Trung Quốc "cấm cửa" hải sản Nhật Bản sau vụ xả nước thải hạt nhân


Chính phủ Trung Quốc vừa thông báo sẽ cấm nhập khẩu mọi sản phẩm thủy hải sản từ Nhật Bản sau khi Tokyo bắt đầu đợt xả nước thải hạt nhân ra biển đầu tiên.

Theo đó, Cơ quan Hải quan Trung Quốc đã ra thông báo đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản có nguồn gốc Nhật Bản từ 24/8.

"Quyết định nhằm ngăn chặn toàn diện các rủi ro an toàn thực phẩm do ô nhiễm phóng xạ từ nước thải hạt nhân Fukushima gây nên. Chúng tôi bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng Trung Quốc và đảm bảo an toàn cho thực phẩm nhập khẩu”, cơ quan này cho biết.

Sò điệp nhập khẩu từ Nhật Bản được đo nồng độ phóng xạ tại chợ hải sản Noryangjin ở Seoul, Hàn Quốc hồi tháng 7/2023. (Ảnh: Reuters).
Sò điệp nhập khẩu từ Nhật Bản được đo nồng độ phóng xạ tại chợ hải sản Noryangjin ở Seoul, Hàn Quốc hồi tháng 7/2023. (Ảnh: Reuters).

Quyết định này được ra chỉ vài giờ sau khi Nhật Bản tiến hành xả nước thải hạt nhân qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương.

Phía Nhật Bản đã lập tức gửi kháng nghị tới Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao, yêu cầu Bắc Kinh hủy lệnh cấm.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu Chính phủ Trung Quốc cử chuyên gia thảo luận về tác động của việc xả nước thải đã qua xử lý ra đại dương dựa trên các bằng chứng khoa học” - Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chia sẻ với báo chí tại Tokyo ngày 24/8.

Hệ thống xả nước thải hạt nhân ra biển tại nhà máy Fukushima. (Đồ họa: Reuters)
Hệ thống xả nước thải hạt nhân ra biển tại nhà máy Fukushima. (Đồ họa: Reuters)

Trước đó, Nhật Bản đã thông báo sẽ xả tổng cộng 7.800 tấn nước thải đã qua xử lý từ khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển liên tục 24h mỗi ngày trong 17 ngày tới, kể từ 24/8. Đây là nhà máy hạt nhân đã bị hư hại nặng nề trong thảm họa động đất, sóng thần năm 2011.

Tokyo và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho hay nước được xử lý triệt để loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium, một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro.

Nhật Bản khẳng định nước thải sẽ dưới giới hạn nồng độ tritium trong nước thải là 1.500 Bq/l (becquerel/lít), thấp hơn 7 lần so với mức khuyến cáo của WHO là 10.000 Bq/l đối với nước uống. Dù vậy, đánh giá của IAEA và Nhật gây nhiều tranh cãi trong dư luận và giới chuyên gia.

Một số học giả cho rằng nước thải chứa tritium vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi chưa có nghiên cứu đầy đủ nào về tác động của tritium đối với môi trường và thực phẩm, dù xả nước thải chứa phóng xạ là hoạt động phổ biến của các nhà máy trên thế giới.

Năm 2011, ngay sau thảm họa kép ở Nhật Bản, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu thực phẩm và nông sản từ 5 tỉnh của Nhật Bản, sau đó mở rộng lên 12 tỉnh trước khi giảm còn 10 tỉnh.
Năm 2011, ngay sau thảm họa kép ở Nhật Bản, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu thực phẩm và nông sản từ 5 tỉnh của Nhật Bản, sau đó mở rộng lên 12 tỉnh trước khi giảm còn 10 tỉnh.

Từ tháng 7/2023, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu thực phẩm, đặc biệt là hải sản, từ 10/47 tỉnh của Nhật Bản, trong đó có Fukushima, đồng thời kiểm tra nghiêm ngặt các giấy tờ liên quan đến thực phẩm nhập từ các tỉnh còn lại của Nhật Bản.

Giới chuyên gia phân tích, lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản của Trung Quốc mang ý nghĩa chính trị hơn là kinh tế.

Dữ liệu Hải quan của Trung Quốc cho thấy, với kim ngạch khoảng 600 triệu USD thì 156.000 tấn hải sản Nhật Bản cung cấp cho Trung Quốc năm 2022 chỉ đóng góp chưa đến 4% tổng giá trị nhập khẩu hải sản trị giá 18,8 tỷ USD của nước này. Ecuador, Ấn Độ và Nga mới là những nhà cung cấp hải sản lớn nhất cho Trung Quốc.

Trong khi đó, con số 600 triệu USD cũng chỉ tương đương 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc mỗi năm, và chiếm chưa đến 0,09% tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 685 tỷ USD của đất nước mặt trời mọc.

"Do đó, tác động từ lệnh cấm này của Trung Quốc là không đáng kể", một chuyên gia nhận định.

Theo Tạp chí Công thương