Nhiều lợi ích từ thực hiện tiêu chuẩn
Việc ban hành và thực hiện các tiêu chuẩn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Chính phủ, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.
Thời gian qua, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu với những biến thể mới, cản trở đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Ở trong nước, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng cả ở ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đến tất cả các khía cạnh của đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Có thể thấy, phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 là việc quan trọng cần thực hiện ngay lúc này và tiêu chuẩn chính là nhân tố góp phần nâng cao suất, chất lượng sản phẩm và sự thành công của doanh nghiệp. Tiêu chuẩn mang lại nhiều lợi ích về công nghệ, kinh tế, xã hội cho tất cả các bên liên quan.
Đối với doanh nghiệp, tiêu chuẩn là công cụ chiến lược và định hướng để giúp các doanh nghiệp giải quyết một số thách thức đòi hỏi khắt khe của hoạt động kinh doanh hiện đại.
Chúng đảm bảo cho các hoạt động kinh doanh ngày càng hiệu quả, làm tăng năng suất và giúp doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới thông qua việc đảm bảo sự phù hợp của sản phẩm và dịch vụ; cắt giảm chi phí thông qua việc cải thiện hệ thống; tăng khả năng cạnh tranh và sự hài lòng của khách hàng thông qua cải thiện chất lượng sản phẩm.
Ví dụ như ISO 9001 giúp doanh nghiệp cải thiện doanh số bán hàng, sự hài lòng của khách hàng, hình ảnh doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu; ISO 14001 giúp doanh nghiệp quản lý tác động của quá trình sản xuất tới môi trường.
Đối với người tiêu dùng, khi sản phẩm và dịch vụ tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế có thể tin tưởng rằng sản phẩm, dịch vụ đó sẽ có tính an toàn, tin cậy và chất lượng tốt, thân thiện với môi trường. Đối với người tiêu dùng, khi sản phẩm và dịch vụ tuân thủ tiêu chuẩn quốc gia có thể tin tưởng rằng, sản phẩm, dịch vụ đó sẽ có tính an toàn, tin cậy và chất lượng tốt, thân thiện với môi trường. Ví dụ, tiêu chuẩn về an toàn đường bộ, an toàn đồ chơi trẻ em, bao bì y tế an toàn…
Đối với Chính phủ, tiêu chuẩn cung cấp các kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và Chính phủ có thể sử dụng tiêu chuẩn để hỗ trợ chính sách công đem lại nhiều lợi ích như: mở cửa thương mại thế giới do tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận bởi nhiều chính phủ, nên sử dụng hoặc viện dẫn chúng trong các quy chuẩn quốc gia sẽ tạo thuận lợi cho sự di chuyển của hàng hóa, dịch vụ và công nghệ từ nước này sang nước khác; loại bỏ các rào cản trong thương mại với thế giới bằng cách cung cấp các tiêu chuẩn làm cơ sở kỹ thuật trong các điều khoản của các hiệp định thương mại ở các cấp khu vực và quốc tế.
Theo kinh nghiệm quốc tế của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Ủy ban Tiêu chuẩn châu Âu CEN/CENELIC hoặc các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Indonesia… thì việc ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa sẽ xác định rõ các nguyên tắc, định hướng cơ bản, thiết lập chương trình hành động tổng thể, phát triển hệ thống tiêu chuẩn trung và dài hạn trên phạm vi toàn cầu hoặc quốc gia.