Thị trường các nước mới nổi “mắc kẹt” giữa hai thái cực đối lập
Thứ nhất, người ta hào hứng khi đồng USD giảm giá bởi dự báo Mỹ sẽ sớm hạ lãi suất cơ bản đồng USD. Thứ hai, người ta lo sợ về chiến tranh thương mại do Tổng thống Trump phát động.
Hiện tại ở các thị trường mới nổi đang có 2 yếu tố đối lập nhau. Thứ nhất, người ta hào hứng khi đồng USD giảm giá bởi dự báo Mỹ sẽ sớm hạ lãi suất cơ bản đồng USD. Thứ hai, người ta lo sợ về chiến tranh thương mại do Tổng thống Trump phát động.
Dù Mexico đã tránh được khả năng bị tăng thuế với hàng xuất khẩu, Washington vẫn đang tiếp tục chiến dịch thay đổi các thỏa thuận thương mại trên khắp thế giới, điều này không khỏi tác động xấu đến các nền kinh tế toàn cầu. Số liệu về xuất nhập khẩu Trung Quốc công bố ngày thứ Hai sẽ cho thấy rõ ràng điều đó.
Thế nhưng tác động từ những dòng trạng thái Twitter của Tổng thống Trump hẳn sẽ gây ra ít tác động nghiêm trọng hơn lên tài sản các nước mới nổi nếu đồng USD thực sự bước vào xu thế giảm giá.
Chuyên gia quản lý quỹ tại Fidelity International, ông Paul Greer, nhận xét: “Nhìn chung, chúng tôi vẫn khá tích cực với nợ các nước mới nổi. Giờ đây chúng tôi đang nhìn thấy cơ hội sau khoảng thời gian 3,4 tháng các đồng tiền nhóm nước mới nổi gặp khó khăn”.
Tính đến cuối ngày thứ Sáu, giá trái phiếu đồng nội tệ của các nước đang phát triển tăng 8 ngày liên tiếp – chuỗi thời gian tăng giá dài nhất tính từ tháng 1/2018.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina, cho biết các nhà hoạch định chính sách Nga sẽ có thể hạ lãi suất cơ bản đồng rúp lần đầu tiên trong 1 năm trong cuộc họp vào ngày thứ Sáu tuần này. Giới đầu tư dự báo khả năng Ngân hàng Trung ương các nước mới nổi hiện đã lên cao nhất trong hơn 1 năm.
Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ họp bàn về vấn đề lãi suất trong ngày thứ Tư. Phần lớn các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg dự báo rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ vẫn giữ lãi suất cơ bản ở mức hiện tại mặc dù lạm phát vào tháng trước rớt xuống dưới mức 19%.
Dù đồng lira tăng giá trong thời gian gần đây, hiện vẫn còn quá sớm để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Trung ương Peru nhiều khả năng sẽ vẫn giữ lãi suất cho vay ở mức thấp nhất trong 9 năm trong buổi họp chính sách vào ngày thứ Năm khi mà căng thẳng thương mại tồi tệ hơn tác động xấu đến giá đồng và khiến cho triển vọng xuất khẩu u ám hơn.
Số liệu kinh tế Trung Quốc công bố trong tuần này, bao gồm số liệu về đầu tư tài sản cố định, doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp, sẽ cho thấy kinh tế Trung Quốc đang diễn biến như thế nào trong bối cảnh chiến tranh thương mại ngày một tồi tệ hơn.