Nhất quán quan điểm phục vụ doanh nghiệp
Mới đây, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đưa ra dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% so với năm ngoái, thấp hơn hẳn so với mục tiêu tăng trưởng 6,7% đã đề ra. Như vậy, gánh nặng đang dồn vào 3 tháng cuối năm với khát vọng tăng trưởng đến mức tối đa có thể, để tạo đà bứt phá trong năm sau. Điều đó trông đợi cả vào sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, mà ở đó nhấn mạnh vai trò điều hành của các cơ quan quản lý.
Bức tranh doanh nghiệp sáng dần lên
Trước hết, cần khẳng định phong trào phát triển doanh nghiệp đang trên đà hồi phục thật sự, rõ nét sau thời gian tạm thời trầm lắng. Trong 9 tháng, cả nước có thêm 81.451 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn 629 nghìn tỷ đồng; tăng 19,2% về số doanh nghiệp và tăng 49,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái.
Số vốn đăng ký bình quân tính trên mỗi doanh nghiệp cũng tăng hơn 25%. Bên cạnh đó, có 20,5 nghìn doanh nghiệp đã quay lại hoạt động, tăng gần 60% so với cùng kỳ. Kết quả này nâng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay lại hoạt động sau thời gian tạm dừng lên 102 nghìn doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, đây là bước chuyển rất đáng ghi nhận, có tính bứt phá và thể hiện tác dụng của những biện pháp hỗ trợ và phục vụ doanh nghiệp của Chính phủ, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng. doanh nghiệp ngày càng thấy rõ định hướng, củng cố niềm tin vào thị trường và tương lai phát triển.
Theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế đang trong xu hướng tăng trưởng nhanh hơn, với biểu hiện cụ thể là GDP tăng cao hơn qua các quý, trong khi giá trị nhập khẩu cũng tăng lên.
Thực tế này được chứng minh qua hoạt động sản xuất, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang “đói” nguyên liệu, vật tư đầu vào để đáp ứng các yêu cầu, đơn hàng của đối tác, bạn hàng trong thời điểm từ nay đến cuối năm.
Đáng ghi nhận là, tâm lý an tâm, vững tin vào tương lai kinh doanh đang phổ biến trong giới doanh nghiệp. Đơn cử, có hơn 80% số doanh nghiệp thuộc ngành chế biến, chế tạo tự đáng giá tình hình hoạt động có chiều hướng tốt hơn trong quý 3 vừa qua.
Hơn nữa, dự báo tình hình quý 4 sẽ còn khấm khá hơn trở thành yếu tố thúc đẩy tinh thần, khát vọng kinh doanh rất kịp thời đối với đội ngũ doanh nghiệp. Một số ngành được ghi nhận là đang trên đà tăng trưởng như bất động sản, hạ tầng du lịch, ngành sản xuất thiết bị, linh kiện phục vụ ngành lắp ráp sản phẩm điện tử, điện thoại, công nghệ thông tin, dịch vụ ngân hàng-tài chính.
Khẩn trương gạn đục, khơi trong
Những thực tế là, mong muốn chính đáng của doanh nghiệp chưa hoàn toàn được đáp ứng, nhất là đối với một rào cản bất hợp lý gây bức xúc và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong hội nghị lấy ý kiến về thủ tục hành chính do Bộ Công thương tổ chức mới đây, đại diện doanh nghiệp ngành dệt may lo ngại trước việc thực hiện miễn kiểm tra mẫu vải nhập khẩu chưa được thực hiện thống nhất giữa các đơn vị, cửa khẩu, gây lúng túng cho doanh nghiệp.
Các đơn vị nhập khẩu ô tô còn thấp thỏm hơn nhiều, khi đang đứng trước mùa làm ăn cuối năm-vốn là thời điểm “vàng” để tăng doanh thu, nhưng lại đứng trước khó khăn vì Thông tư 20 dù đã được kiến nghị bãi bỏ, mà chưa có văn bản khác thay thế.
Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phú, Nguyễn Tuấn cho rằng, đáng lẽ Thông tư 20 đã hết hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua, nhưng nay vẫn là rào cản đối với doanh nghiệp. Thời gian đối với doanh nghiệp là vô cùng quý giá và ông Tuấn đặt câu hỏi là đến bao giờ thì mọi việc được giải quyết để các đơn vị chủ động lên kế hoạch kinh doanh?
Thậm chí có ý kiến nghi ngờ, liệu có sự sắp đặt để doanh nghiệp phải chờ đợi và để gạt họ ra khỏi thị trường hay không… Ông Nguyễn Đình Quyết, Giám đốc Công ty Hưng Hà cũng nêu ý kiến cần bãi bỏ các điều kiện bất hợp lý tại Thông tư 20 để doanh nghiệp tự do phát triển theo thị trường; không nên phân biệt loại hình hay quy mô doanh nghiệp.
Ông Trần Trung Nhật, giám đốc Công ty gas Thái Dương (Tây Ninh) cho biết, quy định thương nhân phân phối phải có đủ 100 nghìn vỏ bình gas và bồn chứa chuyên dụng thể tích 300 m3 gần như sự thách đố đối với phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.
Điều này càng khó chấp nhận khi Chính phủ, chính quyền các địa phương đều xác định doanh nghiệp dân doanh là động lực quan trọng, cần khuyến khích trong phát triển kinh tế quốc gia.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, sự chuyển động của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp là rất quan trọng. Do đó, chỉ cần một thái độ thờ ơ, thiếu chia sẻ và đồng cảm tại một thời điểm nhạy cảm có thể làm mất hy vọng, thậm chí mất tương lai của một doanh nghiệp.
Việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả là mục tiêu liên tục với đòi hỏi ngày càng cải thiện về chất lượng, đồng thời là trách nhiệm của hệ thống cơ quan quản lý.
Đó cũng là yếu tố quan trọng nhất quyết định Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu có thêm 1 triệu doanh nghiệp trong 5 năm tới hay không. Hơn thế, sức sống của doanh nghiệp cần được đặt đúng tầm, với sự quan tâm thỏa đáng, kịp thời.