Nhiều ngân hàng đã kết nối xác thực với cơ quan thuế
Tổng cục Thuế vừa cho biết, một số ngân hàng đã thực hiện kết nối tài khoản với cơ quan thuế. Động thái này nhằm hạn chế tình trạng trốn thuế và để hoạt động truy thu của cơ quan chức năng có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
6 ngân hàng đã tiến hành kết nối
Ngày 28/6, thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết, đã có 6 ngân hàng có kết nối xác thực tài khoản với cơ quan thuế gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank).
Hiện Tổng cục Thuế vẫn đang tiếp tục triển khai việc xác thực với các ngân hàng khác như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VTB), Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB)... và sẽ kịp thời thông báo đến người nộp thuế trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, trong giai đoạn thí điểm, Tổng cục Thuế đã tiếp nhận thành công trên 45,4 triệu tài khoản của người nộp thuế do 5 ngân hàng thương mại cung cấp.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, các ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế cho cơ quan thuế, bao gồm tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất khi ngân hàng thực hiện kết nối xác thực tài khoản với cơ quan thuế đó là bảo mật thông tin.
Theo đó, Tổng cục Thuế đã triển khai kịp thời các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ các ngân hàng có nhiều lựa chọn trong việc truyền nhận thông tin số hiệu tài khoản thanh toán, cung cấp các chuẩn dữ liệu.
Đồng thời, Tổng cục Thuế thực hiện các biện pháp về an toàn bảo mật để đảm bảo an toàn thông tin người nộp thuế theo đúng quy định của Luật quản lý thuế, Luật An toàn thông tin mạng…
Cần thêm các quy định pháp lý
Phân tích về hoạt động cung cấp thông tin khách hàng trong hoạt động ngân hàng cho cơ quan thuế tại Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Kim Thoa - Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh - cho biết, điều này là cần thiết trong bối cảnh ngày càng có nhiều cá nhân nhận thu nhập từ dịch vụ quảng cáo trực tuyến của các nền tảng xuyên biên giới hoặc kinh doanh thương mại điện tử qua các sàn thương mại điện tử như: Amazon, Lazada, Tiki, Shopee…
Nếu không thực hiện, doanh thu của các dịch vụ quảng cáo trực tuyến, bán hàng trực tuyến có thể sẽ không được khai báo hoặc khai báo không đúng với thực tế, các dữ liệu giao dịch có thể bị sửa đổi hoặc xóa bỏ sau khi thực hiện.
Với những tác động như vậy, nhiều nước đã quy định việc cải thiện tiếp cận thông tin khách hàng cho mục đích thuế. Ngày càng nhiều nước công nhận rằng, việc cho phép thuế hay các cơ quan chức năng truy cập thông tin ngân hàng cho các mục đích thuế có khả năng tăng cường việc thực thi pháp luật có liên quan. Việc truy cập vào hồ sơ ngân hàng tạo điều kiện cho các cuộc điều tra của chính phủ là cần thiết để ngăn chặn các tội phạm tài chính như gian lận, trốn thuế, rửa tiền.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Thị Kim Thoa cũng lưu ý rằng, cần quy định rõ cơ chế giải quyết khi có mâu thuẫn trong việc yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng. Trường hợp giữa tổ chức tín dụng và cơ quan quản lý thuế có bất đồng về việc cung cấp thông tin khách hàng thì sẽ được giải quyết theo cơ chế pháp lý nào? Ví dụ, thời hạn cung cấp thông tin, phạm vi thông tin khách hàng của các ngân hàng thương mại cần phải cung cấp cho cơ quan quản lý thuế theo quy định nội bộ của ngân hàng hay theo quyết định của cơ quan thuế.
Đồng thời cần quy định rõ cơ chế giải quyết khiếu nại, bồi thường thiệt hại phát sinh trong trường hợp làm lộ thông tin khách hàng, bởi việc khách hàng đi tìm các chứng cứ liên quan đến chủ thể làm lộ thông tin khách hàng được cung cấp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhau là điều không dễ dàng.
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước đã là quy định thì ngành ngân hàng phải có trách nhiệm thực hiện. Trong việc kết nối này, mọi quy trình nghiệp vụ được triển khai thực hiện rõ ràng, kết hợp công tác thanh kiểm tra, cùng tính bảo mật an toàn.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Thanh Toán, hiện các ngân hàng đang chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành, luật tổ chức tín dụng và các nghị định về bảo vệ thông tin khách hàng, do đó, sau khi việc phối hợp được triển khai ổn định, cần tiến tới pháp lý hóa bằng một thông tư được ban hành để các ngân hàng triển khai thống nhất.