Nhiều giải pháp giúp ngành Bán lẻ thích nghi với tình hình kinh tế khó khăn


Hiện nay, nhiều “ông lớn” trong ngành Bán lẻ tại Việt Nam đã và đang sử dụng nhiều biện pháp để kịp thời ứng phó, thích nghi trước khó khăn chung của nền kinh tế.

Ngành Bán lẻ sẽ có nhiều cơ hội nhưng đi kèm với những thách thức vô cùng lớn trong năm 2023
Ngành Bán lẻ sẽ có nhiều cơ hội nhưng đi kèm với những thách thức vô cùng lớn trong năm 2023

Cắt giảm để tối ưu lợi nhuận

Dự báo về ngành Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam, theo các chuyên gia, ngành này sẽ có nhiều cơ hội nhưng đi kèm cùng những thách thức vô cùng lớn trong năm 2023. Kim ngạch của ngành có thể đạt 5.900 - 6.200 tỷ USD, tăng khoảng 8 - 10%.

Mới đây, thị trường bán lẻ Việt Nam đang gây chú ý khi ông lớn Thế giới di động vừa có một loạt động thái như "xóa bỏ" một số thương hiệu chuỗi bán lẻ, cắt giảm hàng nghìn nhân sự.

Cụ thể, Thế giới di động đang mạnh tay đóng cửa toàn bộ hàng chục cửa hàng của chuỗi thương hiệu bán đồ thể thao, cũng như hơn 40 cửa hàng điện máy trước đó đã mở rộng đầu tư ra Campuchia, với lý do chung là do các chuỗi này không có tiềm năng đóng góp doanh thu, lợi nhuận đáng kể.

Theo báo cáo tài chính của Thế giới di động, trong 3 tháng cuối năm 2022, nhà bán lẻ này cắt giảm hơn 7.000 nhân viên, khoảng 4% quy mô nhân sự.

Giới phân tích lý giải, đây là động thái để cải thiện biên lợi nhuận để ứng phó với tình trạng doanh thu, lợi nhuận sụt giảm.

"Ngay cả trong giai đoạn thuận lợi, việc xoay chuyển, diễn biến nhanh của ngành bán lẻ đã diễn ra vì đây là đặc điểm của ngành. Trong giai đoạn khó khăn tần suất sẽ được đẩy nhanh hơn nữa để tối ưu hiệu quả", bà Nguyễn Hoàng Bích Ngọc - Trưởng Phòng Phân tích Khối Doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết.

Năm 2022, lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ lớn có niêm yết đều sụt giảm. Thế giới di động, FPT Retail đều ghi nhận mức giảm hơn 10% so với năm trước đó. Một số ông lớn bán lẻ khác như Saigon Co.op, Central Retail cho biết doanh thu năm 2022 phục hồi đáng kể so với trước dịch. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải dùng nhiều cách để cắt giảm, tối ưu chi phí.

"Chúng tôi cố gắng tiết giảm nhiều nhất có thể tất cả các loại chi phí phát sinh trong chuỗi cung ứng. Ngay từ khâu đàm phán giá với đối tác cho đến khi sản phẩm đó được bán đến tay người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực để đạt hiệu quả", ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, thông tin.

Tập trung vào thế mạnh, gia tăng hiệu quả hoạt động

Theo báo cáo ngành bán lẻ do hãng tư vấn McKinsey vừa công bố, 60% người tiêu dùng Việt tìm cách tiết kiệm tối đa khi mua sắm. Dù vậy, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng tổng chi tiêu hiện đạt 5,5% một năm, cao hơn mức chung của khu vực, cho thấy thị trường vẫn còn nhiều cơ hội.

"Năm 2023 sẽ tương đối khó khăn vì nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ không cao. Tuy nhiên tôi cho rằng nhìn chung người Việt Nam vẫn có thu nhập tăng, đặc biệt ở các khu vực ngoài các thành phố lớn. Vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, chỉ là chúng ta sẽ phải chờ đợi lâu hơn để thị trường bật tăng trở lại", ông Matthieu Francois - Giám đốc Hợp danh, McKinsey Việt Nam nhận định.

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đánh giá thị trường bán lẻ trong thời gian tới, sau đại dịch COVID-19, xu thế tiêu dùng của khách hàng có sự thay đổi. Theo đó, người tiêu dùng chú trọng hơn tới hàng hóa thiết yếu, các hàng hóa được sản xuất theo hướng " xanh" với tiêu chuẩn cao. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam không thể "bỏ qua" xu hướng này.

Mặc dù năm 2022 tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 20%, tuy nhiên cấu trúc việc tiêu thụ hàng hóa đang dần thay đổi theo chiều hướng tập trung vào những hàng hóa thiết yếu.

Bên cạnh đó, có sự dịch chuyển kênh phân phối từ hiện đại sang truyền thống, thị phần bán lẻ hiện đại từ mức 24% trong dịch COVID-19 đã giảm còn 18% trong năm 2022. Điều này đang đi ngược lại với xu hướng của thế giới. Quốc gia láng giềng Thái Lan có tốc độ tăng trưởng này lên đến 60%.

Ngoài ra, hiện có rất nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng lớn nước ngoài đang quan tâm tới thị trường 100 triệu dân tại Việt Nam. Điều này dẫn đến áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa ngày càng tăng.

“Thực tế này buộc doanh nghiệp trong nước phải cân nhắc kênh bán hàng tối ưu, tập trung vào lĩnh vực thế mạnh để gia tăng hiệu quả hoạt động trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cạnh tranh thị trường gay gắt hơn. Ngoài ra, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu mà doanh nghiệp cần phải chuẩn bị”, ông Đức nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo giới quan sát đánh giá, điểm tích cực trong khó khăn là các nhà bán lẻ có xu hướng đẩy nhanh tốc độ vòng quay tiền mặt, giảm hàng tồn kho, ít nợ xấu, thể hiện nỗ lực tăng trưởng một cách bền vững. Sự sụt giảm lợi nhuận sẽ chưa gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp, ít nhất là trong ngắn hạn.

 

Theo Vũ Vũ/kinhtemoitruong.vn