Nhiều lợi thế tuyệt đối, bất động sản Vùng Thủ đô sẽ bứt phá mạnh mẽ

Thu Hiền

Vùng Thủ đô có nhiều lợi thế tuyệt đối trong phát triển bất động sản. Trong đó, việc sáp nhập tỉnh, thành sẽ mang lại dư địa to lớn để phát triển đô thị và tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Quá trình sáp nhập tỉnh sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và thị trường bất động sản Vùng Thủ đô được dự báo sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ.

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Các “siêu địa phương” mới đủ nguồn lực, không gian triển khai "siêu đô thị"

Tại Hội thảo: "Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô" được tổ chức ngày 15/5, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, mặc dù chỉ chiếm khoảng 7,4% diện tích cả nước, Vùng Thủ đô (bao gồm Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh lân cận gồm: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hoà Bình, Hưng Yên, Hải Dương; Hà Nam, Thái Nguyên, Bắc Giang) tập trung tới 21,1% dân số và đóng góp khoảng 25% GDP của Việt Nam. Khu vực này đang dần hình thành một trục động lực phát triển kinh tế – đô thị – công nghệ cao không chỉ cho miền Bắc mà cho cả nước.

Theo TS. Nguyễn Văn Khôi, cả nước đang hướng tới tinh gọn từ 63 tỉnh, thành xuống còn 34, trong đó Hà Nội được giữ nguyên do tính chất đặc thù. Riêng tại Vùng Thủ đô, chủ trương này được xem là bước đi chiến lược nhằm mở rộng không gian phát triển, tạo hành lang và động lực tăng trưởng mới cho các địa phương.

TS. Nguyễn Văn Khôi -Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
TS. Nguyễn Văn Khôi -Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

“Việc sáp nhập sẽ mang lại dư địa phát triển đô thị to lớn và tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Quá trình sáp nhập tỉnh sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và thị trường bất động sản Vùng Thủ đô được dự báo sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ”, TS. Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh.

Minh chứng rõ nét cho điều này, TS. Nguyễn Văn Khôi cho biết, việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội năm 2008 nhờ sáp nhập Hà Tây và các vùng lân cận giúp Hà Nội có thêm quỹ đất lớn để phát triển hàng loạt khu đô thị mới. Kết quả, sau 17 năm, quy mô kinh tế Thủ đô đã tăng trưởng vượt bậc: thu ngân sách năm 2024 đạt gần 512.000 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần năm 2007; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 6.500 USD, gấp gần 5 lần so với trước sáp nhập.

“Việc sáp nhập các tỉnh vùng Thủ đô ngày nay cũng được kỳ vọng tạo nên những “siêu địa phương” mới, đủ nguồn lực và không gian để triển khai các dự án hạ tầng, khu đô thị quy mô lớn, tạo sức bật cho cả vùng trong dài hạn.”, TS. Nguyễn Văn Khôi nhận định.

Theo TS. Nguyễn Văn Khôi, trong bức tranh phát triển Vùng Thủ đô, các vùng đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội đang nổi lên là những điểm đến đầu tư sôi động nhất. Cụ thể, loạt đô thị vệ tinh nổi bật phải kể đến như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang…

Đây là những địa phương có thể cung cấp mặt bằng lớn để phát triển những khu đô thị hiện đại, tiện nghi mà trung tâm Hà Nội khó lòng đáp ứng do hạn chế quỹ đất. Đồng thời, hạ tầng giao thông liên vùng đồng bộ đã rút ngắn khoảng cách giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận. “Tổng hòa những yếu tố trên cho chúng ta niềm tin rằng bất động sản đô thị Vùng Thủ đô sẽ bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới", ông Khôi kỳ vọng.

Bất động sản vùng ven Hà Nội đang bước vào một chu kỳ phát triển mới

Chia sẻ tại hội thảo, PGS. TS. Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh, trong tương lai, Vùng Thủ đô giữ vai trò là điểm hội tụ, lan tỏa các nguồn lực phát triển mạnh mẽ.

Trong đó, việc nỗ lực thu hút các “đại bàng công nghệ”, kết nối các chuỗi giá trị kinh tế mới, cùng với việc thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đang tạo ra một bầu không khí sôi động, đầy hứng khởi.

PGS. TS. Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ.
PGS. TS. Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ.

