Nhiệm vụ "xây và chống" trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Những thành tựu to lớn của 38 năm đổi mới đã khẳng định đường lối và vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố then chốt quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, một bộ phận không nhỏ đảng viên, trong đó có những đảng viên cấp cao bị xử lý kỷ luật Đảng do suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng. Điều này đã góp phần tạo cơ hội cho những thế lực thù địch tăng cường chống phá và đưa ra những luận điểm sai trái, bóp méo, xuyên tạc, phủ nhận vai trò của Đảng và những thành tựu của công cuộc đổi mới. Nhìn sâu vào những vấn đề cốt lõi, then chốt sẽ có thể giúp tìm ra lời giải cho nan đề này.
Tôi vẫn còn nhớ như in đầu những năm 1980, cuộc sống của người dân khi ấy, ai ai cũng nghèo. Trong ký ức tuổi thơ của tôi, những bữa ăn mà tôi cảm thấy ngon nhất là những bữa ăn mà chỉ có cơm trắng trộn với mỡ và nước mắm. Đồ chơi của lũ trẻ con chúng tôi là những bùn đất, rơm rạ, hoa lá, cỏ cây và những mẩu giấy vụn. Sân khấu diễn kịch mỗi tối của chúng tôi là những chiếc ghế cũ kỹ kê liền sát cạnh nhau. Một năm, chúng tôi được bố mẹ may cho một bộ quần áo mới vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Mẹ tôi ngoài giờ làm việc còn tranh thủ chạy chợ để có thêm đồng ra, đồng vào cho gia đình.
Tất cả đã đổi khác kể từ sau quyết định đổi mới, mở cửa của Đảng năm 1986.
38 năm đã trôi qua, Đất nước thay da đổi thịt mỗi ngày. Đời sống người dân trên dải hình chữ S đều được cải thiện rõ rệt. Ký ức về một thời mà người người nhà nhà, ai ai cũng nghèo và những nhu cầu ăn, mặc, ở chỉ đủ đáp ứng ở mức tối thiểu, giờ chỉ còn là những kỷ niệm.
Nhìn lại cả một hành trình dài kể từ khi Đảng ra đời, có lẽ không ai có thể phủ nhận được vai trò to lớn và quan trọng không thể thiếu, không thể thay thế của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng một nước Việt Nam ngày càng thịnh vượng, phồn vinh, chất lượng đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, những năm gần đây, liên tiếp xảy ra các trường hợp một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên cấp cao bị xử lý kỷ luật Đảng với hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng, thậm chí khai trừ ra khỏi Đảng do suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng đã khiến suy giảm, xói mòn niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Và đây là cơ hội tốt cho các lực lượng chống phá, thù địch.
Nhìn nhận một cách khách quan thì các lực lượng chống phá, thù địch không phải đợi cho đến khi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong Đảng suy thoái tư tưởng chính trị, đao đức, lối sống thì mới xuất hiện, mà đã tồn tại ngay từ khi Đảng ta ra đời vào năm 1930. Khi ấy, lực lượng cách mạng non trẻ vừa mới ra đời đã phải tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại các âm mưu thủ đoạn chống phá của các lực lượng phản cách mạng, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam.
Đến năm 1986, Đất nước ta tiến hành sự nghiệp đổi mới, từng bước hội nhập quốc tế, và đặc biệt là sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các lực lượng thù địch, phản cách mạng lại đẩy mạnh âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” và tăng cường chống phá mạnh mẽ trên các mặt trận tư tưởng, lý luận.
Nhìn lại lịch sử để thấy, song hành với sự ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn có sự tồn tại, đeo bám của các lực lượng chống phá, bởi sự lớn mạnh và thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chính là sự thất bại của các thế lực thù địch.
Bền bỉ chống phá trong suốt 94 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và giành được chính quyền (1930-1945), cho đến khi Đảng dẫn dắt nhân dân đi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và giành được độc lập và thống nhất dân tộc (1945-1975), kể cả sau khi Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước thành công năm 1986 cho đến giai đoạn hiện nay, rõ ràng, những nỗ lực chống phá ấy không vì mục tiêu mang lại cuộc sống tự do, ấm no, thịnh vượng cho người dân, thứ mà Đảng đã làm được cho dân.
Trong bối cảnh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ các cán bộ đảng viên, trong đó có cả các cán bộ, đang viên cấp cao hiện nay, đặc biệt khi khoa học công nghệ mà đặc biệt là khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo đã có những phát triển mạnh mẽ và ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội thì việc các lực lượng chống phá, thù địch lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ và các ứng dụng của dữ liệu khối lớn và trí tuệ nhân tạo như là những công cụ, phương tiện để thực hiện âm mưu chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng với những cách thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt có thể phần nào sẽ gây ra những hiệu ứng và tác động tiêu cực tới niềm tin và tư tưởng của đông đảo quần chúng nhân dân.
Hơn lúc nào hết, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đạo đức cách mạng của người đảng viên cần được đặc biệt coi trọng. Tuy nhiên, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiệu quả trong bối cảnh của những khó khăn hiện tại thì cần nhìn sâu vào các vấn đề gốc rễ sau đây:
- Điều gì đã từng khiến cho Đảng được nhân dân tin tưởng, yêu mến và luôn đồng lòng sát cánh?
- Điều gì đã khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sẵn sàng đổ máu hy sinh, xả thân vì Tổ quốc trong thời chiến nhưng lại suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong thời bình?
- Nhân dân đã thực sự hiểu đúng và đủ về Đảng chưa và nếu chưa thì làm thế nào để giúp Nhân dân hiểu đúng và đủ về Đảng?
- Điều gì có thể giúp vô hiệu hóa những nỗ lực chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị?
Trả lời cho câu hỏi “Điều gì đã từng khiến cho Đảng được nhân dân tin tưởng, yêu mến và luôn đồng hành sát cánh?”, có lẽ, lời bài hát Vì nhân dân quên mình của tác giả Doãn Quang Khải sáng tác năm 1951 đã nói lên tất cả. Đây là bài hát đã giành được giải thưởng của Hội văn nghệ Việt Nam và cũng là bài hát truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam:
“Vì nhân dân quên mình
Vì nhân dân hy sinh
Anh em ơi vì nhân dân quên mình
Đoàn Vệ quốc chúng ta ở nhân dân mà ra
Được dân mến được dân tin muôn phần
Thề vì dân suốt đời
Thề tranh đấu không ngừng
Vì đất nước thân yêu mà hy sinh
Thề diệt hết đế quốc kia giành tự do hoà bình
Đoàn Vệ quốc quên mình vì nhân dân
Thề noi gương Bác Hồ
Vì nhân dân gian lao
Trong bao năm Người tranh đấu không ngừng
Người chỉ biết có dân ngày ngày lo sao cho
Toàn dân ấm toàn dân no được học hành
Người chỉ vui khi nào
Toàn dân hết đau thương
Người tranh đấu đem tương lai về cho dân
Đoàn Vệ quốc chúng ta là con yêu của Người
Thề noi gương suốt đời vì nhân dân”
Đảng không tự nhiên được sinh ra mà chính là từ những khổ đau của Nhân dân mà được sinh ra với sứ mệnh giải phóng nhân dân khỏi ách áp bức, bóc lột của ngoại bang xâm lược. Đảng chính là máu thịt của nhân dân, vì “toàn dân ấm, toàn dân no, được học hành” mà không ngừng tranh đấu, sẵn sàng hy sinh, để giành lại “tự do, hòa bình” cho nhân dân, để được thấy ngày “toàn dân hết đau thương”.
Chính lý tưởng sống tốt đẹp và tấm lòng vì dân mà xả thân hành động, lao mình vào gian khổ của những người đảng viên khi ấy là thứ đã thắp lên ngọn lửa tin và yêu trong trái tim của nhân dân. Nhân dân luôn biết ơn và trân trọng những sự hy sinh lớn lao vì Tổ quốc, Dân tộc ấy.
Những năm cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam lại đứng trước những thách thức lớn chưa từng có. Chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc chưa kết thúc. Các nguồn lực viện trợ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa cạn dần và gần như không còn nữa. Mô hình kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp bộc lộ ngày các rõ những khuyết điểm, khiến cho nền kinh tế rơi vào tình trạng khủng hoảng, trì trệ, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, nước ta lại bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận, hậu quả rất nặng nề, khiến cho nền kinh tế ngày càng tụt hậu và đời sống của người dân đã khó khăn lại càng thêm khó khăn hơn.
