Nhiều ngân hàng lãi cao từ mảng kinh doanh chứng khoán

Theo Vân Linh/tinnhanhchungkhoan.vn

Ngoài tín dụng và dịch vụ, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng đóng góp tỷ trọng không nhỏ vào tổng lợi nhuận của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2019.

Techcombank là một trong những ngân hàng có mảng kinh doanh chứng khoán tăng trưởng cao trong 9 tháng qua.
Techcombank là một trong những ngân hàng có mảng kinh doanh chứng khoán tăng trưởng cao trong 9 tháng qua.

Báo cáo tài chính quý III/2019 của Techcombank cho thấy, trong kỳ, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng đạt 3.622 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng đột biến, đạt 446 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ bị lỗ 39 tỷ đồng.

Lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 111 tỷ đồng, tương đương mức đạt được cùng kỳ. Kết quả này góp phần giúp lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của Techcombank tăng 14% so với cùng kỳ, đạt 8.860 tỷ đồng, riêng lợi nhuận trước thuế quý III đạt 3.198 tỷ đồng, tăng 24%.

Với OCB, mảng mua bán chứng khoán đem về 341 tỷ đồng trong quý III/2019, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2018 (đạt 167 tỷ đồng). Tuy nhiên, do mua bán chứng khoán 2 quý đầu năm kém tích cực nên lãi lũy kế 9 tháng từ hoạt động này vẫn thấp hơn cùng kỳ 7%.

Dẫu vậy, trong quý III/2019, lợi nhuận trước thuế OCB tăng 51,6% so với cùng kỳ, đạt 825 tỷ đồng (trong đó, Ngân hàng mẹ lãi 824 tỷ đồng) và luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt 1.942 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 15,3%.

Tại VPBank, ngoại trừ hoạt động kinh doanh ngoại hối bị lỗ, các mảng kinh doanh còn lại đều có kết quả khả quan, thậm chí tăng trưởng bằng lần như hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, VPBank ghi nhận lãi lần lượt 145 tỷ đồng và 200 tỷ đồng, tăng 248% và 172% so với cùng kỳ 2018.

Sự đột biến trong mảng kinh doanh chứng khoán đã phần nào giúp VPBank bù đắp sự thiếu hụt của mảng bảo hiểm trong kỳ khi không còn ghi nhận mức lợi nhuận cao như cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý III/2019 hợp nhất của VPBank đạt 2.856 tỷ, tăng 63% và lũy kế 9 tháng đầu năm 2019 đạt 7.199 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ 2018.

Trong đó, lợi nhuận của riêng FE Credit là gần 3.500 tỷ đồng, đóng góp xấp xỉ 49% cho lợi nhuận ngân hàng hợp nhất.

Tại MBBank, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh trong quý III/2019 ghi nhận lãi thuần gần 161 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 48 tỷ đồng, nâng lãi lũy kế 9 tháng từ hoạt động này lên 421 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ 2018, cùng với hoạt động dịch vụ (lãi 2.312 tỷ đồng, tăng 37%), kinh doanh ngoại hối (lãi 472 tỷ đồng, tăng 56%)… tạo nên mức lợi nhuận trước thuế 9 tháng 7.616 tỷ đồng của ngân hàng này, tăng 26,6% so với cùng kỳ 2018.

Tất nhiên, không phải nhà băng nào cũng hái được “quả ngọt” từ việc kinh doanh chứng khoán. Đơn cử, tại ACB, kết thúc 9 tháng đầu năm 2019, mảng mua bán chứng khoán ghi nhận lãi 77 tỷ đồng, giảm 44,2% so với cùng kỳ 2018.

Nhờ giảm trích lập dự phòng (76%) và tăng trưởng từ hoạt động dịch vụ (31%) nên lợi nhuận 9 tháng qua của ACB tăng trưởng 16%, đạt 5.561 tỷ đồng.

Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán của BIDV trong 9 tháng qua đạt 262 tỷ đồng, giảm 61,5% so với cùng kỳ; chứng khoán đầu tư bị lỗ 266 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều mảng kinh doanh khác có kết quả tốt như lãi từ hoạt động khác tăng 25%, đạt 3.592 tỷ đồng; thu nhập góp vốn mua cổ phần đạt 177 tỷ đồng, tăng 24%... góp phần giúp BIDV ghi nhận lãi trước thuế 7.028 tỷ đồng trong 9 tháng qua.

Tương tự, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của Kienlongbank chỉ lãi 42 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019, giảm 60% so cùng kỳ 2018... Song, lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng tăng trưởng 6%, đạt 236 tỷ đồng.

Nhìn chung, kết quả hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đầu năm nay của đa phần đều ghi nhận khả quan, cho dù có những hoạt động không thực sự tích cực, trong đó có mảng kinh doanh chứng khoán. Nhiều ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuân cao, thậm chí tăng bằng lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, không ít ngân hàng đã gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận nghìn tỷ đồng như ACB, VPBank, OCB...