Cho rằng tăng trưởng kinh tế “không thể chỉ dựa mãi vào “mặt đất” với những hạn chế cố hữu như quỹ đất, hạ tầng và dân số”, chuyên gia này nhấn mạnh, Vùng Thủ đô, với lợi thế kết nối giữa núi và biển, có tiềm năng lớn để trở thành tâm điểm của xu hướng phát triển đa không gian gồm: không gian số, không gian ngầm, không gian trên cao, không gian biển…

Theo ông Thiên, lợi thế tuyệt đối của Vùng Thủ đô là ở chỗ có Thủ đô Hà Nội và hạ tầng giao thông kết nối cao. Hiện Vùng Thủ đô có 7 đường vành đai bao quanh (trong khi Vùng TP. Hồ Chí Minh chỉ mới có 4 đường). Chính điều này sẽ định hình các trung tâm phát triển - tọa độ cho các thị trường bất động sản khu vực này bùng nổ trong thời gian tới. Ngay chính TP. Hà Nội, các địa phương như Đông Anh, Sóc Sơn, Đan Phượng hiện cũng đang trở mình và phát triển mạnh mẽ.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, đã có dấu hiệu rõ ràng cho thấy thị trường bất động sản vùng ven Thủ đô đang bước vào một chu kỳ phát triển mới. Trong giai đoạn này, bất động sản không chỉ thụ động tiếp nhận nhu cầu giãn dân, mà còn chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư quy mô lớn, đa dạng và bền vững.

Cụ thể, một hệ thống các thành phố vệ tinh của Thủ đô mở rộng ra các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, với mục tiêu hướng tới việc thành lập các thành phố trực thuộc Trung ương; sự hình thành của các đại đô thị tích hợp công nghiệp, dịch vụ, đô thị xanh thông minh và nghỉ dưỡng…

“Vùng Thủ đô đang tạo ra sức cộng hưởng tiềm năng về lợi thế, sau khi có sự thay đổi về địa giới hành chính do chính sách sáp nhập tỉnh thành. Do đó, sức cạnh tranh của khu vực này là vượt trội, cấu trúc phát triển của vùng này là đa dạng, vươn lên đẳng cấp cao”, ông Thiên nhấn mạnh.

Theo chuyên gia, Luật Thủ đô năm 2024 vừa rồi được thông qua đã tạo điều kiện rất lớn cho Hà Nội phát triển. Còn ở các địa phương khác, khi công tác sáp nhập được hoàn thành, tỉnh lỵ mới được định hình lại cũng sẽ tạo điều kiện cho thị trường bất động sản những khu vực này phát triển, không chỉ ở số lượng mà còn cả chất lượng.

Vùng Thủ đô chiếm 60% nguồn cung nhà ở mới toàn quốc

Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trên nền tảng hạ tầng được cải thiện, phát triển đô thị vùng Thủ đô ghi nhận những con số ấn tượng.

Theo đó, Hà Nội và 9 tỉnh lân cận đóng góp hơn 40% tổng nguồn cung bất động sản nhà ở mở bán trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025. Toàn vùng hiện đang triển khai hơn 300 dự án nhà ở, chiếm trên 30% tổng nguồn cung cả nước. Riêng trong năm 2024, khu vực này chiếm khoảng 60% nguồn cung nhà ở mới và tới 68% tổng lượng giao dịch bất động sản toàn quốc.

TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam.
TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam.

Riêng Hà Nội, ông Đính cho biết, địa phương này tiếp tục khẳng định vai trò đô thị đặc biệt, với hệ thống hạ tầng đô thị phát triển đồng bộ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Giai đoạn 2024 - 2026, nguồn cung nhà ở tại Thủ đô dự kiến vượt 30.000 sản phẩm, tập trung tại các đại đô thị kiểu mẫu “all-in-one”.

Trong khi đó, các tỉnh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang đang nổi lên với làn sóng phát triển đô thị vệ tinh và hệ sinh thái đô thị liền kề, góp phần tái định hình cấu trúc đô thị toàn vùng theo hướng hiện đại, bền vững.

Về phát triển đô thị, xu hướng giãn dân từ lõi đô thị Hà Nội thúc đẩy sự hình thành các “thành phố vùng ven” và “đô thị vệ tinh” quy mô lớn. Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc... đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, kéo theo các dự án đô thị đồng bộ. Mô hình khu đô thị tích hợp - công nghiệp - dịch vụ, cùng với đô thị xanh, thông minh, nghỉ dưỡng ngày càng lên ngôi.

Theo chuyên gia này, bất động sản Vùng Thủ đô đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, theo hướng bền vững, đa chức năng và liên vùng.

“Với cú hích từ hạ tầng, chính sách giãn dân và dòng vốn đầu tư đổ về, các đại đô thị vùng ven và tỉnh vệ tinh sẽ trở thành “đô thị nối dài” đầy tiềm năng cho cả an cư và đầu tư trong 5 -10 năm tới”, ông Đính nhấn mạnh.