Nhiều người mất tiền tỷ vì sàn vàng HGI vừa bị triệt phá
(Tài chính) Hẹn nhà đầu tư chiều ngày 13/1 đến giải quyết quyền lợi tại trụ sở sàn vàng HGI, nhưng ngay chiều 12/1, lãnh đạo công ty HGI bị bắt, trụ sở bị khám xét.
Thấy lãi suất cao, nhiều người đã tin tưởng vào sàn vàng HGI và đem gửi tiền tỷ. Nhưng giờ đây, khi sàn vàng bị triệt phá, hy vọng đòi được số tiền là rất mong manh.
Ngày 13/1, bà Nguyễn Thị Lan, nhân viên Tập đoàn khách sạn Mường Thanh bị sốc nặng khi nghe tin Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam các lãnh đạo sàn vàng HGI và khám xét trụ sở công ty.
Mới sáng hôm trước (12/1), theo giấy thông mời họp của HGI, bà còn đến trụ sở ở công ty này ở Tòa nhà Artex tại 172 Ngọc Khánh để chờ công ty giải quyết quyền lợi. Cũng như bà, hàng trăm nhà đầu tư cũng có mặt. Nhưng mọi người đều phải thất vọng khi lãnh đạo công ty không có mặt, nhân viên thì phát thông báo dời buổi làm việc sáng ngày 13/1.
“Đáng lẽ hôm nay, chúng tôi lại đến công ty nhưng không ngờ bị bắt hết rồi” – bà Lan nói.
Theo lời bà Lan, thông qua người quen giới thiệu, bà biết tới Công ty Hà Nội Vàng (HGI) có nhận ủy thác đầu tư, cứ gửi tiền vào, công ty trả lãi suất cao, kỳ hạn 3 tháng được lãi suất 1,5%/tháng và muốn rút ra lúc nào cũng được. Người quen của bà cam đoan công ty này rất an toàn, nhiều người gửi lắm, cứ yên tâm.
Nghe bùi tai, bà Lan đã gửi vào 500 triệu đồng. Thế nhưng sau đó khi xem lại hợp đồng bà thấy hình thức gửi này rất rủi ro, mình chỉ gửi tiền vào, công ty muốn làm gì cũng được. Bởi vậy, chỉ 2 ngày sau khi gửi tiền, ngày 10/8/2014, bà Lan đến công ty đòi lại tiền.
Lúc trước, khi mời chào khách, công ty đảm bảo là muốn rút tiền lúc nào cũng được, nhưng khi bà đòi tiền khi khất lần khất lữa, hẹn 1 tuần sau rồi thành 1 tháng, 3 tháng. Đến nay vẫn chưa được trả lại tiền.
Số tiền này là toàn bộ tiền tiết kiệm dành để mua nhà của bà và hiện bà vẫn đang phải ở nhờ.
Được biết, vừa qua, Phòng PC50 Công an Hà Nội, đơn vị này vừa khám phá, điều tra, phá dỡ sàn vàng HGI kinh doanh trái phép, chiếm đoạt tiền của người đân.
Qua công tác nắm tình hình, điều tra về hoạt động kinh doanh sàn vàng ảo trên địa bàn Hà Nội, Đội 4 (Đội thương mại Điện tử), Phòng PC50 đã phát hiện một số đối tượng thành lập CTCP đầu tư tài chính Hà Nội Vàng (HGI) có trụ sở thành tầng 3,4 tòa nhà Artex số 172 Ngọc Khánh phường Giảng Võ Ba Đình Hà Nội nhằm dụ dỗ khách hàng góp vốn đầu tư để chiếm đoạt.
Hoạt động chủ yếu của HGI là kinh doanh vàng tài khoản và huy động vốn trái phép.
Nhiều người khác đã gửi tiền vào HGI và đang có nguy cơ mất sạch tài sản. Ông Vũ Tiến Tùng, 56 tuổi, ở Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội, cựu chiến binh, hiện làm nghề tự do. Hai vợ chồng ông đã gửi vào HGI 1,3 tỷ đồng. Ông Tùng kể biết đến HGI qua bạn bè của con.
“Thấy bảo gửi tiền ở đây lãi cao và an toàn, trả đầy đủ. muốn rút ra lúc nào cũng được nên gửi. Chúng tôi gửi từ đầu năm 2014. Mấy tháng trước đều trả lãi sòng phẳng nhưng đến tháng 9, 10 vừa qua thì bắt đầu chậm lãi. Thậm chí, công ty còn mời khách hàng đến nói thẳng là mất khả năng thanh toán. Do đó, chúng tôi báo công an đề nghị giải quyết” – ông Tùng nói.
