Bộ trưởng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng:

Nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình

PV.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận, trong đó có công tác thu ngân sách.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tiếp xúc với cử tri huyện Yên Khánh.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tiếp xúc với cử tri huyện Yên Khánh.

Ngày 20/11/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa 14 tỉnh Ninh Bình có buổi tiếp xúc cử tri các xã của huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội; bà Nguyễn Thị Thu Hà - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh và các đại biểu Quốc hội của tỉnh Ninh Bình. Cùng dự còn có Lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện một số Sở, ban, ngành của tỉnh Ninh Bình và huyện Yên Khánh.

Nhiều chính sách tài khóa kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Tại buổi tiếp xúc, đại diện đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã thông báo kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đến cử tri. Theo đó, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, đồng thuận cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp.

Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin thêm một số nội dung liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách năm 2020.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, với những diễn biến bất thường của thiên tai như mưa đá, lũ ống, lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long; mưa lũ, ngập lụt ở các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân, cũng như triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020.

Trước tình hình trên, quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện mục tiêu kép “vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Quốc hội và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp, chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi tiếp xúc.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi tiếp xúc.

Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm; nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân; giảm tiền thuê đất; gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất; gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước. Đồng thời, ban hành theo thẩm quyền 21 thông tư giảm, miễn các loại phí, lệ phí...

Theo Bộ trưởng, các chính sách trên đã góp phần giảm, giãn khoảng 100 nghìn tỷ đồng nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, giúp giảm bớt khó khăn về dòng tiền, tăng tích tụ vốn cho doanh nghiệp.

Đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước trong bối cảnh nguồn thu giảm

Về tình hình thu ngân sách, Bộ trưởng cho biết, thu ngân sách nhà nước 10 tháng đầu năm đã phản ánh rõ những khó khăn của doanh nghiệp và tác động của các chính sách miễn, giảm thuế, phí. Cụ thể, thực hiện thu ngân sách nhà nước 10 tháng đạt 75,2% dự toán, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019, là mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Số ước thu ngân sách nhà nước năm nay giảm khoảng 190 nghìn tỷ (12,5%) so với dự toán.

Trong điều kiện thu ngân sách nhà nước giảm, một số khoản chi phát sinh tăng lớn, để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo các giải pháp tiết kiệm chi như: cắt tối thiểu 70% công tác phí trong nước, nước ngoài; tiết kiệm thêm 10% kinh phí thường xuyên ngoài lương và các khoản tiết kiệm khác (được khoảng 17,4 nghìn tỷ đồng).

Cùng với đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động bố trí các nhiệm vụ chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công, triệt để tiết kiệm, dành nguồn kinh phí phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai và xử lý các nhiệm vụ quan trọng, đột xuất phát sinh ngoài dự toán.

Nhờ đó, ngân sách nhà nước vẫn đảm bảo được yêu cầu chi tiêu cho các nhiệm vụ quan trọng, kể cả các nhiệm vụ cấp bách phát sinh do thiên tai, dịch bệnh, cho quốc phòng an ninh và đảm bảo nguồn cho đầu tư phát triển theo dự toán năm 2020.

Phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của địa phương

Đối với tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận.

Trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2020 của Tỉnh ước đạt 19.100 tỷ đồng, vượt 32,2% dự toán Hội đồng nhân dân giao, tăng 14,8% so với năm 2019; cơ cấu thu chuyển dịch theo hướng tích cực, bền vững; Tốc độ tăng trưởng đạt 6,78%; Công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo thực hiện.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ghi nhận và đánh giá cao những thành quả tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong thời gian vừa qua và tin tưởng, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển theo hướng bền vững.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Yên Khánh cũng kiến nghị tới đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh nhiều vấn đề như: chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông; sản xuất nông nghiệp; trợ cấp xã hội; xây dựng nông thôn mới; công tác phòng, chống dịch Covid-19; về bình đẳng giới...

Bà Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh đã tiếp thu và làm rõ một số vấn đề mà cử tri quan tâm. Đối với kiến nghị thuộc thẩm quyền Trung ương, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình sẽ tổng hợp và gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng xem xét, giải quyết.