Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại Lào Cai
Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương. Mang trong mình nhiều giá trị đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cũng như bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc, Lào Cai hiện là một điểm đến du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái và văn hóa được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích. Phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân bản địa.
Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại Lào Cai
Về tài nguyên thiên nhiên, Lào Cai sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với đỉnh Fansipan - Nóc nhà Đông Dương, đỉnh Ky Quan San, vùng đất “mây” Ý Tý, Cao nguyên trắng Bắc Hà, khí hậu mát mẻ rất thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái và khám phá, mạo hiểm. Với hệ thống động thực vật phong phú, trong đó có những loài quý và hiếm, vườn Quốc gia Hoàng Liên có giá trị về đa dạng sinh học; khí hậu phù hợp phát triển nông nghiệp, cây ôn đới, nhiệt đới… Lào Cai có nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch khám phá, nghiên cứu, trải nghiệm, du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp độc đáo, hấp dẫn gắn với xóa đói giảm nghèo.
Về tài nguyên văn hóa, Lào Cai là địa bàn cư trú của 25 cộng đồng các dân tộc thiểu số, có nhiều di sản văn hóa, di tích khảo cổ và trên 13 nghìn hiện vật thời kỳ văn hóa Đông Sơn, bãi đá cổ Sa Pa được xếp hạng di sản văn hóa của nhân loại; nghi lễ kéo co của người Tày, người Giáy được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lào Cai là địa phương có đặc điểm đa dạng văn hóa với 13 dân tộc thuộc 25 ngành, nhóm khác nhau. Mỗi dân tộc lại có bản sắc văn hóa riêng.
Trong suốt thời gian qua, tỉnh Lào Cai luôn quan tâm đến việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản văn hóa, gắn bảo tồn với khai thác phục vụ phát triển du lịch. Hiện nay, Lào Cai là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa phi vật thể với 33 di sản, trong đó có 02 di sản được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ðây chính là lợi thế, tiềm năng về du lịch, cho phép địa phương có thể “Biến di sản thành tài sản” trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, quá trình đấu tranh bảo vệ, xây dựng vùng đất biên cương cũng để lại cho Lào Cai nhiều di tích văn hóa và lịch sử nổi tiếng như: Thành cổ Nghị Lang (huyện Bảo Yên); đền Trung Đô, đền Bắc Hà (huyện Bắc Hà); đền Bảo Hà, đền Phúc Khánh (huyện Bảo Yên); đền Thượng... Điều đó cũng giúp Lào Cai hình thành nên hệ thống các sản phẩm du lịch cộng đồng mang tính đặc thù như: Ruộng bậc thang, chợ phiên, trình diễn nghề thủ công, các lễ hội văn hóa…
Ngoài ra, Lào Cai cũng nổi tiếng với các vùng sinh thái nông nghiệp, gắn với các đặc sản của vùng miền như: Rượu ngô, mận (Bắc Hà); rau ôn đới, cây dược liệu quý, cá hồi, cá tầm (Sa Pa); rượu Shan Lùng (Bát Xát); gạo Séng Cù (Mường Khương)... hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến khám phá.
Những kết quả đạt được
Giai đoạn 2015-2020 hoạt động du lịch cộng đồng phát triển sôi động và thu hút sự quan tâm ở rất nhiều địa phương tại Việt Nam. Các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển du lịch cộng đồng đã được Đảng, Nhà nước ban hành. Trên cơ sở đó, ngành Du lịch đã ban hành các tiêu chuẩn làm căn cứ, tạo thuận lợi cho công tác quản lý chất lượng du lịch cộng đồng như: Tiêu chuẩn quốc gia nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê TCVN 7800:2009 được ban hành năm 2009 và điều chỉnh, bổ sung năm 2017. Trong khu vực ASEAN có Tiêu chuẩn homestay ASEAN ban hành năm 2014; Tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN ban hành năm 2015. Bên cạnh đó, chính quyền và ngành Du lịch Lào Cai xây dựng, tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn; không ngừng cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng du lịch; chú trọng phát triển du lịch làng, bản, du lịch cộng đồng; tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch trong nhân dân cũng như chính quyền.
