Nhóm ngân hàng nào sẽ hưởng lợi lớn từ Nghị quyết xử lý nợ xấu?
Nghị quyết xử lý nợ xấu sẽ tác động mạnh đến nhóm các ngân hàng thương mại (NHTM) có nợ xấu nội bảng ngoại bảng, nợ xấu bán cho VAMC, lãi, phí phải thu cao và nhóm có giá trị tài sản đảm bảo lớn.
Nghị quyết xử lý nợ xấu đã chính thức được Quốc hội thông qua ngày hôm qua (21/06) với tỷ lệ tán thành 86%. Theo đó, Nghị quyết có hiệu lực trong 5 năm và áp dụng từ 15/8/2017.
Ngân hàng có nợ xấu cao sẽ hưởng lợi?
Đánh giá mức độ ảnh hưởng của Nghị quyết xử lý nợ xấu tới các ngân hàng thương mại, nhóm phân tích công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán BIDV (BSC) xem xét dựa trên 2 phương diện, gồm quy mô tuyệt đối và tương đối của các khoản nợ xấu và nợ tiềm ẩn và năng lực, kinh nghiệm xử lý nợ xấu thực tế của các NHTM.
Theo nhận định của BSC, Nghị quyết sẽ tác động mạnh đến nhóm các NHTM có nợ xấu nội bảng ngoại bảng, nợ xấu bán cho VAMC, lãi, phí phải thu cao và nhóm có giá trị tài sản đảm bảo lớn.
Thống kê của BSC cho thấy một số ngân hàng có quy mô các tài sản lớn như STB, BID, CTG và một số ngân hàng có tỷ lệ tài sản nói trên so với dư nợ cao là STB, VPB, SHB, EIB.
Các ngân hàng có tỷ lệ nợ nhóm 2, nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC, lãi, phí phải thu cao trên tổng dư nợ cao phải kể đến như ngân hàng NVB, STB, EIB, SHB,....
Nhiều ngân hàng hiện đang giữ giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản nợ ở mức cao. Tỷ lệ này ở NVB là 324%, MBB là 320%.
Nhóm phân tích CTCP chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đánh giá đây là thông tin tích cực đối với ngành ngân hàng nói chung cũng như các ngân hàng đang còn nhiều nợ xấu nói riêng (điển hình như BID, STB trên sàn niêm yết). Tuy nhiên, do tính chất thông tin không mới và trên thực tế cũng đã phản ánh phần lớn vào diễn biến tăng điểm của các cổ phiếu ngân hàng thời gian qua nên khi thông tin chính thức được công bố ngày hôm qua (21/6), tác dụng hỗ trợ ngắn hạn đối với thị trường đã không còn.
Mặc dù vậy, BVSC đánh giá đây là yếu tố mang tính trung hạn và các cổ phiếu ngân hàng hoàn toàn có khả năng duy trì xu hướng tích cực khi những chuyển biến về xử lý nợ xấu nhờ nghị quyết trên thực sự diễn ra trong thực tế.
Nhiều tác động tích cực
Dù vẫn còn khá nhiều băn khoăn của đại biểu quốc hội liên quan đến một số vấn đề như: không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu, không miễn trừ trách nhiệm đối với người có hành vi vi phạm trong quá trình xử lý nợ xấu; các thủ tục về kê biên tài sản đảm bảo... nhưng do tính chất cần thiết và đặc thù của yêu cầu phải xử lý nợ xấu, nghị quyết này cuối cùng cũng đã được các đại biểu quốc hội thông qua.
Nghị quyết xác định rõ không dùng tiền Ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu đồng thời tạo cơ chế cho các Ngân hàng xử lý nợ xấu. Phạm vi nợ xấu xử lý sẽ là toàn bộ nợ xấu ngân hàng, không kể nợ xấu thuộc tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém hay không, xử lý nợ xấu phát sinh đến 15/8/2017.
Theo nhóm phân tích CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), Nghị quyết xử lý nợ xấu khi được thông qua kỳ vọng sẽ giúp giải phóng 600.000 tỷ đồng nằm trong các khoản nợ xấu.
Hàng loạt các cơ chế sẽ được áp dụng cho ngân hàng, tổ chức tín dụng theo Nghị quyết này bao gồm quyền thu giữ tài sản đảm bảo; áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo; cho phép tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh, mua bán nợ được mua nợ xấu; cho phép mua bán nợ theo giá thị trường, có thể cao, thấp hơn giá trị ghi sổ và phân bổ lãi dự thu, chênh lệch lỗ khi bán khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, …
Vấn đề đặc biệt quan trọng được quan tâm là quyền thu giữ tài sản đảm bảo của TCTD. Theo đó, kể từ ngày 15/8, nếu bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không giao tài sản cho TCTD thì TCTD sẽ được phép thu giữ tài sản bảo đảm đó theo quy định.
Tuy nhiên, việc thu giữ tài sản bảo đảm phải tuân thủ điều kiện không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thu lý, chưa giải quyết hoặc đang giải quyết tại Tòa án, tài sản không đang bị Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án. Đồng thời, TCTD được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.
Theo Nghị quyết mới việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản tại các TCTD phải tuân thủ các điều kiện như dự án bất động sản đó đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt, có quyết định giao đất, cho thuê đất, dự án đó không có tranh chấp hay đã được thụ lý chưa giải quyết hoặc đang giải quyết tại Tòa án.
BSC cho rằng việc được áp dụng các thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo cũng đã cho phép cho phép rút ngắn hơn trình tự giải quyết vụ án dân sự thông thường từ 3-7 tháng. Hiện tòa án áp dụng thủ tục rút gọn đối với các khoản nợ xấu đầy đủ hồ sơ, và có giá trị dưới 500 triệu đồng nhỏ hơn nhiều so với quy mô thực tế nhiều khoản nợ xấu của Việt Nam.
Nghị quyết cho phép mua bán nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường và mở rộng đối tượng tham gia thị trường mua bán nợ xấu, gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. BSC kỳ vọng quy định này sẽ giúp giá bán nợ xấu, tài sản đảm bảo cao hơn và thời gian xử lý nhanh hơn.
Cùng đó, Nghị định cho phép phân bổ lãi dự thu và chênh lệch giữa giá trị khoản nợ và giá bán khoản nợ từ 5-10 năm. Điều này giúp giảm gánh nặng tài chính đối với các TCTD có gánh nặng lãi dự thu dồn tích lớn, giá trị các khoản nợ được bán dưới giá trị ghi sổ.