Nhật Bản: “Vay 1 tặng 1”

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Nhật Bản, một trong những quốc gia nợ nần nhất thế giới, vừa đưa mình vào tình huống khá thú vị là “đã đi vay lại còn được trả phí”, khi lần đầu tiên trong lịch sử phát hành trái phiếu 10 năm có lợi tức âm.

Tính đến cuối tháng 12/2015, nợ công của Nhật Bản đã lên tới 10.000 tỷ USD. Nguồn: internet
Tính đến cuối tháng 12/2015, nợ công của Nhật Bản đã lên tới 10.000 tỷ USD. Nguồn: internet

Đối với một nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu, gánh trên vai số nợ gấp hơn hai lần GDP như Nhật Bản, thì tác động của quyết định này là rất lớn.

Ngày 1/3, chính phủ Nhật Bản đã bán 2.188 tỷ Yên (tương đương 427.840 nghìn tỷ đồng) trái phiếu lãi suất 0,1%, với mức giá trung bình 101,25 Yên, tức là lợi tức âm 0,025% nếu được giữ đến ngày đáo hạn. Theo thông tin từ Bộ Tài chính Nhật Bản, lượng đặt mua gấp 3,2 lần lượng phát hành và là lần đầu tiên, kể từ tháng 12/2015, chứng kiến nhu cầu nhà đầu tư tăng cao.

Hệ quảlogic

Hiểu một cách đơn giản thì nếu bỏ ra 101,25 Yên để mua trái phiếu mệnh giá 100 Yên của Nhật Bản rồi chờ đến ngày đáo hạn, nhà đầu tư nhận lại 100 Yên tiền gốc và 1 Yên tiền lãi. Cộng trừ một hồi sẽ cho kết quả là không những chẳng lãi đồng nào mà còn bị lẹm vốn 0,25 Yên.

Thực tế nghe có vẻ nghịch lý này lại là hệ quả logic của chính sách lãi suất cơ bản âm mà Nhật Bản bắt đầu áp dụng từ đầu năm nay, khi ngân hàng trung ương (BOJ) thu phí thay vì trả lãi tiền gửi của các ngân hàng thương mại. Lợi tức trái phiếu chính phủ vì thế mà rơi xuống dưới 0%, ban đầu là ở những kỳ hạn ngắn, sau đó tới kỳ hạn dài hơn.

Nhật Bản không phải là quốc gia đầu tiên trên thế giới tính lãi suất thực âm trên các khoản vay. Phần Lan hay Italia đã có ít nhiều kinh nghiệm trong việc phát hành loại trái phiếu hiếm thấy như vậy trong năm qua, trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước trên thế giới chuyển sang áp dụng những biện pháp ngày càng thắt chặt, để thúc đẩy nền kinh tế.

Tuy nhiên, đối với một nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và gánh trên vai số nợ gấp hơn hai lần GDP như Nhật Bản, thì tác động tiềm tàng là rất lớn. Đánh giá một cách tích cực, thì lợi tức trái phiếu âm giúp quốc gia Đông Á giảm nhẹ áp lực nợ công, mà tính tại thời điểm cuối tháng 12/2015, đã lên tới 10.000 tỷ USD. Nếu tính tương quan giữa nợ công và quy mô nền kinh tế, thì không một nước nào trên thế giới “sánh” được với Nhật Bản.

Các chuyên gia ước tính Nhật Bản có thể thu được khoảng 6 tỷ Yên từ số trái phiếu nêu trên và tiết kiệm xấp xỉ 568 tỷ Yên mỗi năm tiền lãi phải trả. Đó là những con số rất đáng mừng, nếu biết rằng trong năm tài khóa hiện tại, kết thúc vào 31/3, Nhật Bản phải “bấm bụng” dành hẳn 10,5% chi tiêu công chỉ để thanh toán lãi vay. Như vậy, sức ép nợ công có thể bớt đi ít nhiều tính cấp bách.

Hai mặtcủa một vấn đề

Nhưng nhìn từ khía cạnh tiêu cực, rủi ro cũng đang rình rập Nhật Bản. Việc giảm bớt được áp lực lãi suất có thể khiến Nhật Bản sốt sắng đi vay nhiều hơn, nhằm kích thích kinh tế sau hai thập kỷ trì trệ. Giới phân tích cho rằng nếu cứ “đi mượn trâu lại được tặng nghé” như kiểu phát hành trái phiếu lợi tức âm, thì động lực cải cách kinh tế cũng đứng trước nguy cơ “nguội” dần. Chính vì vậy, mà khi trả lời phỏng vấn báo chí, nguyên Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản, ông Heizo Takenaka, khuyến nghị chính phủ nên sẵn sàng một gói kích thích kinh tế khoảng 50 tỷ USD cuối năm nay.

Không ít chuyên gia cùng chung quan điểm rằng mức nợ công hiện nay của Nhật Bản chưa đáng lo ngại, là bởi có tới 90% trong số đó thuộc về các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, BOJ đang nắm giữ gần 1/3 tổng số nợ công và nếu lợi tức trái phiếu giảm hoặc xuống âm, thì giá trái phiếu sẽ tăng, kéo tổng nợ công tăng theo.

Trong khi đó, đối với nhiều nhà đầu tư, triển vọng thị trường sẽ khó khăn hơn trong thời gian tới. Gần 70% nợ công của Nhật Bản hiện đang giao dịch với lợi tức âm, còn nguồn cung trái phiếu dưới 10 năm thì vơi dần, do BOJ đẩy mạnh chương trình mua tài sản sau khi chính thức áp dụng lãi suất cơ bản âm trong tháng 2/2016.

Để có lợi nhuận, nhà đầu tư bắt đầu phải chuyển hướng sang nhóm nợ dài hạn hơn hoặc rủi ro hơn, như trái phiếu chính phủ 20 năm, trái phiếu nước ngoài hoặc trái phiếu doanh nghiệp.