Bộ Tài chính và nỗ lực vì một Chính phủ kiến tạo
Nhằm góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong năm 2016, nhiều giải pháp cải cách hành chính và các kế hoạch hành động Bộ Tài chính đã được triển khai, cụ thể hóa tới mọi lĩnh vực trong toàn ngành Tài chính. Việc giữ vững ngôi vị “Á quân” về cải cách hành chính trong 2 năm liên tiếp (2014 và 2015), đã phần nào phản ánh được tinh thần và sự quyết liệt của ngành Tài chính trong thực thi đường lối của Đảng và Nhà nước.
Năm 2016, tiếp tục triển khai mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh gắn với hỗ trợ phát triển thị trường.
Để thực hiện mục tiêu trên, ngày 28/4/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 35/NQ-CP (ngày 16/05/2016) về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 với nhiều giải pháp về kinh tế, tài chính, trong đó đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp về thuế, hải quan.
Nhiều kết quả từ nỗ lực triển khai Nghị quyết của Chính phủ
Triển khai thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động và kịp thời ban hành các kế hoạch hành động với các giải pháp quyết liệt và nhiệm vụ rõ ràng. Việc phân công, phân nhiệm nhiệm được gắn chặt với trách nhiệm triển khai thực hiện của từng thủ trưởng đơn vị.
Sau khi các Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, ngày 23/5/2016, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 1134/QĐ-BTC về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP (trong đó, cụ thể hóa các giải pháp thành 118 nhiệm vụ và yêu cầu trong năm 2016 phải hoàn thành 83/118 nhiệm vụ); Quyết định 1239/QĐ-BTC (ngày 31/5/2016) về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ (với 46 nhiệm vụ cụ thể).
Các kế hoạch và chương trình hành động trên đều được cụ thể hóa thành các nội dung, nhiệm vụ gắn với tiến độ và trách nhiệm rõ ràng. Với nền tảng trên, quá trình triển khai đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực như: Về triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, Bộ Tài chính đã hoàn thành đúng tiến độ 83/118 nhiệm vụ;
Về triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, Bộ Tài chính đã có 26/40 nhiệm vụ hoàn thành, đạt 100% kế hoạch đề ra trong năm 2016; những nhiệm vụ còn lại trong các kế hoạch và chương trình hành động trên tiếp tục được Bộ Tài chính cam kết triển khai thực hiện theo đúng tiến độ đề ra trong giai đoạn 2017-2020. Tất cả đã tác động trực tiếp và phát huy tính tích cực đến hoạt động cải cách hành chính (CCHC) của toàn ngành Tài chính.
Năm 2016, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thành 100% chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội… Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến và thông qua những dự án luật quan trọng như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi)…
Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 90 đề án và ban hành theo thẩm quyền 320 Thông tư, Thông tư liên tịch. Kết quả này đã góp phần hỗ trợ công tác CCHC, giảm thời gian kê khai nộp thuế, thời gian thông quan hàng hóa, bảo đảm đạt mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết 19/NQ-CP đề ra. Cụ thể:
- Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tới 63 Cục thuế và 100% các chi cục thuế trực thuộc. Tính đến 21/11/2016, có 99,6% số DN đang thuộc diện quản lý thuế đã thực hiện khai thuế qua mạng internet. Số lượng DN thực tế sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử đạt trên 96,7%, với 43 ngân hàng thương mại phối hợp, tham gia thu thuế điện tử trên toàn quốc.
- Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 10/14 bộ, với 36 thủ tục hành chính (TTHC) được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Tổng số bộ hồ sơ hành chính đã được xử lý trên cổng tính đến cuối năm 2016 là trên 204 nghìn bộ hồ sơ và ghi dấu sự tham gia của hơn 8,2 nghìn DN. Để đẩy nhanh việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 2185/QĐ-TTg ngày (14/11/2016) ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020...
Bên cạnh đó, Hệ thống thông quan điện tử (VNACCS/VCIS) cũng đã được đưa vào áp dụng và triển khai tại 34/34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố trên toàn quốc, cho phép sử dụng chứng từ điện tử có gắn chữ ký số để khai báo hải quan qua mạng internet.
Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức độ 4 đối với 119 TTHC về khai báo, thông quan hàng hóa, phương thức vận chuyển đường biển, thanh toán thuế, phí và lệ phí, chiếm khoảng 71% tổng số TTHC công về hải quan. Đặc biệt là đã có sự tham gia phối hợp thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu bằng điện tử của 33 ngân hàng thương mại...
Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan đối với hàng hóa, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành thành lập 10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại 8 Cục Hải quan để hỗ trợ các DN trong thực hiện nghĩa vụ kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời, đẩy mạnh việc phối hợp với các bộ, ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành để sửa đổi, bổ sung theo Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc làm trên đã góp phần quan trọng vào cải thiện môi trường kinh doanh, từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN, duy trì môi trường đầu tư ổn định và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2016 đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Điều này được minh chứng rõ ràng trong Báo cáo đánh giá và xếp hạng của các tổ chức quốc tế về mức độ cải thiện môi trường kinh doanh:
i) Năm 2016, Việt Nam đã tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện tại 140 nước cũng đã chỉ ra rằng, Việt Nam xếp thứ 56 trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2015-2016, tăng 12 bậc so với giai đoạn 2014-2015 và đây cũng là thứ hạng cao nhất của Việt Nam đạt được trong giai đoạn 2006-2015. Điều này đồng nghĩa với việc môi trường đầu tư của Việt Nam đang ngày càng thông thoáng và trở thành một điểm đến quan trọng trong chiến lược đầu tư kinh doanh của nhiều nhà đầu tư trên thế giới.
ii) Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh năm 2017 được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 25/10/2016 cũng ghi nhận, Việt Nam đã tăng 9 bậc về chỉ số thuận lợi kinh doanh. Cụ thể, Việt Nam xếp thứ 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá. Trong đó, chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội (tăng 11 bậc từ hạng 178 lên 167) với thời gian nộp thuế giảm mạnh và chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới (lĩnh vực hải quan) cũng đã tăng 15 bậc (từ vị trí 108 lên vị trí 93).
Là thành tố quan trọng tạo nên những thành công chung, trong 2 năm (2014-2015) Bộ Tài chính liên tiếp giữ vững ngôi vị “á quân” (2/19) trong bảng đánh giá xếp hạng CCHC (Par Index) của Chính phủ. Ngôi vị này đã phần nào phản ánh được tinh thần và sự quyết liệt của ngành Tài chính trong triển khai các giải pháp CCHC, kỳ vọng đem đến một môi trường kinh doanh minh bạch và bền vững cho DN.
Tiếp tục nỗ lực vì một Chính phủ kiến tạo
Mặc dù đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trong cải cách TTHC, góp phần hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh, song dự báo kinh tế trong nước và thế giới trong thời gian tới tiếp tục có nhiều diễn biến khó lường. Bối cảnh này đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ rất nặng nề đối với CCHC trong lĩnh vực tài chính mà trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan.
Tâm thế bước vào một mùa xuân mới, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký Quyết định 2651/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2017 của Bộ Tài chính.
Tại quyết định này, Bộ trưởng Bộ tài chính chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các đối tượng về tình hình, kết quả xây dựng cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính trong năm 2016 - 2017 và định hướng đến năm 2020. Qua đó, nhằm góp phần tích cực hơn nữa vào cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Theo đó, các kết quả thực thi đơn giản hóa TTHC theo Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020; tình hình triển khai và kết quả thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP và Chương trình hành động của Bộ Tài chính trong thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ... sẽ được tập trung phổ biến, tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, các buổi tọa đàm, tập huấn, hội thảo... trải đều trong suốt cả năm 2017.
Kế hoạch cũng đề cập tới việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó, tạo kênh thông tin quan trọng trong việc lấy ý kiến rộng rãi đối với các văn bản quy phạm pháp luật ngay trong quá trình soạn thảo; Tổ chức biên soạn, in ấn các tài liệu, ấn phẩm, tờ rơi, sách hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; sách hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật tài chính; bộ pháp điển quy phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; sách Hỏi – đáp về Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sách về biểu thuế nhập khẩu để thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết...
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020;
2. Nghị quyết số 35/NQ-CP (ngày 16/5/2016) về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020;
3. Quyết định số 1134/QĐ-BTC ngày 23/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ;
4. Quyết định số 1239/QĐ-BTC ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ;
5. Một số website: mof.gov.vn, chinhphu.vn, moit.gov.vn, tapchitaichinh.vn...