Nhìn lại việc triển khai các nhóm giải pháp trong Nghị quyết số 35/NQ-CP

PV.

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 của Chính phủ, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai nhiều nhóm giải pháp, tạo điều kiện và hỗ trợ cộng đồng DN phát triển.

Thủ tướng đã gặp gỡ nhiều đại diện doanh nghiệp, các doanh nhân trong nước và nước ngoài. Nguồn: chinhphu.vn
Thủ tướng đã gặp gỡ nhiều đại diện doanh nghiệp, các doanh nhân trong nước và nước ngoài. Nguồn: chinhphu.vn

Sáng 17/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì "Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2017". Với chủ đề “Đồng hành cùng DN”, Hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ DN phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Tại hội nghị này, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về sơ kết 01 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, một số giải pháp đã được triển khai trong năm 2016, phần lớn các nhiệm vụ sẽ được triển khai trong giai đoạn 2017-2020. Trong gần 1 năm qua, đã có rất nhiều nhóm giải pháp được đưa ra và triển khai một cách đồng bộ trong thời gian qua, cụ thể:
Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN

Theo đó, thủ tục về thuế và hải quan đã được đẩy mạnh thông qua việc áp dụng  hiện đại hoá, giảm thủ tục, thời gian và chi phí cho DN. Hệ thống khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử đã được triển khai tại 63 Cục thuế và 100% chi cục thuế trực thuộc. DN kê khai điện tử đạt tỷ lệ 99,64 % và được hỗ trợ nộp thuế xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử. Số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thuế năm 2016 đã giảm 85 thủ tục so với 2015…

Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 04 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ ASEAN. Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 11/14 Bộ. Ngoài thủ tục thông quan hàng hóa (Bộ Tài chính), 37 thủ tục hành chính của 09 Bộ còn lại đã được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Tổng số bộ hồ sơ hành chính đã được xử lý trên cổng là 264 nghìn bộ hồ sơ, với sự tham gia của hơn 8,2 nghìn DN.

Đăng ký DN qua mạng điện tử đã được đưa vào vận hành, đáp ứng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, góp phần giảm thời gian, chi phí thành lập DN và xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người. Trong lĩnh vực đăng ký DN, hiện có 95/115 quy trình đạt tiêu chuẩn dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tỷ lệ hồ sơ được chấp thuận ngay lần đầu tiên đạt gần 86%, tỷ lệ hồ sơ trả kết quả đúng hẹn đạt gần 90%.

Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của DN trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ do Văn phòng Chính phủ điều hành đã tiếp nhận tổng cộng 586 phản ánh, kiến nghị của DN, trong đó, Văn phòng Chính phủ đã phân loại, chuyển 489 phản ánh, kiến nghị tới các Bộ ngành, địa phương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Đến nay, đã có 372 phản ánh, kiến nghị đã được các Bộ ngành, địa phương xử lý và trả lời DN, đạt tỷ lệ 76,1%...

Mặc dù vậy, phản ánh từ cộng đồng DN cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, các DN vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục hành chính, đầu tư kinh doanh gây phiền hà, tồn thời gian, chi phí và đâu đó làm cho DN mất niềm tin.

Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo

Tinh thần quyết tâm thúc đẩy khởi nghiệp, lập nghiệp của Thủ tướng Chính phủ không chỉ được các cơ quan nhà nước, địa phương hưởng ứng mạnh mẽ mà đã lan toả sang cả khu vực tư nhân.

Trong năm 2016, hàng trăm hội nghị, hội thảo, sự kiện, cuộc thi về khởi nghiệp được tổ chức; 28 không gian làm việc chung và sáng tạo ra đời, đa số của tổ chức tư nhân; mạng lưới các nhà đầu tư cá nhân cho khởi nghiệp bắt đầu được hình thành; nhận thức của cả xã hội về khởi nghiệp đã được nâng lên đáng kể.

Các chính sách, biện pháp hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đã được rà soát, đánh giá và đề xuất lồng ghép vào Luật Hỗ trợ DNNVV. Việc sửa đổi, bổ sung chức năng và nhiệm vụ của Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo… đang được các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phối hợp, khẩn trương xây dựng để tằng cường nguồn vốn cho DNNVV, DN khởi nghiệp sáng tạo; việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách đầu tư đối với DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được thực hiện. Các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội DN đã có nhiều chương trình hỗ trợ DN, đặc biệt là DNNVV, DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo…

Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang được Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai. Các địa phương như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Điện Biên, Thừa Thiên-Huế, Phú Yên, Cần Thơ, Sóc Trăng… đã xây dựng và đang triển khai kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp một cách tích cực...

Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg theo hướng tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá các DN nhà nước, dự kiến đến 2020 chỉ còn 103 DNNN, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực: quốc phòng an ninh, xổ số, truyền tải điện, in đúc tiền, công ích, xuất bản.... Theo đó, 137 DN sẽ thực hiện cổ phần hóa đến năm 2020, trong đó bao gồm nhiều DN lớn, hoạt động trong những ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Việc thực hiện quyết liệt công tác cổ phần hoá DNNN sẽ mở ra thị trường, nhường chỗ cho khu vực tư nhân tham gia.

Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, một số nghị định về kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo lường, chuẩn đo lường; về kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe máy... Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) đã được hoàn thiện, chờ phê duyệt. Nghị định về DN khoa học công nghệ đã được sửa đổi theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc đăng ký, chứng nhận và hoạt động của DN khoa học công nghệ.

Về tiếp cận vốn, để duy trì lãi suất hợp lý, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện các biện pháp cân đối vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất huy động ổn định từ cuối tháng 9/2016.

Một số TCTD lớn đã điều chỉnh giảm từ 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động và có xu hướng giảm khoảng 0,5-1%/năm. Hiện lãi suất cho vay phổ biến 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; đối với nhóm khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các TCTD tập trung nghiên cứu đề xuất các chương trình nhằm tạo thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; khuyến khích công bố những gói sản phẩm hỗ trợ DN, nhất là DNNVV. Một số ngân hàng thương mại đã chủ động xây dựng các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất để hỗ trợ DN.

Tuy nhiên, theo phản ánh từ phía cộng đồng DN vấn đề tiếp cận vốn còn rất nhiều khó khăn.

Giảm chi phí kinh doanh cho DN

Theo đó, để rà soát các quy định pháp luật về đất đai theo hướng điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của DN, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ cho triển khai biện pháp mở rộng phạm vi áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất cho DN.

Việc điều chỉnh mức thu phí sử dụng đường bộ, phí BOT: 15 Thông tư đã được ban hành để điều chỉnh mức thu phí của 29 trạm thu phí, vượt 10 trạm so với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số trạm thu phí còn chưa giảm được do nhà đầu tư không đồng ý với phương án giảm phí do ảnh hưởng đến việc trả nợ, trả lãi vay như đã tính toán trong hợp đồng.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp tục tập trung đẩy nhanh công tác quyết toán chi phí đầu tư các dự án BOT, cập nhật lại các yếu tố đầu vào như cơ chế kiểm tra, kiểm soát lưu lượng phương tiện, doanh thu thực tế để có cơ sở tính thời gian hoàn vốn và mức phí của các dự án đầu tư theo hình thức BOT; cần khắc phục ngay công tác quản lý dự án, vị trí lắp đặt trạm thu phí, mức thu phí… và công khai thông tin liên quan, đảm bảo minh bạch. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã ban hành Thông tư quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ quản lý.

Về các khoản phụ thu bất hợp lý đối với hàng xuất nhập khẩu, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan lập tổ công tác liên ngành về việc các hãng tàu nước ngoài thu các khoản phụ thu bất hợp lý đối với hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam, đồng thời đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý, giám sát đối với giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển của DN vận tải biển.

Các nội dung quy định về quản lý cước vận tải biển và phụ phí theo cước vận tải biển đã được đưa vào Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Nghị định số 146/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/7/2017) nhằm tạo sự đồng thuận giữa hãng tàu và chủ hàng xuất nhập khẩu trong việc ký kết hợp đồng vận chuyển đảm bảo công khai, minh bạch các khoản thu, ngăn chặn tình trạng tuỳ tiện ép giá đối với DN xuất nhập khẩu hiện nay.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 218/2013/NĐ-CP về thuế thu nhập DN, Bộ Tài chính đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ trước mắt chưa thực hiện và đã được đồng ý.

Về điều chỉnh lương tối thiểu vùng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2016/NĐ-CP ngày 14/11/2016 quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017), tăng từ 180 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng so với hiện hành năm 2016, mức bình quân tăng 7,3%. Đây là mức điều chỉnh tăng thấp nhất trong 05 năm gần đây.

Các chính sách thuộc lĩnh vực bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cũng được rà soát, một số nội dung được điều chỉnh như điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quy định người sử dụng lao động hàng tháng đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, thay vì mức đóng cố định 1%; đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp...

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN

Về công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và kiểm toán, Thanh tra Chính phủ đã quán triệt giảm mật độ và hạn chế chồng chéo trong hoạt động thanh tra tại các DN; tăng cường công tác thanh tra, phát hiện xử lý vi phạm, góp phần lành mạnh môi trường đầu tư kinh doanh...

Về nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm), một số địa phương như Đà Nẵng, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Bình, Đắk Lắc, Sóc Trăng … đã ban hành văn bản đôn đốc, hướng dẫn trong việc phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc, còn hầu hết các địa phương chưa có hướng dẫn cụ thể.

Về đảm bảo an ninh kinh tế, tạo điều kiện cho DN, Bộ Công an chú trọng nắm tình hình, thu thập thông tin hỗ trợ DN trong lựa chọn đối tác nước ngoài, đã tiếp nhận 86 yêu cầu xác minh đối tác, phát hiện 13 trường hợp có dấu hiệu nghi vấn lừa đào, 11 trường hợp là đơn vị có năng lực tài chính và công nghệ tiên tiến đầu tư vào Việt Nam, kịp thời ngăn chặn hoạt động lừa đảo, tội phạm kinh tế. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo công an các đơn vị địa phương triệt phá các băng nhóm tội phạm, trong đó phát hiện nhiều nhóm tội phạm nguy hiểm “núp bóng” công ty, DN để hoạt động phạm tội, ảnh hưởng xấu đến môi trường cạnh tranh của DN. Năm 2016, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 16.823 vụ vi phạm về trật tự quản lý kinh tế.

Về nội dung không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, Bộ Công an chỉ đạo thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong điều tra, khởi tố các vụ án, nhất là các vụ án có liên quan đến DN. Tuy nhiên, còn xảy ra một vài vụ oan, sai do cán bộ công an chưa chấp hành nghiêm pháp luật, nhũng nhiễu người dân và DN. Ngành công an đã xử lý nghiêm những sai phạm theo quy định....