Kho bạc Nhà nước tăng cường phối hợp thu ngân sách nhà nước
Những năm qua, việc phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) giữa Kho bạc Nhà nước (KBNN) và các ngân hàng thương mại (NHTM) đã từng bước phát huy hiệu quả tích cực. Để đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, KBNN tiếp tục tăng cường phối hợp thu ngân sách nhà nước với các NHTM.
Hiệu quả tích cực từ việc phối hợp thu ngân sách
Trong nhiều năm gần đây, việc thu, nộp NSNN đã ngày càng thuận lợi. Đến nay, số thu NSNN bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN chỉ chiếm tỷ lệ dưới 1%. Kết quả này có được là nhờ một phần từ việc KBNN đã ký kết thỏa thuận hợp tác phối hợp thu NSNN, thanh toán song phương điện tử với NHTM.
Sự hợp tác giữa KBNN và các NHTM mang lại lợi ích cho cả ba bên. Quy trình thu, tổ chức phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với NHTM đã giúp KBNN tập trung nhanh, đầy đủ, kịp thời các khoản thu của NSNN vào KBNN. Đồng thời, toàn bộ số tiền thu được trong ngày đều được tập trung vào tài khoản của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước vào cuối ngày làm việc.
Việc ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt cho các NHTM vừa giúp KBNN thực hiện được mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng định hướng của Chính phủ, vừa giảm thiểu được khối lượng công việc liên quan đến tổ chức thu NSNN bằng tiền mặt cho KBNN.
Các ngân hàng thông qua cung cấp dịch vụ công cho Chính phủ có thể mở rộng lượng khách hàng và nâng cao vị thế với khách hàng. Người nộp thuế có thể nộp thuế ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào trong ngày qua các dịch vụ thanh toán của hệ thống NHTM…
Đặc biệt, người nộp NSNN được lựa chọn dịch vụ thanh toán hiện đại, đa dạng như thực hiện nộp qua cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế; qua dịch vụ thanh toán điện tử của NHTM như: ATM, Internetbanking, Mobile banking, POS, hoặc các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh (đối với một số khoản thu NSNN như thu phạt giao thông, một số khoản phí, lệ phí). Đồng thời, các tổ chức, cá nhân giảm được phí thanh toán khi nộp tại các NHTM có tài khoản chuyên thu của KBNN.
Bên cạnh việc phối hợp với các NHTM, KBNN cũng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thu phí, lệ phí và thu phạt trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp ngân sách, góp phần tập trung nhanh nguồn thu vào NSNN, góp phần cùng với ngành Thuế thực hiện thu vượt dự toán năm 2022.
Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế
Theo Chiến lược phát triển KBNN tầm nhìn đến năm 2030, đến năm 2025, cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi NSNN qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử, trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Có thể nói, công tác phối hợp thu NSNN giữa KBNN, cơ quan Thuế, Hải quan với các NHTM là một bước tiến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, mang tính đột phá của công tác thu NSNN trên nền tảng công nghệ thông tin theo nguyên tắc thuận tiện, chính xác, kịp thời và hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế và mang lại lợi ích cho các bên.
Để thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 hình thành Kho bạc điện tử, kho bạc “3 không” (không tiền mặt, không hồ sơ chứng từ giấy, không khách hàng giao dịch), thời gian tới, công tác ủy nhiệm thu sẽ được KBNN tiếp tục mở rộng với các NHTM phối hợp thu trên từng địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Để làm được điều đó, KBNN, cơ quan Thuế, Hải quan và các NHTM sẽ tiếp tục rà soát các thủ tục trong quy trình phối hợp thu NSNN để phát hiện những thủ tục không hợp lý, cải tiến theo hướng đơn giản hóa, dễ hiểu nhằm tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
Bên cạnh đó, trao đổi thông tin kịp thời trong việc giải quyết mọi vướng mắc để việc thực hiện quy chế phối hợp thu NSNN đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cả cơ quan thuế, KBNN, các NHTM và người nộp thuế...