Nhiều điểm mới trong thông tư hướng dẫn về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Trọng Đồng

Thông tư số 14/2022/TT-BTC ngày 28/02/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2017/TT-BTC ngày 15/5/2017 và Thông tư số 04/2021/TT-BTC ngày 15/01/2021 của Bộ Tài chính về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 28/02/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2017/TT-BTC ngày 15/5/2017 hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Thông tư số 04/2021/TT-BTC ngày 15/01/2021 của Bộ Tài chính quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/01/2021 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Được thỏa thuận thay đổi thời hạn thanh toán phí bảo hiểm, nợ phí bảo hiểm

Thông tư số 14/2022/TT-BTC đã bổ sung quy định về thỏa thuận thay đổi thời hạn thanh toán phí bảo hiểm hoặc thỏa thuận nợ phí bảo hiểm. Theo đó, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận thay đổi thời hạn thanh toán phí bảo hiểm hoặc thỏa thuận nợ phí bảo hiểm mà không cần tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán phí bảo hiểm khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện.

Cụ thể, bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm (bao gồm trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) tại các địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ hoặc các khu vực bị cách ly y tế, phong tỏa ổ dịch để kiểm soát dịch bệnh COVID-19 theo văn bản của cấp có thẩm quyền hoặc địa phương được xác định cấp độ dịch COVID-19 là nguy cơ rất cao, nguy cơ cao theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Đồng thời, bên mua bảo hiểm phát sinh nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2021 cho đến khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19. Trong mọi trường hợp, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm không vượt quá thời hạn bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm.

Có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn bảo hiểm

Thông tư số 14/2022/TT-BTC cũng bổ sung quy định về thỏa thuận kéo dài thời hạn bảo hiểm. Theo đó, chủ xe cơ giới và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn bảo hiểm tương ứng thời gian xe cơ giới không tham gia giao thông, không hoạt động do áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo phù hợp pháp luật kinh doanh bảo hiểm, pháp luật dân sự và quy định pháp luật có liên quan khi đáp ứng điều kiện quy định.

Điều kiện cụ thể là chủ xe cơ giới tại các địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc các khu vực bị cách ly y tế, phong tỏa ổ dịch để kiểm soát dịch bệnh COVID-19 theo văn bản của cấp có thẩm quyền hoặc địa phương được xác định cấp độ dịch COVID-19 là nguy cơ rất cao, nguy cơ cao theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2021 cho đến khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19.

Quy định về tỷ lệ của từng nội dung chi của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới

Một điểm mới khác của Thông tư số 14/2022/TT-BTC là sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ của từng nội dung chi của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 01/3/2021 cho đến khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19, Hội đồng Quản lý Quỹ bảo hiểm xe cơ giới có thể đề xuất Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam báo cáo Bộ Tài chính xem xét, cho phép sử dụng số dư Quỹ các năm trước cho các nội dung chi quy định. Mức chi của từng nội dung này không vượt quá tỷ lệ quy định tương ứng với mức tối đa 1%.

Thông tư số 14/2022/TT-BTC ngày 28/02/2022 được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ khi cung cấp, tham gia loại hình bảo hiểm này.