Nhìn lại tổng quan quan hệ thương mại của châu Á với Nga tính từ khủng hoảng Nga – Ukraine
Nhiều nền kinh tế châu Á tăng cường nhập khẩu từ Nga khi giá năng lượng cao, và đối với nhiều nước, hoạt động nhập khẩu của họ vẫn tiếp tục bởi quan hệ kinh tế từ trước đó với Nga.
Xuất khẩu sang Nga của một số nền kinh tế châu Á giảm đáng kể trong tháng 3/2022, nó cho thấy tác động rõ ràng của căng thẳng Nga – Ukraine và các biện pháp trừng phạt kinh tế sau đó do một số chính phủ các nước châu Á áp dụng.
Theo báo Nikkei, tuy nhiên, cũng trong cùng tháng trên, nhiều nền kinh tế châu Á tăng cường nhập khẩu từ Nga khi giá năng lượng cao, và đối với nhiều nước, hoạt động nhập khẩu của họ vẫn tiếp tục bởi quan hệ kinh tế từ trước đó với Nga.
Xuất khẩu của Nhật sang Nga trong tháng 3/2022 giảm 31,5% tính theo giá trị, đây là tháng sụt giảm đầu tiên so với cùng kỳ năm tính trong 13 tháng gần nhất, ước tính mới đây nhất của Bộ Tài chính Nhật cho hay.
Tổng xuất khẩu của Nhật trong khi đó tăng 14,7% lên 8,46 nghìn tỷ yên tức khoảng 65 tỷ USD, chạm mức cao kỷ lục nếu tính riêng theo tháng.
Nga chiếm khoảng 1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật trong năm 2021, một số mặt hàng chủ chốt bao gồm ô tô và phụ tùng ô tô.
Vào cuối tháng 2/2022, Nhật thông báo sẽ cấm xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn hay nhiều sản phẩm công nghệ cao sang Nga. Nhiều doanh nghiệp đã lập tức phải giảm bớt các hoạt động kinh doanh với phía Nga, không ít doanh nghiệp ngừng hẳn.
Xu thế tương tự có thể thấy ở nhiều nền kinh tế châu Á khác. Xuất khẩu của Singapore sang Nga giảm 86,5% so với cùng kỳ năm trước trong khi đó tổng kim ngạch xuất khẩu của Singapore tăng 13,9%.
“Tôi nghĩ việc thương mại với Nga giảm sâu chủ yếu do các biện pháp trừng phạt kinh tế. Có thể có một số hoạt động vận tải bị chững lại”, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Đông Nam Á tại Oxford Economíc – bà Priyanka Kishore chỉ ra.
Vào đầu tháng 3/2022, Singapore thông báo về loạt biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga, trong đó có việc cấm xuất khẩu nhiều sản phẩm quân sự, hàng điện tử, máy tính và các thiết bị viễn thông, đồng thời yêu cầu các tổ chức tài chính của Singapore tạm thời đóng băng tài sản của 4 ngân hàng Nga.
Xuất khẩu của Đài Loan sang Nga cũng giảm trong tháng 3/2022, mức giảm ghi nhận lên đến 55,3% sau khi tăng liên tục 14 tháng. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Nga tính theo giá trị đồng USD hạ 55,6% và như vậy ghi nhận tháng giảm đầu tiên tính từ tháng 8/2020, theo ước tính của CEIC.
Tất cả các biện pháp trừng phạt dự kiến sẽ ảnh hưởng lên kinh tế Nga. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất công bố ngày thứ Ba đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nga xuống còn âm 8,5% từ mức dương 2,8% trước đó.
Việt Nam, một trong số ít nước châu Á có thỏa thuận thương mại với Nga, công bố xuất khẩu sang Nga hạ đến 83,9% bởi có những khó khăn trong vận chuyển cà phê và nhiều loại nông sản khác.
Xuất khẩu từ Indonesia sang Nga giảm quá nửa trong tháng 3/2022. Cơ quan thống kê Indonesia công bố đây là mức giảm sâu nhất trong số tất cả các thị trường xuất khẩu của Singapore.
Tuy nhiên, theo nhiều số liệu thương mại mới công bố, nhiều nền kinh tế châu Á trong tháng 3/2022 vẫn tăng cường nhập khẩu từ Nga. Nhập khẩu từ Nga vào Nhật tăng 89,6% so với cùng kỳ còn con số tương tự với Hàn Quốc, Đài Loan tăng 43,6% và 9,1%.
Hàn Quốc cũng hợp tác với các nước phương Tây trong việc trừng phạt Nga thế nhưng không thể hoàn toàn độc lập về năng lượng với nước này. Trung Quốc, nước luôn né tránh mọi quan điểm chỉ trích Nga, cũng vẫn tiếp tục mua năng lượng của Nga. Nga tăng cường bán dầu sang các nước châu Á khác với giá rẻ nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây.