"Nhọc nhằn" bất động sản phát mãi
Ngay cả trong thời điểm giá bất động sản không ngừng tăng ở các phân khúc, các bất động sản (BĐS) phát mãi dù được "đại hạ giá" vẫn chẳng thể hấp dẫn người mua.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng đã liên tục rao bán các tài sản thế chấp với giá khởi điểm từ vài tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng.
Trong đó, mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã rao bán một khoản nợ ngàn tỉ đồng của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy. Khoản nợ này có tổng dư nợ trên 1.035 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong danh sách tài sản thế chấp có Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại đường Nguyễn Lương Bằng (Q.7, TP. Hồ Chí Minh), công trình được xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 580 tỷ đồng, hiện giá rao bán còn 356 tỷ đồng. Đây được xem là mức giá chỉ bằng 60% so với giá đất cùng khu vực, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có ai mua.
Tương tự, BIDV cũng rao bán khoản nợ của Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn, với giá rao bán dưới 800 tỷ đồng. Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, các lô đất được giao bán trên thị trường ước tính đã gần 2.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tổng giá trị rao bán nhưng vẫn chẳng ai ngó ngàng.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, BĐS phát mại, thanh lý khá hấp dẫn do mức giá “mềm”. Tuy nhiên, với những người mua nhà để ở thì họ lại không mặn mà, khi quan niệm của đa số người dân Việt Nam khi mua nhà là tránh những ngôi nhà mà chủ cũ làm ăn “bết bát”.
Bên cạnh đó, việc mua các BĐS thanh lý có thể đi kèm nhiều rắc rối về pháp lý cũng như sự đồng thuận của chủ tài sản. Ngoài ra, không ít tài sản bảo đảm đã được định giá cao hơn giá trị thực tế khi phê duyệt khoản vay. Do đó, khi thanh lý, các ngân hàng thường có xu hướng định giá theo giá trị khoản nợ mà không sát với giá thị trường.
Đồng quan điểm, Luật sư Triệu Trung Dũng - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, bất động sản phát mãi phải đối mặt với các rủi ro như tài sản phát mại bị vướng tranh chấp do gắn liền với quyền sử dụng đất của người khác hoặc nằm trong diện quy hoạch… khiến người mua tài sản phát mại không thể sử dụng được.
Người mua cũng có khả năng gặp phải các vấn đề phức tạp trong mối quan hệ 3 bên gồm chủ sở hữu tài sản, ngân hàng và người mua. Do đó, bất động sản phát mãi không hấp dẫn người mua dù đã giảm giá khá nhiều.