Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội Mai Sơn:
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm thu ngân sách
Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến thu ngân sách nhà nước do ngành Thuế Hà Nội quản lý trong 4 tháng đầu năm 2020 và dự báo sẽ còn ảnh hưởng trong thời gian tới. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn xung quanh việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cũng như giải pháp bảo đảm thu ngân sách năm 2020 của ngành Thuế Thủ đô.
Thu ngân sách giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Phóng viên: Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội; nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, chắc chắn sẽ tác động đến việc thu ngân sách. Xin ông cho biết tình hình thu ngân sách của ngành Thuế Hà Nội trong 4 tháng qua?
Ông Mai Sơn - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội: Thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2020 do Cục Thuế thành phố Hà Nội thực hiện đạt 84.847 tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán, 103,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu từ dầu thô là 1.747 tỷ đồng, đạt 83,2% dự toán, bằng 127,9% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu nội địa thực hiện 83.100 tỷ đồng, đạt 32,2% dự toán, bằng 103,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh 4 tháng ở mức thấp, đạt 29,5% dự toán, bằng 88,8% so cùng kỳ năm trước.
Kết quả trên cho thấy dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến công tác thu ngân sách. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
Theo kết quả khảo sát có tới 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của dịch Covid-19. Trong đó, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề như hàng không là 100%, dịch vụ lưu trú là 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, đại lý du lịch là 95,7%, giáo dục đào tạo là 93,9%...
Tại Hà Nội, do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng đều thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn... bị ảnh hưởng rõ rệt. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động là 4.240 đơn vị (tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019); số lao động đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 13.215 người, tăng 22,2%.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 được cho là lâu dài với toàn bộ nền kinh tế. Vậy, Cục Thuế Hà Nội sẽ triển khai những giải pháp nào để bảo đảm nhiệm vụ thu ngân sách trong thời gian tới?
Về công tác thu ngân sách, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo với tinh thần phấn đấu thu ở mức cao nhất, phát huy hết dư địa các khoản thu; thực hiện kích cầu bằng cơ chế, chính sách để tạo việc làm cho người lao động, tăng doanh thu cho ngân sách; mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, tăng cường công tác quản lý hóa đơn chứng từ, chống gian lận thuế, thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi thương mại gắn với chống gian lận thương mại...
Cùng với đó, Cục Thuế Hà Nội tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương và thành phố trong công tác thu ngân sách nhà nước để triển khai nhiệm vụ. Trong đó, chúng tôi ban hành các văn bản chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh để đánh giá, dự báo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn; cũng như đánh giá tác động tới nguồn thu từ việc áp dụng các chính sách hiện hành để chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp thu ngân sách phù hợp.
Ông có thể chia sẻ những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh tác động do dịch Covid-19?
Cụ thể, Cục Thuế Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả với các sở, ngành, chính quyền các quận, huyện, thị xã nhằm giải quyết dứt điểm các vướng mắc của doanh nghiệp, chủ đầu tư liên quan đến khoản nợ (chờ xử lý) về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trước ngày 30/6/2020; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan đến xác định nghĩa vụ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để doanh nghiệp, chủ đầu tư nộp ngân sách trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời, Cục Thuế thành phố Hà Nội đẩy mạnh việc triển khai Đề án hóa đơn điện tử, mục tiêu đến ngày 30/9/2020 đạt tỷ lệ 100% doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn sử dụng hóa đơn điện tử; chủ động đề xuất các giải pháp nhằm đẩy nhanh việc đa dạng các hình thức thu nộp tiền thuế không dùng tiền mặt.
Cục Thuế thành phố cũng bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh, nguồn thu - dòng tiền, kê khai - nộp thuế... của người nộp thuế để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; triển khai các chính sách của Trung ương và thành phố về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nộp thuế ứng phó với tác động của dịch Covid-19 đúng đối tượng; đôn đốc khai - nộp đầy đủ, đúng hạn; khai thác tăng thu hiệu quả. Cùng với đó là chủ động thực hiện khảo sát, đánh giá về tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người nộp thuế để có các giải pháp tháo gỡ phù hợp hoặc kịp thời đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ, hỗ trợ.