Trong những năm qua, du lịch Lào Cai đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, đang dần trở thành lĩnh vực đột phá trong phát triển kinh tế của Tỉnh. Giai đoạn 2015 – 2019, du lịch Lào Cai đạt tốc độ tăng trưởng cao, với mức tăng trưởng bình quân khách du lịch đạt 22,6%/năm; tổng thu từ khách du lịch đạt 44,2%/năm. Năm 2019, tổng lượt khách du lịch đến Lào Cai đạt 5,1 triệu lượt; tổng thu du lịch năm 2019 đạt 19.200 tỷ đồng. Năm 2020, do tác động của dịch bệnh COVID-19 nhưng tổng lượng khách đến Lào Cai đạt gần 2,3 triệu lượt khách du lịch; công suất sử dụng phòng nghỉ khách sạn vào các dịp cuối tuần đạt trên 80%. Trong đó, có thể khẳng định rằng, doanh thu của du lịch cộng đồng đóng góp không hề nhỏ trong tổng doanh thu chung của du lịch tỉnh Lào Cai.
Đến nay, Lào Cai đã trở thành điểm đến du lịch cộng đồng yêu thích của khách du lịch. Thống kê cho thấy, Lào Cai đã có trên 20 tuyến điểm du lịch cộng đồng tại: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên... Từ việc phát huy lợi thế về các tuyến điểm du lịch và việc hình thành các tuyến đi bộ hấp dẫn tại Sa Pa, Bắc Hà... Lào Cai đã xây dựng và đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch cộng đồng với tên gọi "Một ngày làm cô dâu người H’mông", "Một ngày làm nông dân người Dao", thi nấu rượu, thi dệt thổ cẩm với du khách…
Nhiều sự kiện quy mô cấp quốc gia và quốc tế được tổ chức thành công, đặc biệt đã hình thành các sự kiện văn hóa, thể thao nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, như: Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, Giải marathone vượt núi quốc tế VMM, Giải đua xe đạp quốc tế một đường đua hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc, Giải đua xe đạp vượt núi quốc tế, Giải đua xe đạp Đền Thượng, Lễ hội 4 mùa, Lễ hội trên mây Sa Pa, chương trình du lịch chinh phục đỉnh Fansipan, Ky Quan San, Nhìu Cồ San, khám phá đường đá cổ Pavi, thác Rồng Trung Lèng Hồ, giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, giải đua ngựa “vó ngựa trên mây” Sa Pa...
Phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai không những góp phần bảo tồn nền văn hóa bản địa, mà còn mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế cho người dân địa phương. Trước hết, du lịch góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc tham gia vào các chuỗi du lịch. Thống kê cho thấy, tại Lào Cai hơn 350 hộ gia đình dân tộc thiểu số tham gia kinh doanh lưu trú tại gia. Lào Cai được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch ghi nhận là địa phương đứng đầu cả nước về phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng homestay, phổ biến tại các xã: Tả Van, Tả Phìn (thị xã Sa Pa), Ý Tý (huyện Bát Xát), Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Tả Van Chư, Bản Liền (huyện Bắc Hà), Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên). Đặc biệt, người Dao ở các xã Tả Phìn, Tả Van, Nậm Cang... (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã chuyển từ độc canh cây lúa sang làm du lịch. Mỗi năm, các điểm du lịch của người Dao đón hơn 4 vạn du khách, tổng nguồn thu ước đạt hơn 20 tỷ đồng. Năm 2017, thu nhập bình quân từ du lịch di sản của mỗi hộ gia đình người Dao ở Tả Phìn, Tả Van là khoảng 25 triệu - 60 triệu đồng; đến năm 2019, con số này tăng lên 50-75 triệu đồng (Trần Hữu Sơn, 2021).
Bên cạnh đó, sự phát triển du lịch cộng đồng cũng đem lại cơ hội phục hồi và phát triển của một số nghề truyền thống và các phong tục, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa các dân tộc, thúc đẩy hoàn thành tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Các sản phẩm ẩm thực và thủ công truyền thống như: thổ cẩm, nhạc cụ truyền thống, trang sức bằng bạc, thắng cố, xôi bảy màu, lạp sườn, tương ớt, gạo Séng Cù, gà thuốc… cùng các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống đã thu hút được sự tham gia của du khách và các đơn vị lữ hành, góp phần quảng bá trực tiếp cho các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Một số hạn chế và giải pháp khắc phục
Theo đánh giá của Tổ chức Phát triển du lịch Hà Lan, mặc dù Lào Cai có những nguồn lực du lịch ấn tượng và xu hướng thị trường tốt, song vẫn chưa phát huy hết các giá trị văn hóa dân tộc để phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. Ngoài một số ít những điểm du lịch đã được xây dựng, đến nay việc khai thác và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng diễn ra trên địa bàn Lào Cai rất chậm và chưa khai thác được hết tiềm năng, thế mạnh.
