Những bước đi căn bản hình thành kho bạc số

Bảo Thương

Một trong những mục tiêu quan trọng được xác định trong trong Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030 đó là hoàn thành xây dựng Kho bạc số. Để đạt được mục tiêu, KBNN đã chia ra thành 2 giai đoạn phát triển, ở giai đoạn đầu (từ năm 2021 - 2026), toàn hệ thống KBNN sẽ thực hiện các giải pháp để hình thành kho bạc vận hành dựa trên dữ liệu số, từng bước hình thành những bước đi căn bản cho kho bạc số.

Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi thực hiện cải cách, hiện đại hoá trong công tác kiểm soát chi và phối hợp thu ngân sách nhà nước.
Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi thực hiện cải cách, hiện đại hoá trong công tác kiểm soát chi và phối hợp thu ngân sách nhà nước.

Hướng tới mục tiêu hình thành kho bạc vận hành dựa trên dữ liệu số vào năm 2025, trong năm 2022 vừa qua, hệ thống KBNN đẩy mạnh việc triển khai các dự án công nghệ thông tin (CNTT) nhằm hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 và Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động KBNN giai đoạn 2021-2025; tăng cường ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ đối với các đơn vị sử dụng ngân sách.

Trong đó, trọng tâm là triển khai các dự án, bao gồm: Nghiên cứu xây dựng Đề án nâng cấp hệ thống TABMIS và các ứng dụng hình thành hệ thống ngân sách và kế toán số (VDBAS); Chương trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư (ĐTKB-GD); Chương trình Tổng hợp báo cáo đầu tư (THBC-LAN); Chương trình thanh toán song phương điện tử bổ sung nghiệp vụ thanh toán điện tử liên ngân hàng theo mô hình tập trung; Liên thông giữa các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), TABMIS và Thanh toán điện tử với ngân hàng; Tiện ích tra cứu dữ liệu DVCTT phục vụ công tác thanh tra kiểm tra; Nâng cấp DVCTT bổ sung cổng trao đổi dữ liệu qua Internet với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông.  

Đặc biệt, thực hiện Đề án số 06 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, KBNN đã cung cấp các tiện ích để các đơn vị thuộc khối công an có thể lập và phê duyệt ký số ủy nhiệm chi hoàn thu từ tài khoản tạm thu; kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia để nhận lệnh hoàn phí, lệ phí thực hiện hoàn thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Đại diện KBNN cho biết, hiện nay, KBNN đã triển khai thí điểm công nghệ ký số từ xa, giúp cho các đơn vị sử dụng ngân sách không phải phụ thuộc vào thiết bị USB token (chữ ký số), cho phép kiểm tra sinh trắc học (khuôn mặt hoặc vân tay), chống việc cho mượn USB token nhằm tăng cường tính bảo mật; thực hiện thí điểm kết nối dữ liệu với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước và viễn thông, để chủ động thanh toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách theo ủy quyền điện tử của đơn vị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, KBNN hoàn thành việc triển khai diện rộng chương trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản qua KBNN. Nhờ vậy, các đơn vị thuộc KBNN đã khai thác sử dụng chương trình phục vụ cho việc kiểm soát chi đầu tư từ khâu tổng mức đầu tư, kế hoạch vốn trung hạn, kế hoạch vốn hàng năm, các hạng mục dự án, công trình và theo từng hợp đồng A-B, thực hiện cam kết chi và kiểm soát thanh toán. Bên cạnh đó, dữ liệu được tổng hợp kịp thời để lên báo cáo định kỳ theo quy định.

KBNN cho biết, trong thời gian tới, nhằm thực hiện mục tiêu giai đoạn đầu là hình thành kho bạc vận hành dựa trên dữ liệu số, toàn hệ thống KBNN sẽ tập trung đẩy mạnh liên kết và liên thông dữ liệu số.

Cụ thể là liên thông dữ liệu chứng từ, hồ sơ chi đầu tư; đối chiếu số dư định kỳ giữa đơn vị SDNS với KBNN; triển khai diện rộng nội dung thanh toán tự động dịch vụ điện, nước, viễn thông; liên thông dữ liệu số với cơ quan tài chính (nộp trả ngân sách cấp trên, rút dự toán bổ sung từ ngân sách cấp trên, lệnh chi trả nợ trong nước, lệnh chi trả nợ nước ngoài)...

Ngoài ra, KBNN sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch nâng cấp hệ thống TABMIS – hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc, các hệ thống công nghệ thông tin liên quan để hình thành hệ thống quản lý ngân sách và kế toán nhà nước số nhằm đáp ứng các cải cách của chiến lược phát triển KBNN... Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới cơ chế kiểm soát cam kết chi theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm và kiểm soát rủi ro; cung cấp khả năng cơ bản về phân tích rủi ro... 

 

Trên tiến trình đi tới hình thành kho bạc số vào năm 2030, KBNN đã không ngừng nỗ lực hình thành các bước đi căn bản cho chuyển đổi số. Đại diện KBNN cho biết, KBNN đã cung cấp 100% thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4, đạt tỷ lệ 100% đơn vị sử dụng ngân sách. Hầu hết các khoản thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua KBNN được thực hiện trực tuyến, thanh toán qua ngân hàng; một số chức năng tra cứu đã tích hợp qua ứng dụng mobile...