Nhiều thị trường chứng khoán tại châu Á tăng hơn 1%


Chứng khoán Hong Kong tăng mạnh nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương với Hang Seng tăng hơn 2%; chứng khoán Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia tăng ít nhất 1,2% nhờ tín hiệu tích cực trong quan hệ thương mại Mỹ - Mexico.

Nhiều thị trường chứng khoán tại châu Á tăng điểm. Nguồn: Yahoo Finance.
Nhiều thị trường chứng khoán tại châu Á tăng điểm. Nguồn: Yahoo Finance.

Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương không tính Nhật Bản tăng 1% trong cả phiên hôm nay.

Phiên 10/6, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 613 điểm, tương đương gần 2,3%. Trong đó, cổ phiếu của hãng công nghệ Tencent tăng hơn 2,9%.

Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite cũng lần lượt tăng 0,8% và 1,3%.

Sau kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài 3 ngày, giới đầu tư tại Trung Quốc – Hong Kong mạnh tay mua vào trước một số tín hiệu tích cực.

Cuối tuần trước, thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết vẫn còn nhiều dư địa để chính phủ nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ. Đến sáng nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 5 là 41,65 tỷ USD, vượt xa con số ước tính 20,5 tỷ USD do các nhà kinh tế đưa ra.

Tại Nhật Bản, Nikkei 225 cũng tăng gần 250 điểm, tương đương 1,2%. Chứng khoán Nhật Bản tăng sau khi chính phủ công bố tăng trưởng GDP quý I cao hơn ước tính ban đầu, đạt 2,2%.

Kospi của Hàn Quốc cũng tăng 1,3% trong cả phiên hôm nay.

Chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc được hỗ trợ một phần bởi cổ phiếu ôtô sau khi ông Trump rút lại lệnh áp thuế đối với hàng hóa Mexico. Kia Motors của Hàn Quốc tăng 4%, Toyota và Nissan của Nhật Bản lần lượt tăng 1,5% và 0,9%.

Ngoài ra, Straits Times của Singapore và JSX của Indonesia cũng tăng lần lượt 0,8% và 1,3%.

Chứng khoán Australia đóng cửa nghỉ lễ trong hôm nay.

Cuối tuần trước, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ và Mexico đã đạt được một thỏa thuận thương mại. Theo đó, Washington sẽ không áp thuế lên hàng Mexico nhập khẩu từ ngày 10/6 như kế hoạch trước đó. Đổi lại, Mexico đồng ý thực hiện các biện pháp mạnh để chặn dòng người nhập cư qua nước này về biên giới Mỹ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông Trump sẽ quyết định xem có nên tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sau khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tháng 6.

Mặc dù quan hệ thương mại Mỹ - Trung vẫn đang bế tắc, tín hiệu tích cực từ vòng đàm phán giữa Mỹ và Mexico giúp xoa dịu lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn giao dịch thận trọng để chờ đợi một sự kiện lớn hơn.

“Mọi người đều đang hy vọng rằng họ (Mỹ và Trung Quốc) sẽ đạt được thỏa thuận. Đó sẽ không phải là một cuộc họp dễ dàng. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa thấy dấu hiệu thỏa hiệp nào giữa hai bên”, ông Vasu Menon, Phó chủ tịch mảng quản lý tài sản tại ngân hàng OCBC, cho biết.

Ngoài tín hiệu tích cực về thương mại quốc tế, thị trường việc làm tại Mỹ có dấu hiệu giảm tốc đáng kể trong tháng 5, khi chỉ tăng thêm 75.000 việc làm, thấp hơn nhiều so với dự đoán của giới phân tích là 185.000. Tuy nhiên, đây lại là điều kiện để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ.

“Thỏa thuận giữa Mỹ và Mexico giúp cải thiện tâm lý của nhà đầu tư. Kỳ vọng Mỹ hạ lãi suất cũng hỗ trợ thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung, vấn đề quan trọng nhất của các thị trường hiện nay, vẫn không có tiến triển nên giá cổ phiếu sẽ không tăng mạnh”, theo ông Masahiro Ichikawa, chiến lược gia cấp cao tại quỹ quản lý tài sản Sumitomo Mitsui DS.