Nhiều khả năng xuất khẩu gạo tăng cao

Theo Hà Văn/Báo Cần Thơ

TP. Cần Thơ và các địa phương vùng ÐBSCL bước vào vụ mùa sản xuất lúa chính trong năm - vụ đông xuân 2021-2022. Tuy nhiên, vụ lúa này được đánh giá sản xuất gặp nhiều khó khăn do phân bón, vật tư nông nghiệp tăng giá, giá thành sản xuất lúa sẽ tăng cao. Nông dân rất mong ngành chức năng, đơn vị thu mua hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với mức giá cao, ổn định, để nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp nông dân thật sự gắn bó với nghề trồng lúa.

Nhiều khả năng xuất khẩu gạo tăng cao. Ảnh minh họa
Nhiều khả năng xuất khẩu gạo tăng cao. Ảnh minh họa

Nỗ lực sản xuất

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP. Cần Thơ, vụ lúa đông xuân 2021-2022, TP. Cần Thơ có kế hoạch gieo sạ 75.680ha. Ðến ngày 18-11 toàn thành phố đã xuống giống được 30.969ha, đạt 41% so với kế hoạch và sớm hơn 29.939ha so với cùng kỳ.

Hiện lúa đang trong giai đoạn mạ và mới gieo sạ. Ông Phan Thiện Khanh, ở xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, cho biết: “So với những năm trước, năm nay mực nước nội đồng thấp hơn, nhưng cũng đủ lượng nước để tẩy rửa đồng ruộng, bồi đắp phù sa. Bà con ở xã Ðịnh Môn cũng như toàn huyện Thới Lai khi đến đầu tháng 10 âm lịch là vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị bờ thửa gieo sạ lúa đông xuân, vụ lúa quan trọng nhất trong năm”.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và do ảnh hưởng của thời tiết, có khả năng xuất hiện những cơn mưa lớn, kéo dài, nguy cơ ngập lụt tại vùng thấp trũng, diễn biến lũ phức tạp sắp diễn ra, ngành Nông nghiệp thành phố và các quận, huyện tập trung hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng, trục xới đất, đưa nước vào ruộng để nhấn chìm rơm rạ, xử lý chế phẩm sinh học giúp rơm rạ mau phân hủy để giảm ngộ độc hữu cơ, tiêu diệt các mầm bệnh trên đồng ruộng trước khi xuống giống; theo dõi chặt chẽ chế độ thủy văn xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho địa phương, khi bố trí thời vụ phải tuân thủ theo nguyên tắc chung là “Gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng”… Lịch thời vụ gieo sạ phần diện tích lúa đông xuân 2021-2022 còn lại (đợt 2) được áp dụng từ ngày 28/11 đến ngày 1/12/2021; giống lúa tập trung sản xuất chủ yếu là Ðài Thơm 8, OM 5451…

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), vụ lúa đông xuân 2021-2022, toàn vùng ÐBSCL dự kiến gieo sạ trên 1,52 triệu héc-ta, ước sản lượng thu hoạch khoảng 11 triệu tấn. Ðến giữa tháng 11/2021, toàn vùng gieo sạ được trên 300.000ha lúa đông xuân, theo kế hoạch các địa phương sẽ xuống giống dứt điểm trong tháng 12/2021 để né rầy, hạn mặn và thiếu nước sản xuất cuối vụ. Cơ cấu giống sản xuất vụ đông xuân tập trung vào các giống đặc sản, chất lượng cao và giống có chất lượng trung bình.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: trước những khó khăn, thách thức đầu vụ lúa đông xuân về phân bón, vật tư nông nghiệp tăng giá, ngành Nông nghiệp các địa phương vùng ÐBSCL cần khuyến cáo người dân giảm lượng phân bón, lúa giống để giảm giá thành vật tư đầu vào, đảm bảo lợi nhuận sau thu hoạch.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, các cơ quan quản lý cần có những giải pháp cụ thể, dài hạn đảm bảo giá vật tư ổn định để người dân an tâm canh tác, đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực và thế mạnh về xuất khẩu gạo của vùng ÐBSCL…

Tăng khả năng xuất khẩu

Mới đây, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) tại TP. Cần Thơ, cho biết: Doanh nghiệp vừa trúng thầu xuất khẩu 15.000 tấn gạo sang thị trường Hàn Quốc với giá tốt. Lô gạo mà Công ty Trung An vừa trúng thầu là loại gạo 100% tấm (dùng làm nguyên liệu sản xuất bia) với giá trúng thầu đạt 369 USD/tấn (giá FOB).