Các sản phẩm du lịch cộng đồng của Lào Cai vẫn chưa thật sự có chiều sâu, chưa chuyên nghiệp, phần lớn sản phẩm du lịch cộng đồng mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản; Nguồn thu từ dịch vụ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng... Thực trạng này đòi hỏi trong thời gian tới Lào Cai cần có những bước cải cách mạnh hơn nữa. Để tạo sức bật cho du lịch cộng đồng ở Lào Cai rất cần sự tham gia tích cực của người dân bản địa; chú trọng phát huy mô hình du lịch cộng đồng có sự liên kết chặt chẽ của “4 nhà”: Nhà nước định hướng và xây dựng chính sách quản lý phát triển du lịch cho toàn vùng; Hộ gia đình tham gia làm du lịch đều có quyền lợi và nghĩa vụ bảo tồn di sản văn hoá dân tộc; Các doanh nghiệp tăng cường quảng bá đưa du khách đến tham quan; Các nhà tư vấn tích cực tư vấn cho người dân các biện pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Đặc biệt, Lào Cai cần đẩy mạnh phát triển du lịch đồng gắn với gìn giữ cảnh quan tự nhiên, sự đa dạng sinh học, những nét văn hóa bản địa đặc sắc và bảo vệ được môi trường cần xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách. Thực tế cho thấy, du lịch cộng đồng là sản phẩm thu hút 70% sự quan tâm của du khách nước ngoài khi đến Lào Cai. Dưới tác động của đại dịch COVID-19, hàng loạt các homestay truyền thống ở thôn, bản hoạt động cầm chừng.
Do đó, cần quan tâm xây dựng và nhân rộng sản phẩm mới chất lượng, giá thành hợp lý, bắt đúng nhu cầu thị hiếu khách hàng phục vụ du khách như: Đồi hoa tím của Fansipan, các homestay Swing Sa Pa, Y Tý Ecologe... Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, phát hiện để có thể mở thêm các tuyến du lịch hấp dẫn ở vùng sâu, vùng xa, kết hợp với việc phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo của bà con dân tộc thiểu số; duy trì các phiên chợ văn hóa vùng cao nhằm hướng tới việc khôi phục, bảo tồn nét văn hóa địa phương, đồng thời khai thác văn hóa vào phát triển du lịch.
Hơn nữa, việc phát triển du lịch cộng đồng không thể nóng vội, chạy theo phong trào mà cần có chiến lược bài bản, đảm bảo phát triển theo hướng bền vững. Bởi vậy, UBND tỉnh Lào Cai cần xây dựng những chiến lược dài hơi để phát triển, như xây dựng Đề án phát triển riêng cho du lịch cộng đồng của Tỉnh, trong đó nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan chuyên ngành cần thực hiện các biện pháp nâng cao trình độ văn hóa cho đồng bào và đề cao vai trò của người dân trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng.
Đồng thời, cần lưu ý tới tính liên kết trong vùng miền núi phía Bắc, phát huy tính liên kết du lịch giữa các địa phương trong vùng. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc cải tạo nguồn thu nhập và nâng cao đời sống của một bộ phận đồng bào, mà còn giúp người dân mở mang kiến thức, góp phần giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong vùng.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XV (2018), Chương trình hành động số 148-CTr/TU, ngày 28/07/2017 của thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/ TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XVI (2020), Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025;
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai (2015-2020), Báo cáo tổng kết các năm, từ năm 2015 đến 2020;
4. Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Tâm (2021), Du lịch Lào Cai tìm hướng phục hồi tăng trưởng và phát triển bền vững, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 6/2021;
5. Trần Hữu Sơn (2021), Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch di sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, https://www. tapchicongsan.org.vn;
6. Thành Tâm (2020). Du lịch cộng đồng Sa Pa thời nay, https:// laocaitourism.vn.
(*) Nguyễn Thị Như Quỳnh - Đảng ủy phường Xuân Tăng, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai
(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 9/2021