Ông Tùng kể là góp vốn theo hợp đồng ủy thác đầu tư, tiền gửi vào công ty qua chuyển khoản, ông không hề đánh vàng tài khoản, chỉ gửi để hưởng lãi và số tiền này của cả bạn bè gửi, không phải của một mình ông.
Nhưng không chỉ có nguy cơ mất tiền, các nhà đầu tư của HGI còn lâm vào tình cảnh khó xử khác. Bà Vũ Thị Hoa ở Thanh Xuân, nhân viên văn phòng đã gửi vào HGI 1,9 tỷ đồng và rất lo lắng nếu bị người nhà biết. Bởi trong số tiền này, có cả tiền của gia đình nhà chồng. Hiện bà vẫn đang phải giấu gia đình.
Bà Hoa cho biết, đã gửi tiền ở HGI được 2 năm, không phải lúc nào cũng gửi nhiều như vậy, mà thường hay gửi vào rút ra nhiều lần, có khi chỉ gửi 100, 200 triệu đồng nhưng lần này là gửi nhiều nhất thì bị mất.
Rất nhiều bị hại khác không muốn nói nhiều về hoàn cảnh của mình, bởi tiền mất thì cũng mất rồi, nhưng nếu để xung quanh biết sẽ gặp nhiều phiền toái, “nhạy cảm”.
“Tiền mất thì đã mất rồi, từ từ rồi tính nhưng bây giờ nói ra nhiều người sẽ đến đòi vì tiền mình đem gửi có phải tiền riêng của mình đâu” – một nhà đầu tư nói.
Theo thông tin từ Phòng PC50 Công an Hà Nội, Cơ quan công an đã bắt giữ 19 đối tượng, thu giữ nhiều máy tính và tài liệu hóa đơn có liên quan đến hành vi kinh doanh trái phép của HGI.
HGI có chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Giám đốc HGI là Phùng Quốc Huy (sinh năm 1985, trú quán tại Sơn Tây, Hà Nội).
Qua điều tra ban đầu, các đối tượng khai nhận về hành vi kinh doanh vàng tài khoản. Công ty HGI thành lập tháng 5/2009 và đã hoạt động kinh doanh vàng tài khoản từ đó đến nay.
Công ty tổ chức sàn giao dịch vàng tài khoản, có website www.hgi.com.vn và sử dụng phần mềm MT4 được mua của đối tác nước ngoài. Nhà đầu tư để tham gia đầu tư vàng, bạc, dầu và 8 cặp ngoại tệ có thanh khoản lớn như USD, JP, Euro….
Đến nay có 3.037 nhà đầu tư tham gia kinh doanh vàng tài khoản tại công ty này.
Từ 5/2012, HGI còn tổ chức huy động vốn dưới dạng hợp đồng ủy quyền, ủy thác đầu tư với lãi suất rất cao. Kỳ hạn 3 tháng, lãi suất 1,5%/tháng; kỳ hạn 6 tháng lãi suất 1,8%/tháng; kỳ hạn 1 năm lãi suất 2%/tháng.
Khi giới thiệu được nhà đầu tư, nhân viên sẽ được hưởng 0,3% số tiền của nhà đầu tư ủy thác, nhân viên kế toán được hưởng 2,5% số tiền đó.
Bước đầu xác định, HGI đã nhận của nhà đầu tư 270 tỷ đồng và đến nay không có khả năng thanh toán.
Đáng chú ý, Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng PC50 cho biết, quá trình điều tra cho thấy nhiều người khi bị HGI chậm trả lãi, gốc đã không đến tố cáo với cơ quan công an vì tin vào hứa hẹn của HGI. Nếu không tố cáo thì HGI sẽ giải quyết quyền lợi.
Kể cả sau khi sàn vàng ảo bị triệt phá, trao đổi với ĐTCK, một số nhà đầu tư mất tiền vẫn tiếc nuối và tin rằng HGI “rất mạnh”, mạnh hơn cả Khải Thái (sàn vàng bị triệt phá trước đó – PV). “Nếu không bị vỡ thì nó (HGI-PV) vẫn hoạt động bình thường, chẳng làm sao cả, vẫn trả được tiền cho người gửi” – một nhà đầu tư nói.
Tuy nhiên, theo lời kể của ông Tùng thì chính HGI đã thẳng thừng trả lời nhà đầu tư rằng công ty mất khả năng thanh toán.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.