Đảng lại một lần nữa lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc đổi mởi, giúp nước ta thoát khỏi nạn nghèo đói, lạc hậu, đưa nền kinh tế xã hội thoát khỏi tình trạng trì trệ, yếu kém, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thắng lợi và đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 191/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, và trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước trên thế giới, bao gồm tất cả các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an, những nước lớn trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga, Trung Quốc hay các nước phát triển trong khu vực như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Sau 38 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986-2024), Đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Những thành tựu của 38 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 33 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Thực tiễn những gì diễn ra chính là những minh chứng sống động và hùng hồn nhất, chỉ cần hết lòng vì dân, lắng nghe nỗi khổ của dân trong mỗi quyết định và hành động thì Đảng sẽ luôn có nhân dân đồng hành bên cạnh và dù những thử thách có cam go đến đâu mà có nhân dân sát cánh, đồng lòng, ủng hộ thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua, thử thách nào cũng có thể chiến thắng.
Tất cả những gì mà Đảng đã làm được cho nhân dân, là những sự thật mà không thế lực thù địch nào có thể phủ nhận hay phát biểu bằng một sự thật khác. Bởi đó là những sự thật rõ ràng và hết sức hiển nhiên. Tuy nhiên, những thế hệ sau, chưa từng trải qua thời kỳ chiến tranh, gian khó, chưa từng được sống trong những hoài bão và lý tưởng tốt đẹp của Đảng, sẽ khó có thể hiểu hết được những giá trị tốt đẹp mà Đảng đã nỗ lực hết mình để mang lại cho nhân dân.
Quay trở lại với câu hỏi “Điều gì đã khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sẵn sàng đổ máu hy sinh, xả thân vì Tổ quốc trong thời chiến nhưng lại suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong thời bình?”, có đúng nguyên nhân là do những cám dỗ về vật chất, tiền bạc, quyền lực, danh tiếng và bản năng dục vọng hay không?
Sự thật là, từ cổ chí kim, những cám dỗ về vật chất, tiền bạc, quyền lực, danh tiếng... luôn tồn tại cùng với sự tồn tại của loài người. Bản đồ thế giới liên tục được vẽ lại chính là xuất phát từ những cám dỗ này. Những cuộc tranh giành quyền lực đẫm máu ở chốn thâm cung bí sử của các triều đại phong kiến cũng xuất phát từ những cám dỗ này. Nhưng hầu hết cán bộ đảng viên Đảng Cộng sản của thời chiến lại miễn nhiễm với những cám dỗ này. Vì sao lại thế?
Bởi thời chiến, những chiến sĩ đảng viên Đảng Cộng sản sống bằng những lý tưởng và hoài bão, lấy những hoài bão và lý tưởng sống cao đẹp làm kim chỉ nam định hướng, dẫn đường cho mọi suy nghĩ, cảm xúc và hành động. Họ được truyền cảm hứng sống, học tập và làm theo tư tưởng và những giá trị sống tốt đẹp, cao thượng của Bác, lối sống giản dị và một lòng vì nước, vì dân của Bác nên họ có thể vượt lên trên những cám dỗ đời sống tầm thường một cách dễ dàng.
Mà ngọn lửa của hoài bão, lý tưởng và những giá trị sống cao đẹp một khi đã cháy thì luôn bừng cháy mãnh liệt, rực rỡ và có khả năng lan tỏa mạnh mẽ.
Nên thời chiến, tuy là thời kỳ đỉnh điểm của những khó khăn, gian khổ và các điều kiện sống khắc nghiệt nhưng lại là thời kỳ mà con người được sống với nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao nhất, đúng nghĩa với chính mình nhất, với tất cả những gì cao cả và tốt đẹp nhất, nên đây cũng là thời kỳ mà sức mạnh của mỗi cá nhân cũng như sức mạnh của toàn dân tộc bộc lộ rõ ràng nhất, và đó chính là thứ đã làm nên những chiến thắng lịch sử, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác xúc động nghẹn ngào khi xem những thước phim chân thực về những ngày đêm mưa bom ở Thành Cổ Quảng Trị - nơi mà chỉ trong một đêm 4/7/1972, pháo đài bay B52 của Mỹ đã ném xuống 4000 tấn bom và chỉ trong một ngày 31/7/1972, khoảng 2 vạn quả đại bác cỡ lớn đã rơi xuống cày xới, tàn phá mảnh đất đau thương mà anh hùng này.
