ vọng giá cả còn giảm thêm. Điều này khiến tăng trưởng của nền kinh tế trở nên trì trệ.
Sau động thái của BOJ, đồng USD tăng giá mạnh. Theo dự báo của giới chuyên gia, việc BOJ áp dụng lãi suất âm có thể khiến dòng tiền chảy khỏi Nhật Bản và đổ vào Mỹ. Động thái này cũng làm giảm sức hấp dẫn của đồng Yen Nhật với vai trò là đồng tiền trú ẩn an toàn.
Động thái bất ngờ của BOJ làm gia tăng mạnh mẽ niềm tin rằng các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới vẫn đang rất cẩn trọng với đà tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế.