Nhiều kết quả đạt được trong áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc

Nga Phạm

Kể từ khi ban hành đến nay (năm 2019), việc triển khai Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” (Đề án 100) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm hàng hóa.

Theo Đề án 100 đến năm 2025, hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc.
Theo Đề án 100 đến năm 2025, hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc.

Mục tiêu tổng quát của Đề án 100 là hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan. Đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.

Theo Đề án 100, phấn đấu đến năm 2025, hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc; xây dựng tối thiểu 30 tiêu chuẩn quốc gia và 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc, các tài liệu hướng dẫn áp dụng cho từng nhóm sản phẩm cụ thể.

Tối thiểu 30% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, bảo đảm kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.

Đến năm 2030, hoàn thiện Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, bảo đảm nhu cầu trao đổi và khai thác thông tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; hoàn thiện hệ thống quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế.

Báo cáo của Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho thấy, sau gần 4 năm triển khai Đề án 100 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, về xây dựng tiêu chuẩn, từ khi Đề án 100 ra đời đến tháng 11/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì và phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và công bố thêm 10 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc, nâng tổng số TCVN về truy xuất nguồn gốc các loại sản phẩm, hàng hóa và về yêu cầu đối với hệ thống lên 23 TCVN.

Đến hết năm 2022, tổng số TCVN về truy xuất nguồn gốc được công bố lên hơn 30 TCVN. Bên cạnh đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục xây dựng 7 TCVN liên quan đến xác thực nguồn gốc và truy xuất nguồn gốc các loại sản phẩm nông sản, 4 TCVN về xác thực nguồn gốc và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm khác; Bộ Y tế sẽ xây dựng 2 TCVN liên quan đến truy xuất trang thiết bị y tế theo kế hoạch xây dựng TCVN năm 2022 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.

Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm đã tổ chức được 20 khóa đào tạo, tập huấn về truy xuất nguồn gốc cho các địa phương và nhiều hoạt động liên quan khác. Kết quả triển khai tại các địa phương. Cụ thể, đến nay đã có 62/63 địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án; 47/63 địa phương đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền và tập huấn, đào tạo các nội dung; 40/63 địa phương đã xác định sản phẩm đặc trưng/sản phẩm ưu tiên được thực hiện truy xuất nguồn gốc; 32/63 địa phương đã có các hoạt động chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn; 30/63 địa phương đã triển khai truy xuất nguồn gốc hoặc đã áp dụng tem cho một số sản phẩm cụ thể.

Ngoài ra, trong năm 2022, Trung tâm cũng đồng hành cùng một số địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ như hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm thảo dược của tỉnh Ninh Bình; Xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cơm cháy của tỉnh Ninh Bình; nghiên cứu thí điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Dương; xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm nông sản “Chôm chôm Ia Grai”...