Nhưng kỳ lạ thay, giữa cuộc sống thiếu thốn và khó khăn trăm bề, giữa mưa bom bão đạn và cái chết cận kề trong gang tấc, những chiến sĩ, thanh niên xung phong vẫn hồn nhiên và vui vẻ sống, không chút lo lắng hay sợ hãi. Họ đối diện với những khó khăn hay cái chết một cách bình thản, nhẹ nhõm, bởi họ hiểu rằng, những hy sinh của mình là xứng đáng, vì những điều đẹp đẽ lớn lao hơn chính bản thân họ, đó là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, là cuộc sống hạnh phúc, ấm no của người dân.
Chỉ khi mất đi hoài bão và lý tưởng sống cao đẹp ấy, một bộ phận không nhỏ những cán bộ đảng viên mới mất đi nguồn sức mạnh tinh thần to lớn mà có thể che chắn, bảo vệ, giúp mình vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy và cám dỗ, để rồi sau đó mới trượt dài trong sự suy thoái về tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống.
Nhưng những khó khăn hiện tại mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang phải đối mặt, xét ở góc độ tích cực thì lại là cơ hội để tập hợp sức mạnh dân tộc và tạo ra những chuyển biến, thay đổi, lột xác ngoạn mục.
Tuy nhiên, để tập hợp được sức mạnh dân tộc và tạo ra được những chuyển biến mạnh mẽ thì cần trả lời được câu hỏi “Nhân dân đã thực sự hiểu đúng và đủ về Đảng chưa và nếu chưa thì làm thế nào để giúp nhân dân hiểu đúng và đủ về Đảng?”
Với những người dân mà đã từng đi qua những năm tháng chiến tranh, đã từng trải qua những khó khăn gian khổ, họ sẽ hiểu hơn ai hết sứ mệnh thiêng liêng, sức mạnh trí tuệ, cũng như khả năng lãnh đạo, dẫn dắt nhân dân vượt qua khó khăn thử thách của Đảng.
Sức mạnh truyền thông của thời kỳ này đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp người dân hiểu rõ sứ mệnh, đường lối, chiến lược của Đảng, lý tưởng, hoài bão, những giá trị sống tốt đẹp và những cống hiến hy sinh lớn lao của những người chiến sĩ đảng viên Đảng Cộng sản, vì một nền độc lập và giải phóng dân tộc, vì một cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của người dân. Bởi những người chiến sĩ đảng viên Đảng Cộng sản được sinh ra từ dân, sống, chiến đấu, lao động và hy sinh gian khổ vì dân, nên giữa họ và dân không có sự phân biệt, mà hòa hợp thương quý lẫn nhau.
Thời kỳ này, các phương tiện truyền thông và thông tin liên lạc giữa các cá nhân về cơ bản hạn chế. Nhưng chính trong bối cảnh sự hạn chế của các phương tiện thông tin và truyền thông đó, mà người ta lại thấy được sức mạnh của truyền thông tương tác.
Những câu chuyện về Bác, vị cha già dân tộc, một vị Chủ tịch nước nhưng rất đỗi khiêm tốn, giản dị, luôn hòa mình vào dân và quan tâm gần gũi quần chúng nhân dân đã khiến cho nhân dân cảm động và kính yêu sâu sắc. Niềm tin và tình yêu của người dân đối với Đảng, với Bác lại được nhân lên gấp nhiều lần khi họ được trực tiếp gặp gỡ và trò chuyện cùng Bác để hiểu hơn về nhân cách vĩ đại, lối sống thanh cao, giản dị và đạo đức cách mạng sáng ngời của Bác, được tận mắt chứng kiến cảnh Bác, dù bận trăm công nghìn việc, vẫn xắn quần lội ruộng, cuốc đất cùng người dân, tắm rửa săn sóc cho trẻ nhỏ, thăm hỏi, nhường cháo cho người già.
Chính bởi thời kỳ ấy, Bác và các đảng viên Đảng Cộng sản hòa mình vào dân, nghĩ những điều dân nghĩ, làm những điều dân làm, cảm nhận những điều dân cảm nhận, lắng nghe và thấu hiểu những nỗi khổ của dân, chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của dân như chính máu thịt của mình, mà dân cũng coi Bác và Đảng như máu thịt và sự sống còn của chính mình vậy.
Những ngày tháng chiến tranh gian khổ, Đảng và những chiến sĩ cách mạng sống giữa lòng nhân dân, được nhân dân che chở, bảo vệ và hết mình ủng hộ, dân thì được tiếp xúc trực tiếp với những chiến sĩ cách mạng, được chứng kiến những đổ máu, gian khổ, hy sinh của những người đảng viên Đảng Cộng sản, được thấu hiểu sâu sắc những hoài bão, lý tưởng và những giá trị sống hướng thượng, cao đẹp của họ, nên có lòng tin sâu sắc vào Đảng và sự nghiệp giải phóng dân tộc vĩ đại của Đảng.