Ngoài ra, chúng tôi tích cực tham mưu với thành phố, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế các nội dung liên quan đến công tác quản lý thuế. Đặc biệt tập trung, tích cực tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật thuế, mở rộng cơ sở thuế - chống xói mòn cơ sở thuế bảo đảm tính hiệu quả, khả thi và tạo được sự đồng thuận của người nộp thuế cũng như kịp thời đề xuất, tham mưu giải pháp ưu đãi thuế giúp ổn định và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh..., qua đó góp phần nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu thuế trong tương lai.
Kịp thời nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp
Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cục Thuế Hà Nội đã triển khai các chính sách này như thế nào, thưa ông?
Nhờ chủ động đánh giá, phân loại mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nên ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Cục Thuế Hà Nội đã phân công nhiệm vụ cụ thể tới các đơn vị. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuế một cách thực chất và hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, người nộp thuế thực hiện đúng các quy định theo chính sách, pháp luật thuế...
Chúng tôi tuyên truyền kịp thời tới toàn thể cán bộ, công chức thuộc Cục Thuế và 100% người nộp thuế trên địa bàn có kết nối địa chỉ thư điện tử với Cục Thuế Hà Nội, bảo đảm mỗi cán bộ công chức đều nắm bắt và hướng dẫn người nộp thuế triển khai Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP hiệu quả. Cùng với đó, xây dựng tài liệu tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, video clip ngắn để hướng dẫn các chính sách hỗ trợ, đăng tải trên website của Cục Thuế; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí và chủ động tuyên truyền qua mạng xã hội (YouTube, Facebook, Zalo,…).
Chúng tôi cũng xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế thuộc trường hợp được gia hạn, được hỗ trợ; tập trung rà soát các điều kiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất; hướng dẫn người nộp thuế nộp đơn đề nghị gia hạn qua hệ thống thuế điện tử; quản lý, theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả về số lượng người nộp thuế, số thuế được gia hạn đối với từng sắc thuế, tiền thuê đất. Xây dựng quy trình thực hiện, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị gia hạn, đề nghị hỗ trợ của người nộp thuế trong nội bộ cơ quan thuế; xây dựng các giải pháp quản lý rủi ro, các biện pháp kiểm tra, giám sát để bảo đảm chính sách gia hạn được áp dụng đúng đối tượng, nhanh chóng, hiệu quả, tránh các trường hợp lợi dụng chính sách gia hạn của Chính phủ để vi phạm pháp luật.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP và Nghị quyết số 42/NQ-CP, Cục Thuế Hà Nội còn triển khai các giải pháp hỗ trợ nào khác?
Cục Thuế Hà Nội cũng tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước và Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 19/3/2020 của Bộ Tài chính về triển khai Nghị quyết số 94/2019/QH14. Chúng tôi cũng tập trung triển khai các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của Nhà nước để trốn thuế, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế. Ngoài ra, Cục Thuế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức, xử lý nghiêm trường hợp lợi dụng chính sách, làm sai quy định nếu có.
Vậy, đã có bao nhiêu doanh nghiệp, cá nhân gửi giấy đề nghị gia hạn thuế và tiền thuê đất, thưa ông?
Đến nay, Cục Thuế Hà Nội đã tiếp nhận hơn 27.260 giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người nộp thuế trên địa bàn, với tổng số tiền thuế và tiền thuê đất đề nghị gia hạn là hơn 8.623,6 tỷ đồng. Trong đó, gia hạn đối với tổ chức, doanh nghiệp là hơn 8.604,5 tỷ đồng (bao gồm tiền thuế giá trị gia tăng là 1.742,6 tỷ đồng, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp là 6.225,3 tỷ đồng, tiền thuê đất là 636,6 tỷ đồng), gia hạn đối với cá nhân kinh doanh là 19,1 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Trân trọng cảm ơn ông!