Nhiều giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính


Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, Bộ đã đôn đốc toàn ngành Tài chính tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN), quản lý chặt chẽ nợ công, tài sản công; đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN; tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Dành một phần nguồn vượt thu ngân sách cho công tác chuẩn bị đầu tư

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách, kiểm soát chặt chẽ thu, chi NSNN, nợ công, tài sản công; Dành một phần nguồn vượt thu ngân sách cho công tác chuẩn bị đầu tư; Có giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Xem xét cho phép các địa phương được mua sắm các thiết bị, phương tiện chuyên dùng (xe gom rác thải) phục vụ thu gom rác thải để góp phần thực hiện tốt công tác quản lý vệ sinh môi trường ở các địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của các bộ, cơ quan và địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng...

Trả lời cử tri tỉnh Bình Định, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua Bộ đã dành một phần nguồn vượt thu ngân sách cho công tác chuẩn bị đầu tư. Cụ thể, căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 59 Luật Ngân sách Nhà nước, số tăng thu ngân sách so với dự toán được sử dụng theo thứ tự ưu tiên sau:

Thứ nhất, giảm bội chi, tăng chi trả nợ, bao gồm trả nợ gốc và lãi.

Thứ hai, bổ sung quỹ dự trữ tài chính.

Thứ ba, bổ sung nguồn thực hiện chính sách tiền lương.

Thứ tư, thực hiện một số chính sách an sinh xã hội.

Thứ năm, tăng chi đầu tư một số dự án quan trọng.

Thứ sáu, hỗ trợ bù hụt thu ngân sách cấp dưới và thưởng vượt dự toán các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 15 và Điều 57 Luật Đầu tư công thì chi phí cho công tác chuẩn bị đầu tư sử dụng vốn chuẩn bị đầu tư của dự án, được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. 

Căn cứ các quy định nêu trên, trong trường hợp ngân sách trung ương tăng thu so với dự toán đầu năm, tùy thuộc vào khả năng số tăng thu, tình hình bố trí và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm và tính cấp thiết của các dự án, có thể dành một phần nguồn vượt thu ngân sách trung ương để bố trí vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư.

Trên thực tế, năm 2019 Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cho một số dự án cấp bách từ nguồn vượt thu ngân sách trung ương năm 2018.

Đối với các địa phương, căn cứ khả năng nguồn vượt thu của ngân sách địa phương hằng năm (nếu có), tình hình bố trí và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm của địa phương và nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn, Ủy ban nhân dân lập phương án sử dụng số vượt thu ngân sách địa phương cho các nội dung chi theo quy định, bao gồm cả vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.

Tài sản công phải được sử dụng đúng tiêu chuẩn, định mức

Về vấn đề mua sắm các thiết bị, phương tiện chuyên dùng (xe gom rác thải) phục vụ thu gom rác thải để góp phần thực hiện tốt công tác quản lý vệ sinh môi trường ở các địa phương, Bộ Tài chính cho biết, tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã quy định, tài sản công (trong đó có xe ô tô chuyên dùng) phải được sử dụng đúng tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật. Tiêu chuẩn, định mức tài sản công được sử dụng để làm căn cứ mua sắm tài sản tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, bao gồm cả tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng.

Do vậy, để thực hiện việc mua sắm xe ô tô chuyên dùng (trong đó có xe gom rác thải), các địa phương cần rà soát, đánh giá nhu cầu để xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP; trên cơ sở đó, quyết định việc mua sắm cụ thể.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong những năm qua, công tác cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thoái vốn nhà nước tại DN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tác động tích cực tới sự phát triển của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN sau CPH.

Tuy nhiên, tiến độ CPH và thoái vốn nhà nước tại các DN còn chậm, chưa đạt được kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do: một số bộ, ngành địa phương chưa phê duyệt phương án cơ cấu lại các DNNN, chưa hoàn thành kế hoạch CPH, thoái vốn theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt; Còn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ cổ phần chi phối; Một số cơ chế, chính sách ban hành chậm so với kế hoạch đề ra; Việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi quyết định CPH DN còn chậm...

Bộ Tài chính cho biết, để đẩy nhanh tiến độ CPH và thoái vốn nhà nước tại DNNN trong thời gian tới, cần phải triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, CPH và thoái vốn nhà nước tại DNNN và DN có vốn nhà nước, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội để tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.

Khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN và DN có vốn nhà nước.

Hai là, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại cácDN thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; gắn kết quả thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DNNN.

Ba là, thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN đốn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016; thực hiện CPH, thoái vốn theo đúng kế hoạch tại văn bản số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017, Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp cần điều chỉnh danh mục, tiến độ CPH, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ.

Bốn là, các DNNN thuộc diện CPH khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai trình UBND tỉnh có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN CPH.