Khi trong lòng đã có một tình yêu và một niềm tin kiên định và sâu sắc thì chỉ cần những bài hát, những bài thơ hay những bức tranh cổ động nói lên sự thật một cách đầy giản dị thôi đã đủ khiến cho nhân dân xúc động, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước và thôi thúc hành động mạnh mẽ.
Trong thời đại mà các phương tiện thông tin truyền thông phát triển lớn mạnh và sâu rộng như ngày nay, khi điện thoại, Internet và các kết nối mạng đã giúp cho con người có thể thông tin liên lạc với nhau thật dễ dàng, xóa nhòa đi những khoảng cách về địa lý thì những tương tác, tiếp xúc trực tiếp để có thể lắng nghe, cảm nhận và thấu hiểu nhau một cách dễ dàng giữa con người với con người lại trở nên hạn chế và từ đó dẫn đến những khoảng cách. Khi khoảng cách giữa Đảng và nhân dân được tạo ra thì cũng chính là kẽ hở cho những lực lượng chống phá, thù địch lợi dụng để bóp méo, xuyên tạc lịch sử và những sự thật về Đảng.
Khi không được tiếp cận đến sự thật về Đảng một cách trọn vẹn và đầy đủ, quần chúng nhân dân sẽ dễ tin vào những thông tin mà mình được tiếp nhận và lung tin niềm tin đối với Đảng và sứ mệnh thiêng liêng của Đảng khi thường xuyên tiếp nhận những thông tin phản bác, tiêu cực, trái chiều.
Nên để nhân dân có thể hiểu đúng và đủ về Đảng thì Đảng cần thay đổi cách tiếp cận với quần chúng nhân dân, xóa đi khoảng cách, hòa mình vào dân để nhân dân có thể tiếp cận đến sự thật của Đảng một cách chân thực nhất.
Và hơn lúc nào hết, hoài bão và lý tưởng sống cao đẹp của người đảng viên Đảng Cộng sản cần được khơi dậy và bắt đầu từ những người đứng đầu, không chỉ bằng lời nói, mà thể hiện chân thật qua những hành động cụ thể, không chỉ trong công việc mà trong cả nề nếp, phong cách, lối sống, để qua đó, người dân có thể tiếp xúc trực tiếp, tận mắt chứng kiến, trực tiếp cảm nhận để có thể tin tưởng vào những người chiến sĩ cộng sản, thấu hiểu sứ mệnh thiêng liêng của Đảng, từ đó vun đắp niềm tin và tình yêu đối với Đảng.
Quay trở lại với câu hỏi mấu chốt trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: “Điều gì sẽ có thể giúp vô hiệu hóa những nỗ lực chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị?”.
Những nỗ lực chống phá, các quan điểm sai trái thù địch của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chỉ có thể phát huy được tác dụng khi có sự chia rẽ giữa Đảng và quần chúng nhân dân. Và khi đã có sự chia rẽ thì mọi nỗ lực tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch sẽ gần như không phát huy hiệu quả.
Nên để có thể vô hiệu hóa những nỗ lực chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thì điều kiện tiên quyết là Đảng và các đảng viên Đảng Cộng sản cần hòa mình vào với dân làm một, nghĩ những điều dân nghĩ, cảm nhận những điều dân cảm nhận, lắng nghe và thấu hiểu những nỗi khổ của dân, chia sẻ với những khó khăn của dân như chính máu thịt của mình, có như vậy thì dân với Đảng mới có thể trở thành một khối đại đoàn kết dân tộc không thể chia rẽ, không thể tách rời và cũng không thể bị công phá bằng bất cứ công cụ hay phương tiện nào, hay bởi bất cứ luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ nào.
Trong giai đoạn mà Đảng phải đối diện với những khó khăn, thử thách to lớn, đe dọa tới sự tồn vong của Đảng như hiện nay, để công tác xây dựng Đảng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiệu quả, bên cạnh việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch theo cách làm truyền thống mà đã chứng minh tính hiệu quả thì cần nhìn sâu vào bản chất cốt lõi và gốc rễ của vấn đề để có những thay đổi, điều chỉnh, chuyển ngoặt quyết liệt, triệt để và kịp thời.
Và lời căn dặn của Bác lúc sinh thời “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” vẫn luôn luôn đúng.