Nhiều “đại gia” bất động sản nợ lớn
Tính đến cuối năm 2017 có hơn 20 doanh nghiệp bất động sản có số nợ ngân hàng phải trả khá lớn với tổng số tiền lên tới hơn 130.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp có số nợ ngân hàng cao hơn vốn sở hữu.
Kết thúc năm 2017, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã công bố lãi lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, đánh dấu một năm bất động sản sôi động và dự báo triển vọng tiếp theo trong năm 2018. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều doanh nghiệp lớn, có tên tuổi đang vướng phải hạng mục nợ phải trả quá lớn.
24 doanh nghiệp nợ 130.000 tỷ đồng
Theo Vụ tín dụng các ngành Kinh Tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 31/7/2017, dư nợ cấp tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản tăng khoảng 4% so với 31/12/2016, chiếm tỷ trọng khoảng 9% dư nợ đối với nền kinh tế.
Còn theo Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm cuối năm 2017, tồn kho bất động sản (BĐS) trên cả nước còn khoảng 26.000 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng 12/2016. Tỷ lệ nợ xấu đầu tư kinh doanh bất động sản đã giảm mạnh, từ 7,05% năm 2013 xuống còn 4,06% hiện nay.
Như vậy, theo các số liệu từ các cơ quan chức năng đưa ra, thị trường bất động sản năm 2017 khả quan, năm 2018 sẽ được tiếp đà phát triển.
Tuy nhiên, một báo cáo mới đây cho thấy, tính đến hết năm 2017, nhiều “đại gia” bất động sản nợ phải trả quá lớn, cao nhất là hơn 35.968 tỷ đồng và ít nhất là hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo tính toán của phóng viên, 24 doanh nghiệp có tổng số nợ hơn 130.000 tỷ đồng (danh sách này đã loại trừ Vingroup do công ty này đã được công nhận là đa ngành). Thậm chí một số doanh nghiệp có mức nợ phải trả cao hơn vốn chủ sở hữu.
Xét theo giá trị tuyệt đối, tính đến cuối 2017, công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Novaland đứng đầu danh sách những doanh nghiệp bất động sản niêm yết có nợ phải trả lớn nhất, lên đến mức hơn 35.968 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm 2017.
Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai có số nợ hơn 7.412 tỷ đồng; công ty cổ phần phát triển Bất động sản Phát Đạt 7.115 tỷ đồng; Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc 6.741 tỷ đồng; công ty cổ phần phát triển Hạ tầng Kỹ thuật 6.338 tỷ đồng; công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) 6.070 tỷ đồng; công ty cổ phần đầu tư Nam Long 4.198 tỷ đồng… và ít nhất trong danh sách này là công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh 1.062 tỷ đồng.
Novaland đứng đầu danh sách nợ phải trả tính đến 13/12/2017 hơn 35.968 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu 12.286 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính của công ty này, tính đến ngày 30/6/2017, hàng tồn kho còn hơn 20.000 tỷ đồng (tăng hơn 5.000 tỷ đồng so với 30/12/2016). Điều đó cho thấy, số nợ phải trả của Novaland còn tồn đọng trong số hàng tồn kho khá lớn.
Tính đến hết năm 2017, nhiều “đại gia” bất động sản nợ phải trả quá lớn, cao nhất là hơn 35.968 tỷ đồng và ít nhất là hơn 1.000 tỷ đồng.
Nợ cao hơn vốn chủ sở hữu
Hàng loạt các “ông lớn” khác cũng tương tự như Novaland số nợ phải trả cao hơn vốn chủ sở hữu, đó là công ty cổ phần phát triển Bất động sản Phát Đạt nợ 7.115 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu 1.625 tỷ đồng, hàng tồn kho còn hơn 5.147 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai trong năm 2017 nợ phải trả lên đến hơn 7.412/4.011 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, hàng tồn kho 5.540 tỷ đồng.
Trong danh sách còn có SCR nợ phải trả 6.070 tỷ đồng, công ty có 3.487 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Công ty này doanh thu năm 2017 đạt 1.814 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 218 tỷ đồng (tăng gần 40 tỷ đồng so với năm 2017).
Tại Đại hội cổ đông bất thường tổ chức hồi tháng 12/2017, ban lãnh đạo SCR cho biết nợ vay tăng lại do SCR phải đẩy nhanh việc đón đầu cơ hội đầu tư phát triển các dự án mới, tuy nhiên việc tăng nợ hoàn toàn nằm trong khả năng cân đối tài chính của SCR.
Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest còn 915 tỷ đồng hàng tồn kho (năm 2016 là 1.131 tỷ đồng), trong khi công ty có vốn chủ sở hữu 1.850 tỷ đồng cao hơn so với nợ phải trả năm 2017.
Riêng đối với công ty cổ phần phát triển Bất động sản Phát Đạt, công ty này có thông báo ngày 03/01/2018 đã trả dứt điểm toàn bộ các khoản nợ gốc trái phiếu, nợ vay và các khoản lãi phát sinh cho các trái chủ và Ngân hàng Đông Á.
Điều này thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm của Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành trong việc thực hiện đúng cam kết sẽ trả dứt điểm toàn bộ các khoản nợ gốc trái phiếu, nợ vay và các khoản lãi phát sinh cho Ngân hàng Đông Á trước ngày 31/12/2017.
Qua các số liệu trên cho thấy, sự mất cân đối trong cơ cấu tài chính không chỉ ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn xảy ra tại các doanh nghiệp lớn. Sự mất cân đối trong cơ cấu tài chính thường xảy ra từ nội tại bên trong và yếu tố bên ngoài tác động vào.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lạc quan cho rằng lĩnh vực bất động sản vẫn có tín hiệu tích cực trong năm 2018 khi được tiếp đà bởi định hướng của Chính phủ cơ cấu lại các sản phẩm bất động sản và chính sách cho vay lãi thấp để phát triển sản xuất.