Theo báo giá do Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 100% tấm hiện được chào bán với giá 338 USD/tấn (giá FOB). Nếu so với mức giá này thì giá trúng thầu của Công ty Trung An cao hơn 31 USD/tấn. Ðây là mức giá khá cao so với các thị trường khác.

Cũng theo ông Phạm Thái Bình, lô hàng 15.000 tấn gạo 100% tấm bán cho đối tác Hàn Quốc sẽ được giao hàng đến cảng Gwangyang trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/2022. Do đó, vụ lúa đông xuân này, công ty tăng cường sản xuất và hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo tiêu chuẩn để đảm bảo sản lượng xuất khẩu đã ký kết.

Năm 2021 hạn ngạch nhập khẩu gạo mà Hàn Quốc cấp cho Việt Nam là hơn 50.000 tấn. Trong lần mở thầu diễn ra vào ngày 14/5, nước này nhập khẩu từ Việt Nam 23.222 tấn, trong đó Công ty Trung An đã trúng thầu 22.222 tấn. Trước đó, Hàn Quốc cũng đã mở thầu nhập khẩu từ Việt Nam 11.236 tấn gạo và Công ty Trung An cũng trúng thầu toàn bộ khối lượng gạo này.

Theo ông Phạm Thái Bình, từ đầu năm 2021 đến nay, Công ty Trung An đã trúng thầu xuất khẩu tổng cộng 48.763 tấn gạo các loại sang thị trường Hàn Quốc, chiếm đến 83% so với tổng khối lượng mà Hàn Quốc chào thầu dành cho gạo Việt Nam. Năm 2021, Công ty Trung An đặt mục tiêu đạt doanh thu 3.500 tỉ đồng và lãi sau thuế 105 tỉ đồng. Theo báo cáo tài chính của công ty, doanh thu quý III của Trung An đạt 500 tỉ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 40 tỉ đồng, tăng 66%, đây cũng là mức lợi nhuận theo quý tăng cao của công ty trong những năm gần đây.

Gần đây, tại diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ đông xuân phía Nam, ông Nguyễn Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Ðông, cho biết: Khoảng 5 năm trở lại đây, ngành lúa gạo Việt Nam ít khi phải giải cứu, đặc biệt ở vụ đông xuân không đủ gạo để bán. Ðiều đó có thể thấy từ năm 2015 đến nay, khi Philippines điều chỉnh chính sách giao cho tư nhân nhập khẩu, thị trường này khá chuộng hạt gạo Việt Nam.

Trong đó, các loại gạo từ các giống lúa như Ðài Thơm 8, OM 5451 được Philippines mua của Việt Nam với số lượng khá nhiều. Hiện gạo 5% tấm của Thái Lan có giá 370-380 USD/tấn, trong khi gạo OM 5451 của Việt Nam cao hơn khoảng 100 USD/tấn và gạo Ðài Thơm 8 cao hơn 120 USD/tấn, nhưng thị trường Philippines vẫn mua và chuộng gạo nhập khẩu từ Việt Nam.

Ngoài Philippines, tại thị trường châu Phi, có Ghana và Bờ Biển Ngà mua gạo thơm của Việt Nam khoảng 700.000 tấn/năm; Trung Quốc phần lớn nhập gạo nếp và gạo giống ST; thị trường Malaysia, Cuba và Indonesia thì nhập gạo IR 50404. Ông Nguyễn Việt Anh dự báo, năm 2022 giá lúa gạo sẽ tăng cao, bởi nhìn tổng thể lúa mì, bắp và các ngành khác đều tăng, thì giá gạo cũng phải nằm trong xu hướng đó… Một vấn đề đặt ra là ngành Nông nghiệp các địa phương, vùng ÐBSCL cần tập trung sản xuất các vụ lúa an toàn và hiệu quả cao trong năm.

Tại TP. Cần Thơ, lúa đông xuân 2021-2022 đang xuống giống tập trung. Tuy nhiên, hiện nay tình hình mưa bão diễn biến khá phức tạp, Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ yêu cầu ngành Nông nghiệp các quận, huyện cần nhắc nhở nông dân theo dõi tình hình thời tiết hằng ngày, gia cố đê bao đề phòng nước dội đồng, vận động nông dân làm đất đánh bùn kỹ, dọn cỏ dại, tu sửa bờ, tăng cường đánh nhiều rãnh sâu để quản lý ốc, cỏ dại và hạn chế chết giống nếu xảy ra mưa to; hướng dẫn nông dân không dùng thuốc gốc Abamectin để trừ ốc; ứng dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… vào sản xuất, nhằm đảm bảo hiệu quả và tăng lợi nhuận cho nông dân từ vụ lúa đông xuân 2021-2022.