Nhiều thách thức khi áp dụng BSC trong doanh nghiệp nhỏ và vừa
Để triển khai thẻ điểm cân bằng (BSC) thành công, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đòi hỏi sự cam kết bền vững từ các nhà quản lý trong việc sử dụng BSC.
BSC lần đầu tiên được giới thiệu vào đầu những năm 1990, là một trong những công cụ quản trị hiệu quả được nhiều doanh nghiệp áp dụng để theo dõi tiến độ thực hiện chiến lược và đánh giá hiệu quả hoạt động.
BSC đã và đang được sử dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng BSC trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Điển hình có thể kể tới như thiếu sự cam kết thực hiện của nhà quản lý cấp cao. Nếu nhà quản lý cấp cao không thống nhất các mục tiêu và tin vào giá trị mà BSC mang lại thì trong quá trình thực hiện sẽ gặp phải các trở ngại về nguồn lực cũng như các nhóm có quan điểm đối lập.
Cạnh đó là thiếu sự ủng hộ của nhà quản lý, những người trực tiếp triển khai thực hiện cũng như cung cấp thông tin cho nhà quản lý cấp cao. Nếu các nhà quản lý không ủng hộ cũng như ít tham gia cùng nhau để hỗ trợ và thực hiện xây dựng các mục tiêu, các thước đo thì sẽ không có các cam kết chung để cùng nhau thực hiện chiến lược của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các chỉ tiêu xây dựng không phản ánh chiến lược, không liên kết với chiến lược do đó không chuyển hóa được tầm nhìn và chiến lược của tổ chức thành những mục tiêu và thước đo cụ thể.
Các doanh nghiệp xây dựng quá ít hoặc quá nhiều các chỉ tiêu đo lường trong mỗi khía cạnh và đang chủ yếu sử dụng các chỉ tiêu tài chính. Xây dựng quá ít chỉ tiêu dẫn đến không có sự cân bằng giữa các chỉ tiêu tài chính và chỉ tiêu phi tài chính; ngược lại có quá nhiều các chỉ tiêu đo lường lại dẫn đến mất tập trung và khó xác định được mối liên hệ giữa các chỉ tiêu với nhau.
Chỉ triển khai BSC với các nhà quản lý mà không chia sẻ với nhân viên cũng là một trong những thách thức nổi cộm. Điều này dẫn đến BSC không hỗ trợ được trong quá trình thực hiện. Quá trình triển khai BSC mất quá nhiều thời gian, dẫn đến mục tiêu đã thay đổi, các chỉ tiêu đo lường không còn phù hợp, từ đó không đánh giá được đúng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Trong môi trường kinh doanh ngày nay, chiến lược đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp, chiến lược có thể coi như kim chỉ nam dẫn đường cho doanh nghiệp đi đúng hướng.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy hầu hết các doanh nghiệp không thực hiện thành công chiến lược. BSC hỗ trợ các tổ chức vượt qua các vấn đề chính là tổ chức hiệu quả đo lường hiệu suất và thực hiện chiến lược.
Tóm lại, BSC là một công cụ để các DNNVV đưa ra các quy trình hoạch định chiến lược hiệu quả trong khi vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh do có cấu trúc tương đối đơn giản và có thể đạt được các lợi ích BSC mang lại mà không cần phát triển một hệ thống đo lường phức tạp.
Để triển khai BSC thành công, bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức nào cũng đòi hỏi sự cam kết bền vững từ các nhà quản lý trong việc sử dụng BSC, đảm bảo rằng sẽ thúc đẩy những thay đổi cần thiết trong tổ chức để triển khai BSC...